Nhật Bản tham vọng quốc tế hóa giáo dục trung học

GD&TĐ - Trong nỗ lực thúc đẩy quốc tế hóa giáo dục, Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu 120.000 học sinh trung học đi du học trong 10 năm từ năm 2023.

Học sinh Nhật Bản trao đổi với giáo viên nước ngoài.
Học sinh Nhật Bản trao đổi với giáo viên nước ngoài.

Điều này nhằm tạo điều kiện cho người trẻ mở rộng quan điểm quốc tế và tận dụng trải nghiệm này để lựa chọn nghề nghiệp tương lai.

Sau đại dịch Covid-19, xu hướng du học tại Nhật Bản tiếp tục được mở rộng. Tuy nhiên, vẫn còn những rào cản đối với học sinh trung học như thi đại học khi về nước, chi phí du học cao... Tại Trường THPT thuộc Đại học Khoa học Tiên tiến Kyoto, Nhật Bản, học sinh lớp nghiên cứu quốc tế bắt buộc phải đi du học. Dự kiến khoảng 60 học sinh năm 2 sẽ học ở Vương quốc Anh và Canada trong thời gian 7 - 10 tháng.

Đi du học Canada từ mùa Thu 2022, em Saeri Kogita, 17 tuổi, chia sẻ: “Sau thời gian sống ở nước ngoài, em muốn làm những công việc có yếu tố nước ngoài để giúp phát triển đất nước”.

Khi các hạn chế Covid-19 được nới lỏng ở nhiều quốc gia trên thế giới, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua “Kế hoạch cơ bản về xúc tiến giáo dục lần 4”, trong đó nêu rõ khuyến khích học sinh trung học đi du học. Nước này đặt mục tiêu 120.000 học sinh trung học du học trong 10 năm tiếp theo.

Trong “Kế hoạch cơ bản về xúc tiến giáo dục lần 2” được thông qua vào năm 2013, Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu tăng số lượng học sinh trung học đi du học từ 30.000 lên 60.000 vào năm 2020. Trong năm 2017, mục tiêu này đạt mức cao nhất là 46.900 người. Tuy nhiên, từ năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, con số này đã giảm mạnh xuống còn 3.100 người.

Một quan chức cấp cao tại Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản nhấn mạnh việc thúc đẩy nguồn nhân lực toàn cầu là vấn đề cấp bách khi việc cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt.

Tuy nhiên, du học ở bậc phổ thông gắn liền với một số thách thức. Một trong số đó là kỳ thi tuyển sinh đại học mà học sinh sẽ tham gia sau khi về nước.

Trong thời gian du học, các em phải học theo chương trình nước ngoài nên khó cân bằng giữa học tập và ôn thi tuyển sinh đại học. Phó hiệu trưởng một trường trung học ở Tokyo chia sẻ, nhiều học sinh trở về sau du học bị tụt hậu rõ rệt so với bạn bè ở các môn Khoa học, Toán học vì chương trình học các môn này ở Nhật Bản nhanh hơn nước ngoài. Bên cạnh đó là khó khăn ở môn Tiếng Nhật cổ điển, Văn học Trung Quốc...

Tương tự, một lãnh đạo trường công lập ở Kanto, nhìn nhận du học sẽ ảnh hưởng đến việc chuẩn bị cho các kỳ thi tuyển sinh đại học sau khi học sinh về nước. Hầu hết học sinh đi du học đều chọn học lại một năm để ôn thi.

Chi phí du học cao cũng là yếu tố cản trở học sinh ra nước ngoài. Bà Yukari Kato, chuyên gia về du học, cho biết chi phí cho một năm học ở Bắc Mỹ là khoảng 3 triệu yên. Chí phí này đã tăng cao so với những năm trước do đồng yên mất giá và lạm phát.

Bên cạnh đó, việc tài trợ du học còn hạn chế. Hiện nay, Bộ Giáo dục Nhật Bản hỗ trợ học sinh du học ngắn hạn nhưng chỉ giới hạn ở mức 60.000 yên/người.

Trước khó khăn trên, một hiệu trưởng trường trung học ở tỉnh Osaka ghi nhận số lượng học sinh, phụ huynh tham gia các buổi giới thiệu du học ngày càng giảm. Nhiều gia đình không mấy mặn mà vì gánh nặng tài chính.

GS Sachihiko Kando, Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục học sinh quốc tế Nhật Bản, giảng viên ĐH Osaka, cho hay: “Để học sinh trung học yên tâm du học, chính phủ không chỉ đặt ra mục tiêu mà còn cần tạo môi trường giúp các em yên tâm học tập”.

Theo Japan News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ