Nhật Bản: Tranh cãi về chương trình tiếng Anh

GD&TĐ - Tại Nhật Bản, tiếng Anh là môn học bắt buộc từ cấp THCS (lớp 7 – 9).

Chương trình Tiếng Anh cấp THCS mới của Nhật Bản nặng về từ vựng.
Chương trình Tiếng Anh cấp THCS mới của Nhật Bản nặng về từ vựng.

Chương trình học tiếng Anh mới tại Nhật Bản được đánh giá là quá khó trong khi đó, không phải tất cả học sinh đều có điều kiện học thêm để nâng cao kiến thức. Nhìn chung, khả năng tiếng Anh của người Nhật vẫn khó được cải thiện.

Ý kiến trái chiều

Theo chương trình giảng dạy tiếng Anh THCS mới, áp dụng từ năm 2021, học sinh phải nắm vững 1.600 – 1.800 từ, tăng so với mức 1.200 từ theo quy định cũ.

Trong khi đó, ở cấp tiểu học (lớp 1 – 6), học sinh được dạy khoảng 600 – 700 từ tiếng Anh. Tuy nhiên, tiếng Anh tiểu học là môn tự chọn, mục tiêu là giúp học sinh làm quen với ngôn ngữ chứ không phải ghi nhớ. Do đó, khi lên cấp THCS, nhiều em sẽ cảm thấy choáng ngợp trước lượng từ vựng phải học.

GS Haruo Erikawa - giảng viên ngành Giáo dục Tiếng Anh tại Đại học Wakayama, đánh giá chương trình mới là một “thất bại lớn”. Theo ông, chương trình giáo dục bắt buộc từ tiểu học đến THCS nhằm cải thiện kết quả học tập của tất cả học sinh, bất kể điều kiện kinh tế. Nhưng theo chương trình mới, những đứa trẻ có điều kiện khá giả hơn có thể học thêm và đạt kết quả tốt hơn. Còn những học sinh khó khăn có xu hướng tránh xa tiếng Anh.

Đơn cử, động từ “can” (có thể) trước đây được dạy vào cuối năm lớp 7 nhưng theo chương trình mới, từ này sẽ học vào đầu chương trình. Hoặc học sinh phải học câu giả định và thì hiện tại hoàn thành tiếp diễn, những kiến thức trước đây nằm trong chương trình trung học.

Cô Rise Nagasawa - giáo viên tiếng Anh cấp THCS đánh giá nội dung chương trình học ngày càng “dày đặc” và “khó hơn”. Giáo viên không thể bao quát toàn bộ nội dung chỉ bằng các bài học trên lớp nên học sinh cần phải học ở nhà.

Một giáo viên khác cho biết sự khác biệt về trình độ học tiếng Anh giữa học sinh ngày càng tăng sau khi chương trình mới được áp dụng. Điều đó khiến giáo viên gặp khó khăn để thu hút học sinh trong cùng một bài học. “Một số học sinh học thêm tại trung tâm tiếng Anh hoặc trung tâm luyện thi để bù đắp kiến thức mà trường công không thể đáp ứng. Nhưng không phải tất cả học sinh đều có điều kiện học thêm”, giáo viên này nói.

Tương tự, giáo viên ở nhiều tỉnh, thành nhận xét rằng chương trình tiếng Anh mới khó hơn đối với học sinh THCS. Cụ thể, khảo sát 107 giáo viên tiếng Anh tại các trường THCS ở tỉnh Wakayma cho thấy 70% người được hỏi nói học sinh phải chịu gánh nặng lớn hơn.

64% người được hỏi cho biết chương trình giảng dạy có quá nhiều chủ đề và phải lựa chọn cẩn thận trong khi 35% nói khó triển khai bài học. Chỉ 7% giáo viên nhận xét bài học được sắp xếp dễ dàng hơn và không ai thấy nội dung chương trình đơn giản hơn với học sinh.

Về số lượng từ vựng mà học sinh THCS bắt buộc phải học, 69% cho rằng “quá nhiều” từ còn 54% nói có quá nhiều chủ đề và tài liệu cần học.

Nặng về từ vựng

Tiếng Anh là môn tự chọn ở cấp tiểu học Nhật Bản.

Tiếng Anh là môn tự chọn ở cấp tiểu học Nhật Bản.

Giáo viên tại các trung tâm luyện thi cũng bày tỏ quan điểm tương tự. Trong một cuộc thăm dò ý kiến giáo viên dạy thêm toàn quốc, 75,2% trong số 440 người được hỏi nói rằng bài kiểm tra tiếng Anh đầu tiên cho học sinh lớp 7 theo chương trình giảng dạy mới đã khó hơn trước. Một số giáo viên ghi nhận học sinh đạt điểm dưới 40% tăng vọt. Nhiều học sinh không thích học tiếng Anh.

Một giáo viên điều hành trung tâm luyện thi ở tỉnh Kanagawa đánh giá chương trình hiện nay là gánh nặng với học sinh. Trong kỳ thi tiếng Anh của học sinh lớp 7 vào tháng 9/2023, số từ vựng xuất hiện là 515 từ, nhiều hơn 200 từ so với trước đây.

“Khi lên cấp hai, học sinh phải ghi nhớ quá nhiều từ trong khi nhiều em còn chưa thành thạo bảng chữ cái. Việc tiếp thu các kỹ năng tiếng Anh chỉ thông qua bài học trên lớp mà không học thêm là quá khó khăn”, giáo viên này cho biết.

Ông nói thêm kỳ thi tuyển sinh vào các trường trung học ngày càng trở nên cạnh tranh. Những học sinh kém tiếng Anh không thể đạt điểm cao. Do đó, một số lò luyện thi đã khuyên học sinh bỏ tiếng Anh và tập trung vào các môn khác để nâng cao tổng điểm và cải thiện cơ hội trúng tuyển. Đây được xem là chiến lược thi cử khả thi.

Một học sinh lớp 9 đang theo học trung tâm luyện thi ở tỉnh Kanagawa chia sẻ em không thích học tiếng Anh và điểm trung bình môn này thấp hơn các môn khác khoảng 20 điểm.

“Hồi còn học tiểu học, từ duy nhất em biết là “apple” (quả táo). Lên cấp hai, có quá nhiều kiến thức phải học ở môn Tiếng Anh. Những học sinh không theo kịp bài học sẽ ngủ gật trên lớp”, học sinh này nói.

Trước những ý kiến trên, một quan chức Bộ Giáo dục Nhật Bản cho biết chương trình được cập nhật 10 năm một lần và trình độ tiếng Anh của học sinh THCS và THPT đã được cải thiện.

Chuyên gia này đã dẫn một khảo sát của giáo viên, cho thấy 49,2% học sinh có thể vượt qua bậc 3/7 theo chuẩn đầu ra tiếng Anh với học sinh THCS vào năm 2022. Con số này tăng 2,2 điểm phần trăm so với năm học trước.

Với những ý kiến trái chiều về từ vựng tiếng Anh trong chương trình THCS, quan chức này cho biết học sinh phải làm quen với những từ đó nhưng có thể không sử dụng hết trong viết và nói.

Người học miễn cưỡng

Ngay cả khi Nhật Bản đang tăng tốc toàn cầu hóa, nhiều người vẫn miễn cưỡng học tiếng Anh. Theo nghiên cứu vào cuối năm 2023 của một công ty giáo dục Thụy Sĩ, Nhật Bản đang tụt hạng sâu hơn trên bảng xếp hạng quốc tế về khả năng nói tiếng Anh. Kết quả này ảnh hướng đến nền kinh tế lớn thứ ba thế giới và hạn chế cơ hội của Nhật Bản trên chương trình nghị sự quốc tế.

Báo cáo của tổ chức tiếng Anh EF Education First lưu ý: “Trình độ tiếng Anh của người trưởng thành đã suy giảm ở Đông Á trong 4 năm qua và ở Nhật Bản là suốt một thập kỷ”.

Ông Eric Fior - Giám đốc trung tâm dạy tiếng Anh và tiếng Pháp ở Yokohama, Nhật Bản cho biết, trong khi việc học vẹt trong trường phổ thông giúp học sinh Nhật Bản nắm bắt tốt kỹ năng viết thì họ không có đủ cơ hội luyện nói tiếng Anh.

“Đã có những nỗ lực cải thiện các lớp học tiếng Anh trong trường học như tuyển dụng giáo viên bản ngữ... Tuy nhiên, trình độ của những giáo viên này rất cơ bản và học sinh không có cơ hội thực hành kiến thức được học”, ông Fior phân tích.

Chuyên gia này cũng chỉ ra rằng giới trẻ Nhật Bản ngại nói tiếng Anh vì họ sợ mắc sai lầm và bị người khác phát hiện mình mắc sai lầm. Đây là đặc điểm văn hóa truyền thống của người dân nước này nhưng cũng là rào cản khi họ học tiếng Anh.

Tương tự, văn hóa giáo dục của Nhật Bản là luôn đề cao sự trật tự và nghiêm khắc. Hầu hết các lớp học chỉ có giáo viên giảng bài và học sinh im lặng lắng nghe. Học sinh chỉ giơ tay phát biểu khi được thầy cô cho phép. Phương pháp học tập trên sẽ không phù hợp với việc dạy nói tiếng Anh, yêu cầu học sinh phải liên tục nói và không ngừng mắc sai lầm để hoàn thiện vốn ngôn ngữ.

Giáo dục song ngữ đang trên đà phát triển tại Nhật Bản.

Giáo dục song ngữ đang trên đà phát triển tại Nhật Bản.

Dấu hiệu tích cực

Dù vậy vẫn có những dấu hiệu tích cực. Giáo dục song ngữ đang trên đà phát triển mạnh tại Nhật Bản. Các trường phổ thông cam kết đào tạo trẻ em trở thành công dân toàn cầu, thông thạo cả tiếng Nhật và tiếng Anh, đã và đang mọc lên trên cả nước.

Đơn cử, Trường Mầm non song ngữ Aoba – Nhật Bản đã mở cơ sở mới vào năm 2023, tiếp nối thành công của Trường Tiếng Anh Freely Akasaka năm 2021. Tập đoàn Yaruki Switch đã lần lượt ra mắt hai trường mầm non song ngữ vào năm 2022 và 2024.

Nhà phê bình giáo dục Manabu Murata ước tính có khoảng 200 trường học tiếng Anh mới mở tại Nhật Bản trong 5 năm qua. Riêng số trường mầm non quốc tế đã đạt hơn 800 cơ sở.

Ông Norihiko Inoue - quản lý thị trường châu Á tại tập đoàn giáo dục tiếng Anh Education First nhận định, nhiều phụ huynh Nhật Bản hiện nay rất coi trọng giáo dục song ngữ nên nhiều hệ thống trường quốc tế đã đầu tư vào Nhật Bản. Tuy nhiên, điều này gây ra khoảng cách lớn giữa giáo dục công và tư trong việc giảng dạy tiếng Anh.

“Giáo viên công lập rất bận rộn. Họ phải làm nhiều công việc hành chính và không có thời gian thay đổi phương pháp giảng dạy chuyển từ ghi nhớ ngữ pháp sang giao tiếp. Do đó, các trường công lập chưa thể đổi mới giáo dục tiếng Anh như các trường tư thục đang thực hiện”, ông Inoue nói.

Điều này sẽ ảnh hưởng đến kết quả thi đại học, cơ hội học tập quốc tế và dẫn đến khác biệt về mức lương. Cần lưu ý dù việc sử dụng tiếng Anh ở Nhật Bản còn hạn chế nhưng những ứng viên nhuần nhuyễn tiếng Anh có thể tìm công việc với mức lương, đãi ngộ tốt hơn là ứng viên yếu ngoại ngữ.

Do đó, các chuyên gia nhất trí rằng phương pháp giáo dục tiếng Anh tại Nhật Bản cần thay đổi để học sinh nhận thức được tầm quan trọng của ngôn ngữ và giao tiếp ngoại ngữ.

Chương trình giảng dạy nên được điều chỉnh giúp học sinh thích học tiếng Anh và giáo viên linh hoạt thiết kế bài giảng hơn. Cơ hội học giao tiếp tiếng Anh cũng nên chia đều cho tất cả mọi học sinh.

Về lâu dài, khoảng cách trong giáo dục tiếng Anh sẽ tạo nên khoảng cách xã hội, khoảng cách kinh tế tại Nhật Bản. Học sinh Nhật Bản được đầu tư học tiếng Anh nói chung và học trường song ngữ nói riêng sẽ có khả năng sử dụng tiếng Anh tốt hơn học sinh trường công, không được học thêm và chỉ học tiếng Anh trên lớp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.