Nhật Bản: Trường đổi trái cây tươi sang thạch khi giá thực phẩm tăng cao

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Do giá thực phẩm tăng cao, các trường phổ thông tại Nhật Bản đang cố gắng “co kéo” nguyên liệu bữa ăn nhằm hai mục tiêu tiết kiệm chi phí và đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh.

Học sinh tại Trường THCS Senju Aoba ở Tokyo, Nhật Bản, ăn trưa ngày 29/6.
Học sinh tại Trường THCS Senju Aoba ở Tokyo, Nhật Bản, ăn trưa ngày 29/6.

Trong nhiều tháng, chị Kazumi Sato, chuyên gia dinh dưỡng tại Trường THCS Senju Aoba ở phía Đông Tokyo, thường xuyên nhận được thông báo về việc giá nguyên liệu tăng vọt.

Hiểu cho những khó khăn về kinh tế mà nhiều gia đình học sinh phải đối mặt, chính quyền địa phương không muốn chuyển gánh nặng tăng chi phí bữa ăn từ trường học sang cho phụ huynh. Vì lẽ đó, Sato phải liên tục điều chỉnh công thức món ăn, thực đơn bữa ăn trong phạm vi ngân sách eo hẹp.

Chị Sato chia sẻ: “Tôi cố gắng mua trái cây theo mùa, cho vào thực đơn một đến hai lần mỗi tháng. Nhưng vì giá trái cây tươi bây giờ tương đối đắt đỏ, tôi không thể thêm vào thực đơn thường xuyên”.

Do vậy, nữ chuyên gia đã thay thế trái cây tươi bằng thạch hoa quả hoặc bánh ngọt tự làm. Ngoài ra, chị Sato thường sử dụng giá đỗ bất cứ khi nào có thể vì đây là nguyên liệu sạch, rẻ nhưng vẫn đảm bảo chất dinh dưỡng. Mỗi ngày, chị Sato đều thấp thỏm nỗi lo chi phí hàng hóa tiếp tục tăng và cạn ý tưởng đổi mới thực đơn.

“Tôi không muốn làm học sinh thất vọng nếu bữa ăn tẻ nhạt, ít món ngon”, nữ chuyên gia bày tỏ.

Lạm phát đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng ở Nhật Bản, quốc gia hiếm khi xảy ra tình trạng giá cả tăng cao. Nhưng giờ đây, các hộ gia đình đều cảm thấy kinh tế bị “siết chặt”. Hơn nữa, giá thực phẩm tăng cao đồng nghĩa các trường phải tăng chi phí bữa trưa học đường, gây áp lực lên các gia đình thu nhập thấp.

Chị Sato cho biết, những ngày này, một lon dầu ăn 18 lít đã tăng gần 13 USD (khoảng 300 nghìn đồng) so với cùng kỳ năm ngoái còn giá hành tây đã tăng gấp đôi. Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản đặt ra những yêu cầu rất nghiêm ngặt về dinh dưỡng học đường cho các trường công lập nên dù giá cả tăng cao, các trường vẫn phải đảm bảo cho sự phát triển của học sinh.

Thay đổi thực đơn chỉ là giải pháp tạm thời nhằm hỗ trợ tối đa các gia đình, đặc biệt phụ huynh có thu nhập thấp. Trong thời gian tới, các trường sẽ buộc phải tăng chi phí bữa ăn để giải quyết bài toán dinh dưỡng.

Đơn cử, tại phường Adachi, thủ đô Tokyo, trung bình một bữa trưa tại các trường THCS công lập có giá 2,5 USD (khoảng 58 nghìn đồng), trong đó gia đình tự chi trả 2,2 USD (khoảng 52 nghìn đồng). Phụ huynh sẽ phải chuẩn bị cho tình huống phải đóng số tiền lớn hơn hiện nay.

Trước tình hình trên, vào tháng 4, Chính phủ Nhật Bản thông báo phân bổ ngân quỹ, một phần của biện pháp cứu trợ lạm phát quốc gia, cho các trường học để giải quyết phần nào chi phí bữa ăn ngày càng tăng.

Tại phường Adachi, chính quyền có kế hoạch sử dụng khoản ngân sách này, cộng với khoản ngân sách bổ sung, để hỗ trợ chi phí cho các trường học nhằm giảm thiểu gánh nặng sang các gia đình.

Là một phần của các biện pháp cứu trợ, chính phủ quốc gia vào tháng 4 cho biết, họ sẽ cung cấp ngân quỹ để giúp các trường học Nhật Bản giải quyết phần nào chi phí bữa ăn ngày càng tăng. Phường Adachi có kế hoạch sử dụng những khoản đó, và ngân sách bổ sung của riêng mình, để tránh chuyển gánh nặng cho các gia đình.

Tuy nhiên, chuyên gia Sato lo lắng về viễn cảnh giá thực phẩm và năng lượng tiếp tục tăng cao, đặc biệt vào cuối năm học, khi nguồn hỗ trợ bắt đầu cạn kiệt.

“Mùa mưa năm nay có thể ảnh hưởng lớn đến rau màu nên nguồn thực phẩm sẽ càng khan hiếm, đẩy giá lên cao. Vì vậy, tôi e ngại vấn đề chi phí học đường sẽ không thể giải quyết trong thời gian ngắn”, chị Sato bày tỏ.

Theo Reuters

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ