Phép màu
Hitesh Sirohi, một người đàn ông ở bang Uttar Pradesh miền Bắc Ấn Độ, trong khi đào mộ chôn đứa con gái mới qua đời của mình, đã tìm thấy một bé gái khác bị chôn sống. Sự việc xảy ra hôm 10/10 nhưng báo chí nước ngoài mới đưa tin 2 ngày qua.
Theo Times of India, con gái của Sirohi mất chỉ vài phút sau khi sinh do quá yếu. Trong nỗi đau tột cùng, ông bố đi đào mộ cho con thì chiếc xẻng của anh va phải một cái nồi đất sét. Khi nhận ra trong nồi có một bé gái sơ sinh, Sirohi lập tức cứu cô bé và gọi giúp đỡ. Em bé được bọc trong tấm khăn vải và đang khóc. “Có lúc tôi nghĩ rằng, con gái tôi đã sống lại, nhưng tiếng khóc kỳ thực phát ra từ cái nồi” - Sirohi nói với tờ Times of India.
Bé gái được đưa đến bệnh viện cấp cứu và được chăm sóc đặc biệt tại khoa nhi. Một chính trị gia địa phương trả toàn bộ viện phí cho bé. BBC dẫn lời bác sĩ nhi Ravi Khanna cho biết hôm 15/10, bé vẫn trong tình trạng rất nguy cấp: “Bé vẫn có cơ hội sống sót, nhưng phải 5 - 7 ngày nữa chúng ta mới chắc được”.
Các bác sĩ xác định bé gái mới được khoảng 1 tuần tuổi lúc được đưa đến cấp cứu. Bé bị sinh non lúc khoảng 30 tuần và chỉ nặng có 1,1kg, tức là quá bé. Bé bị hạ thân nhiệt, chỉ ở mức 35 độ C so với mức thông tường là 36,5 độ C, và bị hạ đường huyết, với mức đường máu chỉ là 35 so với 45 thông thường.
Em rất nhỏ và quá yếu, các bác sĩ lập tức phải cho bé thở oxy và điều trị thân nhiệt thấp. Ba ngày sau bé được chuyển về khoa nhi nơi điều kiện vật chất tốt hơn. Các bác sĩ cũng lo ngại bé bị nhiễm trùng máu vì tiểu cầu xuống quá thấp, chỉ còn 10.000 so với mức thông thường là 150.000 - 450.000.
Bệnh viện vẫn chưa chắc chắn về thời gian bé bị chôn sống. Bác sĩ Khanna cho rằng, bé có thể đã bị chôn 3 - 4 ngày, và sống sót chỉ nhờ mỡ nâu, một loại chất béo có lợi cho cơ thể. “Trẻ em sinh ra có mỡ trong bụng, đùi và má, và đôi khi các em có thể sống sót nhờ mỡ nâu đó trong trường hợp khẩn cấp”.
Tuy nhiên, một bác sĩ nhi khác là Saurabh Anjan nói với BBC rằng có thể bé mới bị chôn khoảng 2 - 3 giờ và có thể chỉ sống được 1 - 2 tiếng nữa nếu không được cứu thoát. Không khí trong bình đất đã cung cấp oxy cho bé, và có thể oxy cũng lọt qua lớp đất mỏng lấp ở trên, và cái bình cũng không đặc quá.
Chính trị gia Rajesh Kumar Mishra thuộc đảng cầm quyền Bharatiya Janata, người trả viện phí cho bé, cho biết ông đã nhận bé làm con nuôi và khi bé khỏe hơn, ông cùng vợ sẽ đưa bé về nhà chăm sóc. “Em bé sống sót thật sự là một phép màu. Tôi tin rằng, Thượng đế đã cứu bé và đưa bé đến với tôi.
Giờ đây trách nhiệm của chúng tôi là làm tất cả cho em bé” - BBC dẫn lời ông Mishra. Ông đã đặt tên cho bé gái là Sita, theo tên vị nữ thần của đạo Hindu. Sử thi Ramayana viết rằng, đức vua Janak đã tìm thấy Sita khi ông đang cày ruộng.
Đình chỉ thai nhi gái
Cảnh sát Ấn Độ đã mở cuộc điều tra hình sự và đang tìm cha mẹ cháu bé. Abhinandan Singh, sĩ quan cảnh sát cao cấp ở quận Bareilly, nơi tìm thấy bé gái, nghi ngờ rằng bố mẹ bé liên quan đến việc chôn sống này, bởi sau khi sự việc được thông báo rộng rãi, vẫn không ai đến nhận bé.
Cảnh sát không phỏng đoán về động cơ, song báo chí trong và ngoài nước đồng loạt nhắc đến tỷ lệ giới ở Ấn Độ, một trong những quốc gia có sự bất cân bằng giới nặng nề nhất toàn cầu. Theo điều tra dân số mới nhất năm 2011, cứ 1.000 bé trai thì mới có 918 bé gái từ 0 - 6 tuổi, còn tỷ lệ trung bình toàn cầu là 952 bé gái so với 1.000 bé trai. Phụ nữ thường bị phân biệt đối xử trong xã hội và các bé gái thường bị xem là gánh nặng tài chính, đặc biệt trong các cộng đồng nghèo.
Việc bỏ rơi và giết chết các bé gái ở Ấn Độ không phải là điều quá bất thường. Người Ấn Độ thích con trai hơn con gái, họ tin rằng, bé trai sẽ nối tiếp dòng họ, chăm sóc bố mẹ khi về già, còn con gái thì đòi hỏi phải cho của hồi môn đắt giá và sẽ sống với bên nhà chồng.
Chính phủ Ấn Độ đã nỗ lực ban hành luật lệ nghiêm khắc để giảm bớt bất cân bằng giới. Việc xác định giới tính thai bị coi là bất hợp pháp từ năm 1994, song các gia đình vẫn dùng những cách phi pháp để tìm ra giới tính và đình chỉ thai nếu đó là bé gái. Theo tờ The Guardian, nghiên cứu năm 2011 của tạp chí y khoa Anh The Lancet cho biết, có tới 12 triệu bé gái đã bị từ bỏ trong 3 thập kỷ qua ở Ân Độ. Còn CNN dẫn lời tổ chức phi chính phủ Dự án Bé gái Vô hình, mỗi năm có hàng chục nghìn bào thai nữ bị từ bỏ.
Tháng Giêng vừa qua, người ta cũng tìm thấy một bé gái 3 tuần tuổi bị chôn sống ở bang Rajasthan, sau khi người dân địa phương nghe thấy bé khóc dưới một ngôi mộ sơ sài. Bé đã mất vài tuần sau khi được đưa đi cấp cứu.
Năm 2017, cảnh sát bang Maharashtra miền Đông Ấn Độ tìm thấy 19 bào thai bé gái trong cống nước gần một bệnh viện. Họ bắt giữ một bác sĩ, buộc tội ông này đã giúp các bố mẹ khát con trai đình chỉ thai nhi nữ bất hợp pháp.