Nhật ký năm cuối cấp

GD&TĐ - Vậy là những khoảnh khắc cuối cùng của năm học lớp 12 cũng đã đến, bao nhiêu bồi hồi luyến lưu in dấu trên từng ánh mắt học trò.

Nhật ký năm cuối cấp

Có bao nhiêu điều không thể nói hết thành lời, có bao nhiêu tâm sự không thể cất lên thành câu. Các bạn lớp 12 chỉ còn biết gửi gắm phần nào nỗi bâng khuâng, nuối tiếc… trên những dòng nhật ký thấm đẫm yêu thương. 

Buổi học cuối cùng…

“Tích tắc… tích tắc…” thời gian đang từng phút giây trôi đi. Những cánh phượng hồng mỏng manh rơi ngoài cửa lớp mang đi bao kỉ niệm của tuổi học trò. Hôm nay, đã là buổi học cuối cùng rồi sao? Ngày mai, chúng ta không được tung tăng đến trường nữa sao? Ba năm cấp ba lẽ nào trôi qua nhanh thế?…

Mẹ ơi! Con đỗ vào cấp ba rồi, con đỗ vào Trường Nghi Lộc 2 thật rồi mẹ ạ! Đó là khoảnh khắc hạnh phúc từ ba năm trước… khoảnh khắc mà tôi đã phải mất 4 năm cấp 2 ấp ủ, đợi chờ... Thời gian trôi nhanh thế! Ngày mai, ngày kia tôi “không cần” đến trường nữa, không phải ăn vội chiếc bánh mì để đến lớp, không còn lo muộn học…

Ngày mai, ngày kia tôi được tự do! Tôi à! Vui không? Sao lòng lại buồn đến vậy, viết những dòng này mà nước mắt rưng rưng… 12A6 của tôi à! Chẳng còn những buổi học lén lút ăn quà vặt, chẳng còn những câu hỏi “mấy phút nữa là ra chơi”… chẳng còn những câu hỏi bâng quơ những trò dại dột… Những sẽ còn mãi những giây phút yêu thương trong mùa phượng cuối cùng này!”.

(Hoài An - lớp 12A6)

Cô trò lớp 12D5 Trường THPT Đống Đa chụp ảnh lưu niệm chia tay cuối cấp.
Cô trò lớp 12D5 Trường THPT Đống Đa chụp ảnh lưu niệm chia tay cuối cấp.

Đầy ắp kỷ niệm buồn vui…

“Lại một mùa phượng nữa lại về, mùa hoa học trò – mùa của chia tay, chia tay mái trường Nghi Lộc 2 thân thương, nơi tôi đã gắn bó ba năm cấp ba đầy ắp kỷ niệm buồn vui…. Tôi còn nhớ, vào buổi học văn đầu tiên, thầy giáo dạy văn yêu cầu chúng tôi viết một đoạn văn diễn tả những cảm xúc của ngày đầu tiên đến trường.

Chúng tôi đã say sưa ghi lại những phút giây bỡ ngỡ, hồi hộp khi lần đầu tiên bước chân vào ngôi trường cấp ba đầy mới lạ. Vậy mà thoáng chốc giờ đây, tôi cùng các bạn đang cầm bút viết về những cảm xúc của những khoảnh khắc cuối cùng của tuổi học trò.

Thời gian nhanh như một cơn gió… giá như tôi chăm chỉ hơn, giá như tôi trân trọng những phút giây bên bè bạn, thầy cô hơn… Nhưng làm gì có hai từ giá như… nghĩ thế thôi mà không khỏi buồn và nuối tiếc…”.

(Chu Khánh Linh - lớp 12A6)

Điều hối tiếc nhất…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

“Điều tôi hối tiếc nhất là tại sao mình không hòa đồng, vui vẻ cùng bạn bè trong lớp ngay từ năm lớp 10… Tôi muốn tâm sự để các bạn hiểu và trân trọng hơn những phút giây chúng ta đang gần nhau, bởi sau khi rời mái trường này thì thanh xuân của mỗi chúng ta cũng sẽ trôi đi theo thời gian và không bao giờ tìm lại được…

Nhiều khi chính sự ngây thơ, hồn nhiên trong sáng của tuổi học trò lại làm chúng ta quên đi nhiều thứ mà lẽ ra phải nhớ như nói lời xin lỗi về những lỗi lầm mà chúng ta gây ra, nói lời cảm ơn với những thầy cô, bè bạn đã giúp đỡ mình.

Có lẽ trong dòng nhật ký này, nhiều bạn cũng như tôi rất muốn bộc bạch, chia sẻ những điều bấy lâu nay vì một lí do nào đó mà còn cất kín trong lòng… Tôi nghĩ, trong cái ngày chia tay đầy nước mắt sắp tới, tôi sẽ lấy hết can đảm để nói lời xin lỗi đến cô giáo chủ nhiệm của tôi. Em muốn nói: Em xin lỗi cô... một học trò mà cô luôn đặt niềm tin, hi vọng mà lại không thể hoàn thành nhiệm vụ và chưa bao giờ nói lời xin lỗi tới cô…”.    (V. T. H - lớp 12A6)

Mùa hè cuối cùng của thời áo trắng…

“Cuộc sống luôn luôn có những khoảnh khắc trôi đi và không bao giờ trở lại, dù chúng ta muốn níu giữ nó cũng chỉ còn lại bàng bạc trong mỗi trái tim. Một mùa hè – mùa hè cuối cùng của thời áo trắng mộng mơ mãi đứng đó lặng im, cô đơn, không ngoái nhìn lại. Mùa hè năm mười hai đang gần khép lại.

Mỗi đứa sẽ mỗi nơi. Một cuộc hành trình mới lại bắt đầu… Mùa hè cuối cùng này mang trong mình nhiều cảm xúc, một chút háo hức mong chờ, một chút buồn, lo lắng. Mười hai năm vô ưu vô lo và giờ đây lại nghĩ ngợi, băn khoăn về con đường đi ở tương lai của mình.

Bước vào giai đoạn nước rút, đối mặt với kỳ thi quan trọng nhất, bạn nào cũng đang nỗ lực, cố gắng… nhưng chúng ta vẫn đang hết mình bên nhau vui vẻ tận hưởng những khoảnh khắc yêu thương bên nhau…”.

(Nguyễn Thị Phương Thảo - lớp 12A1)

Biết bao dung, yêu thương hơn

“Có những kí ức sẽ in đậm trong cuộc đời mỗi con người, có những khoảnh khắc sẽ trở thành kỷ niệm khó quên khiến ta bồi hồi, luyến tiếc mỗi khi nhớ đến. Khoảng thời gian ba năm cấp ba mang trong nó những khoảnh khắc như thế - là khoảng thời gian khiến ta hạnh phúc, vui vẻ, cũng đôi lúc thoáng buồn, nhưng chính nó làm ta khôn lớn hơn, trưởng thành hơn…

Ba năm thanh xuân này, giúp tôi nhận ra được những điều thú vị, có lẽ còn thú vị hơn khi tôi bắt gặp được một điều ý nghĩa nào đó đằng sau trang sách. Ba năm cho tôi gặp được những người bạn tốt, tôi cảm thấy vui vẻ, thoải mái khi ở cạnh họ.

Ba năm cũng cho tôi nhận thấy sự bất hòa, không đoàn kết ở một tập thể thì nó nguy hại lớn đến như thế nào. Ba năm học cho thấy lối sống ích kỉ, thiếu hòa đồng cần phải được thay đổi.

Cuối cùng, tôi phải cảm ơn ba năm cuối cấp đã cho tôi trưởng thành hơn, sống biết bao dung, yêu thương hơn đối với mọi người. Cảm ơn thầy giáo văn đã dành cho tôi bốn lăm phút để tôi có thể tâm sự với bản thân và bày tỏ những suy tư với mọi người”.

(Nguyễn Thị Cẩm Ly – 12A1)

Biết tha thứ những lỗi lầm của nhau

“Thanh xuân như một cơn mưa rào mùa hạ ào ạt trút xuống. Dù cho bạn từng bị cảm lạnh vì tắm mưa, bạn vẫn muốn đắm mình trong cơn mưa ấy thêm lần nữa. Với tôi, thanh xuân là những lần trốn giáo viên chủ nhiệm cùng bè bạn ra xem các bạn nam đá bóng.

Là hương vị khó quên của gói xôi, chiếc bánh bao, chanh muối… giấu giếm dưới ngăn bàn. Là những đêm thức khuya ôn bài trước những kỳ thi quan trọng… Tất cả… tất cả… như là điểm dừng chân cho những lúc trở về trong kí ức của tuổi thanh xuân…

Năm cuối với nhiều bạn hẳn có nhiều kỉ niệm vui nhưng với tôi, kỉ niệm nhớ nhất lại là lần xung đột với các bạn trong lớp… Nhưng rồi, xung đột ấy cũng đã được giải quyết. Tôi cảm nhận bản thân trưởng thành hơn.

Biết giải quyết và nhìn nhận vấn đề sâu sắc hơn. Tôi còn đúc rút cho mình những kinh nghiệm, bài học sâu sắc rằng, im lặng nhiều khi là tốt nhưng nó không phải là tốt nhất để giải quyết mọi vấn đề. Chúng ta nên ngồi lại, thẳng thắn nói về khuyết điểm của bản thân. Cùng nhau tìm ra giải pháp….

Nếu có cỗ máy quay ngược thời gian, hãy xóa bỏ và chọn bao dung, tha thứ những lỗi lầm cho nhau…”.

(Phạm Thị Ly - lớp 12A1)

Vượt qua khó khăn để đến với giảng đường đại học

“Những cánh phượng đã bung nở đỏ rực cả một vùng trời rực rỡ. Nhưng đó cũng là tín hiệu của khoảnh khắc chia tay sắp tới. Tuổi học trò của chúng tôi sẽ khép lại như ai đó đang nhẹ nhàng gấp lại trang sách hồng mộng mơ.

Với tôi, đó là khoảnh khắc thật buồn, bởi rồi đây tôi sẽ không còn được gặp thầy cô, bạn bè nữa. Sẽ không còn những phút giây vui vẻ chạy nhảy tung tăng trên sân trường đầy nắng lá. Sẽ không còn cùng vui với những trò chơi tinh nghịch của tuổi hồn nhiên áo trắng. Thay vào đó là những âu lo, áp lực thi cử…

Hãy nhìn về phía Mặt trời, bóng tối sẽ ngả sau lưng bạn. Mùa hạ mười hai năm học đã gần kề, gác lại những âu lo, áp lực, kỳ vọng, chúng ta hãy trân quý những điều đã qua, hãy tận hưởng những gì đang có. Và tôi tin rằng, chúng ta sẽ đi xuyên qua khó khăn để đến với giảng đường đại học…”.

(Nguyễn Thị Hiền - lớp 12A1)

Đọc những bài viết của học trò trong bài văn cuối cùng, tôi không khỏi bâng khuâng xao xuyến cùng các em. Cảm ơn các học trò lớp 12 đã chia sẻ những cảm xúc, những câu chuyện buồn vui của các em. Những chia sẻ ấy gợi cho các thầy, cô giáo nhớ lại những ngày xưa… Nguyễn Đình Ánh - giáo viên Trường THPT Nghi Lộc 2

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Khi trách nhiệm… 'mơ màng'!

GD&TĐ - Trước khi mọi việc đi quá xa thì cần nghĩ đến đường dài cho nhạc hội bằng sự lắng nghe, cầu thị và tôn trọng khán giả.
Kết quả thi GCSE tại Anh sẽ tiếp tục giảm do ảnh hưởng từ việc đóng cửa trường học thời Covid-19.

Covid-19 vẫn 'đeo bám' học sinh Anh

GD&TĐ - Nghiên cứu do Quỹ Nuffield, quỹ từ thiện của Anh, tài trợ, dự đoán điểm số các môn thi chính trong kỳ thi GCSE sẽ giảm đến năm 2030.
Nhiều người lợi dụng thị thực du học để nhập cư Australia trái phép.

Ngăn chặn tình trạng lừa đảo du học

GD&TĐ - Các đại lý du học thiếu uy tín thường vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp về cuộc sống đại học và cơ hội nhập cư để lừa sinh viên quốc tế đăng ký.
Robot chơi piano của nhóm sinh viên.

Sinh viên chế tạo robot chơi piano

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM chế tạo robot có thể chơi hàng trăm bản nhạc khác nhau một cách thuần thục với đàn piano.