Sự cần thiết dạy trẻ biết phản biện
Tư duy phản biện là điều vô cùng cần thiết cho sự thành công và hạnh phúc của mỗi con người. Trên thực tế, những người không có tư duy phản biện rất dễ bị dụ dỗ và lừa gạt. Trong công việc, nếu chúng ta không có tư duy phản biện thường hay dẫn tới những hiểu lầm đáng tiếc. Đối với con trẻ, những va chạm trong tranh luận sẽ giúp trẻ tự tin, mạnh dạn hơn. Trong học tập, tư duy phản biện sẽ giúp chúng khắc sâu được kiến thức trên lớp.
Thời gian này, chị Thu Hà khu tập thể Thành Công (Hà Nội) không hài lòng với con, bởi dường như những vấn đề chị đưa ra để nhắc nhở, cu Nam con trai chị hay phản ứng lại mẹ. Mặc dù chị thấy có lúc con cũng có ý đúng, nhưng chị không thích cách phản ứng của con.
Tuy nhiên, khi chị ca thán với chồng, anh lại tủm tỉm cười và nói: “Em phải mừng khi con mình biết “phản thùng lại” mình chứ. Bởi vì như vậy chứng tỏ con đang phát triển tốt về tư duy đấy. Nếu nhất nhất những gì em nói con cũng vâng dạ và chấp hành thì đó chắc chắn không phải là điều tốt đâu”. Rồi chồng chị dẫn giải rằng, những đứa trẻ dám tranh luận và biết đưa ra chính kiến của mình là đứa trẻ có tư duy, biết phân tích sự đúng sai theo cảm nhận của chúng.
Việc của người lớn là phải giúp con hình thành và phát triển đúng hướng về điều này. Con chưa hiểu vấn đề, mình cũng sẽ uốn nắn phân tích để con nhận biết và hiểu rõ hơn thôi…
Khi trò chuyện điều này với cô giáo chủ nhiệm của con, chị được biết ở trường phổ thông, nhà trường luôn khuyến khích học sinh biết cách trình bày quan điểm ý kiến riêng của mình. Tại các tiết học hàng ngày, trong quá trình giảng bài các thầy cô giáo thường gợi mở để các em nêu ra suy nghĩ của mình.
Thậm chí cùng một đề tài việc các học sinh đưa ra những ý kiến khác nhau có khi là trái chiều lại làm cho lớp học sôi nổi hơn. Trong lớp, giáo viên sẽ là người trọng tài để đưa ra những kết luận chính thức, cũng nhờ vậy mà học sinh nắm chắc được những kiến thức cơ bản.
Vai trò quan trọng của cha mẹ
Chia sẻ về vấn đề làm thế nào trang bị cho trẻ tư duy phản biện, Chuyên gia Tâm lý Trần Thị Ái Liên, diễn giả khóa học “Kỷ luật không nước mắt” cho biết: Tư duy phản biện là một kỹ năng, là thói quen hay đặt câu hỏi, hay thắc mắc, hay tò mò, hay kiểm chứng, hay đòi hỏi bằng chứng, hay dùng lý lẽ trong bất cứ một vấn đề nào.
Người có tư duy phản biện là người biết dùng lý luận và bằng chứng không dùng sự la hét ầm ĩ để thể hiện chính kiến của mình. Đối với trẻ cần dạy chúng tư duy phản biện ngay từ lúc chào đời, bắt đầu từ khi trẻ dưới một tuổi.
Điều quan trọng trong vấn đề dạy con có tư duy phản biện, đó là việc thu thập các thông tin. Muốn vậy, trẻ phải có khả năng đọc và muốn có khả năng đọc thì phải có khả năng thấy. Với trẻ, người lớn phải giúp các con phát triển được các giác quan trong cơ thể chúng. Phụ huynh cần cho con hiểu được sự giống nhau cùng những khác biệt ở thế giới xung quanh. Trong đó cái cực đoan của sự khác nhau chính là sự tương phản.
Cũng theo Chuyên gia tâm lý Trần Thị Ái Liên, để giúp con nhận biết được điều này, khi mua đồ chơi cho con phụ huynh nên chọn các đồ chơi có các màu sắc tương phản nhau. Trước khi dạy trẻ biết phân biệt đúng, sai, hãy dạy biết thế nào là giống nhau và khác nhau.
Đối với trẻ dưới một tuổi, cha mẹ hãy cho con nhìn nhiều màu sắc, nghe nhiều cường độ âm thanh, nếm nhiều loại gia vị khác nhau… và phải biểu cảm qua thái độ nét mặt của mình để trẻ biết phân biệt cảm nhận.