Nhiều khi nhìn cháu vừa học, vừa khóc trông rất tội nên tôi khuyên vợ: “Việc học chậm là do con nó chưa hiểu bài, hoặc phương pháp giảng bài của em chưa đúng nên con không hiểu, chửi bới, la mắng hoặc đánh con có làm nó hiểu bài hơn đâu”. Nghe lời tôi, sau đó vợ tôi đổi phương pháp giảng dạy, nhẹ nhàng phân tích để con hiểu, bồi dưỡng những môn học còn yếu, nhờ đó mà năng lực học tập của con tôi có tiến bộ hơn trước.
Thực tế, nhiều bậc phụ huynh chỉ vì con học chậm mà có các hành vi ứng xử bạo lực với con em mình như: Cấm cháu ăn cơm, la mắng, đôi khi phạt quỳ, đánh đòn các cháu... Đây là những hành vi ứng xử không tốt, làm tổn thương đến các cháu. Việc các cháu học bài chậm có nhiều nguyên nhân như phụ thuộc năng lực, trí tuệ, bố mẹ chưa thường xuyên quan tâm để các cháu ham chơi, quên việc học hành hoặc chưa nắm rõ suy nghĩ, năng lực học tập của các cháu để tìm ra giải pháp tối ưu nhất nhằm nâng cao học lực cho các cháu. Khi con em mình học tập không tốt thì quy trách nhiệm, đổ tội cho các cháu bằng các hình phạt không đúng là những sai lầm nghiêm trọng của một số bậc phụ huynh học sinh hiện nay.
Việc đánh đập, chửi bới sẽ không làm các cháu học tiến bộ hơn mà sẽ làm các cháu rơi vào trạng thái trầm cảm, uất ức, xa lánh bố mẹ, tự tìm các thú vui không phù hợp với lứa tuổi để thể hiện mình... thì hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Thay vào đó để nâng cao năng lực học tập của con, phụ huynh cần dành nhiều thời gian hơn nữa, nắm rõ năng lực học tập từng môn học của các cháu để có phương pháp bồi dưỡng hợp lý, tạo sự hưng phấn trong học tập của con bằng nhiều lời khen, phần thưởng xứng đáng như mua đồ chơi, quần áo đẹp hoặc thưởng cho các cháu một chuyến tham quan, vui chơi, giải trí nhân ngày cuối tuần... Như vậy sẽ kích thích khả năng, tinh thần phấn đấu học tập của các cháu.
Đừng vì lý do các cháu học chậm mà các bậc phụ huynh học sinh có hành vi bạo lực với bất kỳ hình thức nào bởi đây là biểu hiện tiêu cực, phản khoa học và sẽ không làm trẻ tiến bộ hơn.