Nhật Bản: Trường đại học thiếu hụt nữ sinh

GD&TĐ - Theo thống kê, sinh viên (SV) nữ theo học tại các trường đại học Nhật Bản hiện chiếm con số rất nhỏ. Để khắc phục tình trạng này, nhiều tổ chức giáo dục đã đưa ra không ít biện pháp. Tuy nhiên, các SV nữ thường cho rằng, họ không cần quá tham vọng như nam giới.

Số lượng SV tại Trường ĐH Tokyo chủ yếu là nam
Số lượng SV tại Trường ĐH Tokyo chủ yếu là nam

Chênh lệch giới tính tại trường học

Ngay khi Satomi Hayashi (21 tuổi) theo học tại Trường ĐH Tokyo (Todai) - một trong những ngôi trường danh giá nhất Nhật Bản, không ít bạn bè cho rằng, cô SV này đang phá hỏng triển vọng hôn nhân của mình trong tương lai. 3 năm trước, khi còn là SV năm nhất, Hayashi nhận thấy rằng, có ít hơn 1/5 người học trong trường là phụ nữ.

Con số này được cho là một minh chứng rõ ràng của bất bình đẳng giới tại Nhật Bản - nơi phụ nữ không được kỳ vọng sẽ đạt được nhiều thành tựu như nam giới. Do vậy, Thủ tướng Shinzo Abe từng thúc đẩy chương trình trao quyền cho phụ nữ, với mong muốn tỷ lệ tham gia lực lượng lao động giữa nam và nữ tại Nhật Bản tương đương nhau.

Chênh lệch giới tính được thể hiện rõ nhất tại trường học. Mặc dù phụ nữ chiếm gần 1/2 số SV tại các cơ sở GD Nhật Bản, hầu như họ không đạt được những thành tích nào vượt trội. Trong số 7 tổ chức GD công lập Nhật Bản, số SV nữ chỉ chiếm hơn 1/4.

Trong khi đó, tại các trường ĐH tư thục là Keio và Waseda, chỉ có hơn 1/3 người học là nữ. Chia sẻ với truyền thông, nữ sinh Hayashi tại Todai, cho biết: “Bạn hoàn toàn có thể thấy rõ sự chênh lệch. Trong khi phụ nữ là một nửa của xã hội, điều kỳ lạ là chỉ có 20% nữ sinh tại một trường ĐH”.

Phát biểu với các tân SV tại Todai, bà Chizuko Ueno, cựu giáo sư nghiên cứu về giới cho rằng, sự mất cân bằng này là một dấu hiệu bất bình đẳng vượt ra ngoài GDĐH. Trong bài phát biểu, bà Ueno cũng đề cập đến bê bối phân biệt giới tính có chủ ý tại Trường ĐH Y Tokyo, khi lãnh đạo trường này thừa nhận đã hạ thấp điểm thi tuyển sinh của ứng viên nữ trong suốt nhiều năm.

Lý do là bởi, nhà trường muốn hạn chế tỷ lệ phụ nữ ở mức 30% vì cho rằng, các bác sĩ nữ có khả năng ngừng làm việc sau khi kết hôn hoặc sinh con. Chỉ một năm sau vụ việc, số SV nữ đỗ vào Trường ĐH Y Tokyo đã cao hơn nhiều so với các nam sinh.

Tại Todai, không có bằng chứng nào cho thấy sự thao túng trong kết quả thi. Các quan chức nhà trường khẳng định, số SV nữ trong trường hoàn toàn phù hợp với số lượng ứng cử viên.

Nguyên nhân từ phía người học

Bà Akiko Kumada, một trong số ít nữ giáo sư kỹ thuật tại Todai và là thành viên của Ủy ban Bình đẳng giới, phát biểu: “Hiện tại, chúng tôi giống như những cửa hàng không có đủ khách hàng nữ”.

Cũng theo bà Kumanda, không ít phụ nữ lo rằng, tấm bằng tốt nghiệp ở Todai chắc chắn sẽ dẫn đến sự tranh giành quyền lực trong một môi trường làm việc khắc nghiệt. Trước đó, một SV vừa tốt nghiệp tại trường này từng tự tử sau khi chia sẻ rằng, cô quá áp lực và mệt mỏi khi làm việc tại một công ty quảng cáo.

Để tuyển sinh người học nữ, lãnh đạo trường Todai đã nỗ lực trong việc tìm ra giải pháp. Trong đó, Todai đã gửi các nữ sinh trở lại trường trung học của họ, nhằm khuyến khích và kêu gọi các HS nữ tại trường THPT tham gia kỳ thi tuyển sinh.

“Trong cuốn sách giới thiệu về trường, chúng tôi cố gắng cân bằng những bức ảnh và bảo đảm có sự xuất hiện của phụ nữ trong đó”, bà Kumada chia sẻ.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng trợ cấp 30.000 yên/tháng (275 USD) cho khoảng 100 SV nữ không đến từ Tokyo, giúp người học được ở ký túc xá trường. Tuy nhiên, không ít chuyên gia đã chỉ trích chính sách này và cho rằng, đây là hành động phân biệt đối xử với các nam sinh. Trước những ý kiến trái chiều, lãnh đạo trường Todai phủ nhận hoàn toàn.

Theo các nhà lãnh đạo các trường trung học và ĐH Nhật Bản, cha mẹ chính là những người có xu hướng khuyến khích con trai nỗ lực học tập hơn. “Đối với con trai, cha mẹ thực sự kỳ vọng rất nhiều và muốn con trai của họ làm hết khả năng, cũng như hướng tới mục tiêu cao nhất”, ông Hiroshi Ono, Hiệu trưởng Trường Trung học ĐH Tokyo Gakugei, nhận định.

Ông Hiroshi Ono cũng cho rằng, các bậc cha mẹ thường cảm thấy tồi tệ khi yêu cầu con gái họ làm việc quá chăm chỉ. Thay vào đó, họ thường nghĩ rằng, sẽ tốt hơn nếu con gái kết hôn và trở thành một bà nội trợ.

Ngay cả tại Trường nữ sinh Oin, nơi số SV nữ học tại Todai nhiều hơn bất kỳ trường trung học nào khác tại Nhật Bản, các quản trị viên cho biết, nữ sinh có thể cảm thấy mơ hồ khi theo đuổi một nền GD ưu tú. “Cuộc sống của một người phụ nữ phức tạp hơn rất nhiều. Họ phải quyết định sẽ kết hôn với ai, khi nào kết hôn và khi nào sinh con”, bà Yukiko Saito, Hiệu trưởng Trường Oin nói.

Wataru Miyahara, Giám đốc tại Zkai - trường luyện thi ĐH có tỷ lệ cao SV đỗ vào Todai, cho biết, các HS nữ thường không ôn thi chăm chỉ như nam sinh. “Có rất ít SV nữ học tại Todai, vì vậy, rất khó để các cô gái nhìn vào Todai và nói rằng, họ muốn đến ngôi trường này. Dù lý do là gì đi nữa, các HS nữ thường không tham vọng như nam sinh”, ông Miyahara nhận định.

Kiri Sugimoto (24 tuổi) - một SV luật tại Todai cho biết, phụ nữ tại ngôi trường này thường cảm thấy bị cô lập. Khi cả lớp cùng chụp ảnh tốt nghiệp, Sugimoto là nữ sinh duy nhất.

“Điều khiến tôi khó chịu là những người đàn ông đưa ra nhận xét như kiểu, việc có tôi trong ảnh sẽ trông rất tuyệt vì sẽ khiến bức ảnh không giống như là ảnh của trường nam sinh. Tôi bị coi là hoa hồng trang trí trên đá. Điều đó làm tôi bức xúc khi bị đối xử như vậy”, nữ sinh 24 tuổi nói.

Theo NY Times

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.