Giáo sư Masaharu Okada, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh doanh Xã hội tại Trường Đại học Kyushu cho biết, khi trường học chuyển sang giảng dạy trực tuyến, nhiều sinh viên do dự. Nhưng hiện nay, các em háo hức với mô hình giảng dạy mới.
“Mỗi ngày, tôi dạy trực tuyến 6 giờ cho hàng trăm học viên. Ưu điểm của mô hình này là không mất thời gian di chuyển và có thể linh hoạt địa điểm học tập”, ông Okada nói và cho hay Covid-19 đã tạo ra cuộc cách mạng nhỏ trong giáo dục.
Giáo sư Okada nhận xét: “Tôi đã quen với việc chỉ giảng dạy trong lớp, thói quen phổ biến tại các trường đại học Nhật Bản. Chúng tôi đã bỏ qua công nghệ, công cụ giảng dạy hiệu quả”.
Giáo sư Hiroshi Ota, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Toàn cầu tại Trường Đại học Quốc gia Hitotsubashi, đánh giá, giáo dục đại học tại Nhật Bản nhiều năm vấp phải khoảng cách kỹ thuật số, khoảng cách thế hệ giữa giảng viên và sinh viên. Dịch Covid-19 thúc đẩy mọi người nâng cao kỹ năng công nghệ, tạo nên đội ngũ giảng viên linh hoạt.
Ông Ota hy vọng các trường đại học tiếp tục mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy hậu Covid-19. Ngày càng nhiều sinh viên cũng nhận ra cơ hội khi học tập theo mô hình này. Sự thay đổi có thể diễn biến mạnh mẽ trong các lớp học về Khoa học xã hội, Nhân văn, vốn ít phụ thuộc vào phòng thí nghiệm.
Cuối tháng 6, Bộ Giáo dục Nhật Bản tổ chức khảo sát ngẫu nhiên 3.000 sinh viên đại học, cao đẳng và sau đại học về học trực tuyến. Kết quả cho thấy hơn 60% sinh viên được hỏi hài lòng với phương pháp này. Lý do phổ biến nhất là các em được phép học ở tốc độ và địa điểm riêng của mình.
Các chuyên gia dự đoán, dạy và học trực tuyến sẽ được Nhật Bản thúc đẩy trong thời gian tới. Từ tháng 6, quốc gia này đã phát hành tài liệu giảng dạy dựa trên công nghệ thông tin trong giáo dục đại học. Công trình nghiên cứu này do Hội đồng Thực hiện đề án Xây dựng lại giáo dục, do các chuyên gia về giáo dục và công nghệ hàng đầu cả nước thực hiện.
Nghiên cứu trích dẫn các hình thức giáo dục trong trạng thái bình thường mới, nêu bật giá trị của việc kết hợp học trực tuyến với trực tiếp và giữa các trường đại học với nhau. Trong tương lai, giáo dục đại học tại Nhật Bản sẽ tập trung vào dữ liệu thông tin và tương tác trực tuyến.
Tuy nhiên, nhược điểm của mô hình đào tạo này là thiếu sự tương tác, khiến sinh viên mất kết nối với bạn bè và nhà trường. Từ đó, dẫn đến cuộc thảo luận về việc hoàn trả một phần học phí khi giáo dục chưa đáp ứng được nhu cầu giao lưu, tương tác.
Giáo sư Ota dự đoán cuộc tranh luận về giảng dạy trực tuyến, bao gồm cả tác động tích cực và tiêu cực, sẽ dày đặc hơn trong thời gian tới. Nhưng chắc chắn, nó sẽ tạo nên kỷ nguyên mới trong lĩnh vực giáo dục đại học tại xứ sở hoa anh đào.
“Nếu nhiều trường đại học nắm bắt cơ hội chuyển lớp học truyền thông sang lớp học thời đại kỹ thuật số. Giáo dục đại học tại Nhật Bản sẽ thay đổi đáng kể trong dài hạn”, ông Ota bày tỏ.