Nhật Bản: Chưa ngăn nổi nạn quấy rối trong trường học

GD&TĐ - Theo báo cáo giáo dục của Nhật Bản năm 2018, toàn quốc có 282 trường hợp GV bị kỷ luật vì vi phạm đạo đức nghề nghiệp nghiêm trọng nhất: Quấy rối tình dục HS.

GV Nhật Bản vi phạm kỷ luật, chỉ bị phạt đình chỉ giảng dạy tối đa 3 năm.
GV Nhật Bản vi phạm kỷ luật, chỉ bị phạt đình chỉ giảng dạy tối đa 3 năm.

Bước sang năm 2019, con số này chỉ giảm đúng 9 người, với tổng cộng 273 trường hợp. “Nó cho thấy, các biện pháp giải quyết của chúng tôi không hề cải thiện được tình hình”, một quan chức thuộc Bộ Giáo dục Nhật Bản thừa nhận. 

97,4% là thầy giáo

Ngày 22/12/2020, Nhật Bản báo cáo thực trạng GV vi phạm kỷ luật ở các trường công lập trên 47 tỉnh và 20 thành phố lớn toàn quốc. Họ đưa ra một con số kỷ lục buồn: 273 GV có hành vi sai trái với HS. 
Cuối năm 2018, Nhật Bản cũng báo cáo thực trạng kỷ luật GV. Toàn quốc có tất cả 282 trường hợp GV dâm ô, cao nhất lịch sử. Trong đó, 276 trường hợp là thầy giáo, chiếm 97,4%. 

Thống kê các hành vi dâm ô chỉ ra, 84 trường hợp là quấy rối tình dục, 49 trường hợp giao cấu, 33 trường hợp chụp ảnh phản cảm. Còn lại là các hành vi ít nghiêm trọng hơn. Cũng theo báo cáo giáo dục năm 2018, 186 các vụ vi phạm diễn ra ngoài giờ học, 20 vụ xảy ra ngay trong giờ học và 16 vụ trong giờ giải lao. 

Tháng 3/2019, Nhật Bản cho biết các hình thức xử phạt áp dụng đối với 283 GV vi phạm năm 2018. Có tổng cộng 153 người bị sa thải, 50 người bị đình chỉ tạm thời, 16 người bị cắt lương, 9 người bị cảnh cáo, 45 người bị khiển trách. Với sự nặng tay này, Bộ Giáo dục Nhật Bản hy vọng sẽ ngăn chặn tệ nạn GV dâm ô trong học đường. 

Thế nhưng, số liệu thống kê đến hết năm 2019 lại chỉ ra, số các trường hợp vi phạm chỉ giảm đúng 9 người. 

Bộ Giáo dục Nhật Bản báo cáo, có 273 GV phạm tội quấy rối tình dục HS trong năm 2019.
Bộ Giáo dục Nhật Bản báo cáo, có 273 GV phạm tội quấy rối tình dục HS trong năm 2019.

Tệ nạn lâu năm

Tại Nhật Bản, quấy rối học đường là tệ nạn lâu năm. Phần lớn các nạn nhân là HS nữ cấp THCS, THPT. “Trong văn hóa giáo dục của chúng tôi, GV có toàn quyền”, Makoto Watanabe – Giáo sư Trường Đại học Hokkaido Bunkyogiải thích. “Tiếng nói của HS thường bị phớt lờ. Dù các em có kể sự tình với phụ huynh hay các GV khác, cũng hiếm khi được thông cảm hay giúp đỡ”.

Theo báo cáo năm 2018, toàn quốc có tổng cộng 414.378 vụ HS bị bắt nạt, trong đó có 474 vụ được xác nhận là “vô cùng nghiêm trọng”. Cũng trong năm này, xảy ra 250 vụ HS tự tử. “Người Nhật chúng tôi đề cao lối sống tự lực cánh sinh”, Mieko Nakabayashi – Giáo sư Đại học Waseda tường trình. “Từ nhỏ, các em đã hình thành nhận thức không nên làm gánh nặng của người khác. Vì thế, rất ít học sinh gặp vấn đề lại chia sẻ tâm sự và tìm sự giúp đỡ”.

Vào năm 1990, Nhật Bản chỉ có 3 trường hợp GV bị kỷ luật vì tội quấy rối tình dục HS. Đến năm 2012, con số này tăng lên 119, gấp 40 lần. “Điều này không có nghĩa là trước đó, đạo đức của các GV tốt hơn”, Takashi Iketani (nhà báo) phản ánh. “Nó chỉ đơn giản là quá ít trường hợp bị tố cáo và trừng phạt”. 

Năm 2014, chiến dịch MeToo (chống hiếp dâm toàn cầu) đến Nhật Bản. Năm 2016, số các vụ GV quấy rối tình dục HS tiếp tục gia tăng, lên 226 trường hợp. “Trước đây, GV không dễ liên hệ, gặp riêng HS vì thiếu các phương tiện thông tin”, Watanabe nói thêm, “nhưng bây giờ thì quá dễ dàng. Họ chỉ cần có điện thoại thông minh hoặc máy tính, kết nối mạng Internet là xong”. 

Giải quyết qua quýt

HS Nhật Bản hiếm khi tìm kiếm sự giúp đỡ từ người lớn.
HS Nhật Bản hiếm khi tìm kiếm sự giúp đỡ từ người lớn.

Theo quy định của Bộ Giáo dục Nhật Bản, hình thức kỷ luật cao nhất với GV vi phạm nguyên tắc giáo dục là sa thải, đình chỉ giảng dạy 3 năm. Tuy nhiên, nếu họ tự nguyện từ chức trước thời điểm bị sa thải thì không bị tước giấy phép giảng dạy. Nếu đi xin việc hoặc thông qua tuyển dụng GV ở tỉnh khác, họ có thể tiếp tục đi làm như bình thường. Ngay cả khi không từ chức, họ cũng chỉ cần đợi qua 3 năm bị đình chỉ. 
Ngược lại ở các quốc gia khác, ví dụ như Phần Lan, hình thức xử phạt khắc nghiệt hơn nhiều. Nếu GV phạm tội quan hệ tình dục với HS tuổi vị thành niên, họ bị tước giấy phép giảng dạy vĩnh viễn. Tùy theo mức độ nghiêm trọng của vấn đề, họ còn có khả năng bị phạt phạt từ 1 - 5 năm tù giam. Tại Pháp, trẻ em được giáo dục giới tính từ năm 8 tuổi. Hội phụ huynh cũng giám sát chặt chẽ tình hình ở trường, khuyến khích con em kể chuyện trên lớp, kịp thời phát hiện nguy cơ bị bạn bè hoặc GV quấy rối. 

Trước con số GV bị tố cáo có hành vi sai trái với HS ngày càng cao, Bộ Giáo dục Nhật Bản không thể tiếp tục làm ngơ. Vừa qua, đại diện của bộ đã kêu gọi các hội đồng giáo dục trên toàn quốc hãy mạnh tay hơn nữa, sa thải toàn bộ các GV có hành vi sai phạm nghiêm trọng, nâng thời hạn đình chỉ giảng dạy lên 5 năm.

Đồng thời, bộ cũng có kế hoạch số hóa và chia sẻ hồ sơ GV trong hệ thống giáo dục. Có điều, hồ sơ này chỉ nêu lý lịch, bằng cấp và kinh nghiệm giảng dạy. Nó chưa bao gồm thông tin vi phạm kỷ luật, thời hạn đình chỉ…

Bên cạnh đó, con số 273 GV vi phạm kỷ luật chưa phải là toàn bộ. “Chúng tôi đều biết, đấy mới chỉ là phần nổi của tảng băng”, nhà báo Toko Shirakawa viết. 

Theo Giáo sư Watanabe, trước mắt cần phạt nặng các GV vi phạm, sau đó cấm giảng dạy mãi mãi. Tuy nhiên, cũng trong năm 2019, số GV ở Nhật xin nghỉ dạy vì lý do áp lực tinh thần lên tới 5.478 người. Đây là kỷ lục từ chức cao nhất trong lịch sử ngành Giáo dục của Nhật Bản. Nó dẫn tới nguy cơ thiếu GV trầm trọng trong tương lai và tạo cơ hội cho những kẻ vi phạm kỷ luật tiếp tục tái phạm. 

Theo Japan Times

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ