Nhật Bản loay hoay giải quyết tình trạng học sinh nghỉ học

GD&TĐ - Số trẻ em không muốn đến trường gia tăng tại Nhật Bản, trong đó, nhiều em theo học các mô hình giáo dục thay thế do các tổ chức tư nhân điều hành.

Tại trường tự do, học sinh được trải nghiệm học tập theo sở thích.
Tại trường tự do, học sinh được trải nghiệm học tập theo sở thích.

Xu hướng này đặt ra câu hỏi về tính pháp lý và công nhận kết quả học tập của những học sinh tự do.

Theo kết quả điều tra năm 2021 của Bộ Giáo dục Nhật Bản, hơn 244.000 học sinh tiểu học và trung học đã nghỉ học từ 30 ngày trở lên, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm trước. Con số này đánh dấu số lượng học sinh nghỉ học tăng cao nhất trong dữ liệu của Chính phủ Nhật Bản.

Đáng chú ý, hơn 71.000 học sinh nghỉ học trên 30 ngày do các vấn đề liên quan đến Covid-19 không được đưa vào điều tra. Điều đó chỉ ra có nhiều nguyên nhân khác nhau, không bị tác động bởi đại dịch, dẫn đến tình trạng nghỉ học hàng loạt trên.

Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, tỷ lệ học sinh Nhật Bản nghỉ học hoặc bỏ học đã ở mức cao. Những đứa trẻ không đến trường trên 30 ngày vì những lý do không liên quan đến sức khỏe hoặc tài chính được Bộ Giáo dục định nghĩa là trẻ “futoko”. Trẻ “futoko” có thể là học sinh trốn học, bài xích học đường hoặc ám ảnh với môi trường học...

Là chuyên gia về trường học tự do, PGS Tetsuro Takei, làm việc tại Đại học Ritsumeikan, khuyến nghị hội đồng giáo dục các địa phương thiết lập các tiêu chí và phê duyệt một danh sách các trường tự do được cấp bằng hoặc công nhận kết quả học tập. Cán bộ quản lý các trường công lập có thể lấy đó làm căn cứ trong việc tuyển sinh học sinh tự do.

Khi số lượng trẻ “futoko” ngày càng tăng, các mô hình giáo dục thay thế cũng nở rộ để đáp ứng nhu cầu như trường học tự do. Luật Giáo dục Nhật Bản năm 2016 quy định chính phủ và chính quyền địa phương chịu trách nhiệm đảm bảo các cơ hội giáo dục bên ngoài trường học như một biện pháp chống trốn học.

Ở thành phố Chiba, chính quyền địa phương đã phối hợp với các tổ chức tư nhân thành lập trường học tự do, một mô hình giáo dục dành cho những trẻ em nghỉ học để đáp ứng những nhu cầu cá nhân của các em.

Tỉnh này quy định việc học sinh tham gia các trường học tự do được coi như đi học bình thường. Các em cũng được phép tham dự các kỳ thi tuyển sinh đầu cấp trên địa bàn tỉnh như bạn bè theo học tại các trường phổ thông.

Ông Atsushi Rusu, 44 tuổi, người điều hành trường học tự do Co-Labo, thành phố Chiba, cho biết: “Học sinh nhận xét rằng thích học trường tự do hơn trường phổ thông vì môi trường của chúng tôi khiến các em cảm thấy thoải mái. Học sinh nhà trường được ghi danh vào hệ thống giáo dục địa phương như bao bạn bè khác”.

Việc công nhận kết quả học tập và bằng cấp của trường học tự do vẫn là vấn đề gây tranh cãi tại Nhật Bản. Theo nhiều chuyên gia, các trường tự do cung cấp trải nghiệm học tập đa dạng, trong đó một số trường tập trung vào hoạt động thực hành hoặc vui chơi hơn là học văn hóa như trường phổ thông. Do đó, chương trình của họ không thể coi là chương trình học chính thức.

Tuy nhiên, hiện nay ngày càng nhiều học sinh Nhật Bản, thậm chí là trẻ mẫu giáo, theo học các trường tự do. Nếu không được cấp bằng hoặc công nhận kết quả học tập, các em sẽ không thể tham gia các kỳ thi chuyển cấp hay thi đại học.

Theo Mainichi

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội năm 2024. Ảnh: Khôi Nguyên.

Đóng góp phương thức tuyển sinh lớp 10

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến dự thảo quy định số lượng môn thi vào lớp 10 gồm Toán, Ngữ văn và môn thứ ba do Sở GD&ĐT bốc thăm ngẫu nhiên.