Nhiệm vụ của sinh viên là học tập, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng

GD&TĐ - Ngoài học tập, phục vụ cộng đồng, thì một trong những nhiệm vụ chính của sinh viên là nghiên cứu khoa học.

PGS.TS Trần Hữu Hoan – Phó Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục và các giảng viên chúc mừng sinh viên được vinh danh khen thưởng trong nghiên cứu khoa học.
PGS.TS Trần Hữu Hoan – Phó Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục và các giảng viên chúc mừng sinh viên được vinh danh khen thưởng trong nghiên cứu khoa học.

Phát biểu tại Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học năm học 2023 – 2024 (ngày 16/5) do Học viện Quản lý giáo dục tổ chức, PGS.TS Trần Hữu Hoan – Phó Giám đốc nhấn mạnh, nghiên cứu khoa học có vai trò quan trọng trong học tập và cần thiết trở thành nhu cầu tự thân.

Năm nay, số lượng và chất lượng nghiên cứu khoa của sinh viên Học viện Quản lý giáo dục ngày càng tăng, phương pháp nghiên cứu tốt. Từ kết quả thực hiện các đề tài cho thấy, sinh viên đã có nhận thức đúng về nghiên cứu khoa học. Theo đó, nhiều vấn đề mới, có tính thời sự, bám sát thực tiễn đã được sinh viên nghiên cứu.

Các đề tài không chỉ tập trung trong lĩnh vực giáo dục, mà còn là những vấn đề xã hội được dư luận quan tâm như: mối quan hệ giữa xu hướng chọn nghề và nhận thức về nghề nghiệp trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 của học sinh THPT; nhận diện ngôn ngữ ký hiệu, nghiên cứu hành vi vì môi trường của sinh viên…

PGS.TS Trần Hữu Hoan phát biểu tại hội nghị.

PGS.TS Trần Hữu Hoan phát biểu tại hội nghị.

Dưới sự hướng dẫn của TS Đỗ Thanh Tú – giảng viên Khoa Ngoại ngữ, nhóm sinh viên gồm: Hương Lan và Phương Uyên đã thực hiện đề tài "Ảnh hưởng của mạng xã hội TikTok đến việc học tiếng Anh của sinh viên năm ba ngành Ngôn ngữ Anh - Học viện Quản lý Giáo dục".

Nghiên cứu đã khảo sát tiềm năng của TikTok, một nền tảng mạng xã hội phổ biến, trong việc hỗ trợ học tiếng Anh, đặc biệt cho lứa tuổi thanh thiếu niên. Những video ngắn và thu hút của TikTok có thể thúc đẩy hứng thú học tiếng Anh của sinh viên.

Hương Lan và Phương Uyên thuyết trình đề tài nghiên cứu của mình

Hương Lan và Phương Uyên thuyết trình đề tài nghiên cứu của mình

Các nghiên cứu trước đây nhấn mạnh việc sử dụng ngày càng phổ biến của TikTok trong giáo dục và tập trung vào việc học tiếng Anh còn hạn chế. “Tuy nhiên, nghiên cứu của chúng tôi lấp đầy khoảng trống này bằng cách kiểm tra tác động của nó trong bối cảnh cụ thể, nhằm mục đích cung cấp thông tin cho giáo viên và học sinh” - Hương Lan chia sẻ.

Để tích hợp TikTok với việc giảng dạy một cách hiệu quả, nhóm nghiên cứu đề xuất các nhà giáo dục và nhà hoạch định chính sách nên hướng dẫn sinh viên những kỹ năng để tối đa hóa tiềm năng học tập của nền tảng này.

Bên cạnh đó, giáo viên có thể chia sẻ các video hữu ích, phù hợp với chương trình giảng dạy và có thể tự tạo nội dung hấp dẫn như các mẹo học tiếng Anh. Thêm nữa, giao các bài tập từ vựng hoặc ngữ pháp thông qua video này có thể giúp sinh viên tăng hiểu biết và củng cố kiến thức.

TS Đỗ Thanh Tú cùng nhóm nghiên cứu đề tài "Ảnh hưởng của mạng xã hội TikTok đến việc học tiếng Anh của sinh viên năm ba ngành Ngôn ngữ Anh - Học viện Quản lý Giáo dục".

TS Đỗ Thanh Tú cùng nhóm nghiên cứu đề tài "Ảnh hưởng của mạng xã hội TikTok đến việc học tiếng Anh của sinh viên năm ba ngành Ngôn ngữ Anh - Học viện Quản lý Giáo dục".

Quan tâm đến mối quan hệ giữa xu hướng chọn nghề và nhận thức về nghề nghiệp trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 của học sinh THPT, sinh viên Lâm Khánh Huyền nhận thấy, học sinh THPT bắt đầu có nhận thức về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và tác động của nó đến thị trường lao động việc làm cũng như xu hướng chọn nghề. Tuy nhiên, một số học sinh còn nhận thức chưa đúng dẫn đến chọn sai hoặc không đúng với xu hướng thị trường việc làm trong bối cảnh 4.0.

Qua khảo sát, nghiên cứu, sinh viên Lâm Khánh Huyền cho rằng, việc nhận thức về tầm quan trọng của nghề nghiệp trong bối cảnh 4.0 có ý nghĩa với học tập, rèn luyện phẩm chất của học sinh.

Sinh viên Lâm Khánh Huyền thuyết trình đề tài về mối quan hệ giữa xu hướng chọn nghề và nhận thức về nghề nghiệp trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 của học sinh THPT.

Sinh viên Lâm Khánh Huyền thuyết trình đề tài về mối quan hệ giữa xu hướng chọn nghề và nhận thức về nghề nghiệp trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 của học sinh THPT.

Theo TS Hà Thanh Hương – Trưởng Phòng Quản lý khoa học, Hợp tác quốc tế và Tạp chí (Học viện Quản lý giáo dục) nhấn mạnh, nghiên cứu khoa học của sinh viên là một bộ phận của hoạt động nghiên cứu khoa học trong Học viện và không thể tách rời công tác đào tạo.

Đây là một hoạt động tích hợp, quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Học viện đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi, nguồn kinh phí để khuyến khích sinh viên thực hiện nghiên cứu khoa học.

Sinh viên phản biện sôi nổi tại hội nghị.

Sinh viên phản biện sôi nổi tại hội nghị.

Nhiều sinh viên đã hiểu và thực hiện tốt kỹ năng nghiên cứu như: đề xuất đề tài, viết thuyết minh, báo cáo tổng kết, thuyết trình đề tài khoa học. Đây là những kỹ năng về học thuật mà sinh viên đạt được qua hoạt động khoa học công nghệ. Theo ghi nhận, phần lớn các sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học đều có thành tích cao trong học tập và trong các hoạt động giáo dục khác của các em.

Để khuyến khích sinh viên nghiên cứu khoa học, Học viện Quản lý giáo dục có quy định cộng điểm vào kết quả trung bình trong học tập đối với sinh viên đạt giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học hàng năm của Học viện.

TS Hà Thanh Hương báo cáo tại hội nghị.

TS Hà Thanh Hương báo cáo tại hội nghị.

Theo PGS.TS Trần Hữu Hoan, không nên coi nghiên cứu khoa học là phong trào, mà phải là nhu cầu tự thân. Muốn vậy, cần hun đúc tinh thần nghiên cứu khoa học cho sinh viên. Cán bộ, giảng viên có thể hướng dẫn sinh viên cách lựa chọn đề tài, phương pháp nghiên cứu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ