Thông tin liên quan được công bố trên trang web chính thức của Văn phòng Hợp tác Quân sự thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ.
Như vậy theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, việc bán 150 tên lửa phiên bản Block 1 với tổng giá trị 900 triệu đô la đã được chấp thuận, cũng như số thiết bị bổ sung liên quan.
Chi phí trên cũng bao gồm các container mang phóng loại Mk 21 Mod 3, trong đó sẽ chứa tên lửa và sẽ được sử dụng từ hệ thống phóng thẳng đứng Mk 41, cũng như các thành phần và thiết bị phụ trợ, phục vụ tích hợp và thử nghiệm.
Ngoài ra Nhật Bản sẽ nhận được thiết bị kiểm tra kỹ thuật chuyên dụng, dụng cụ đào tạo, tài liệu kỹ thuật và những thứ liên quan đến việc đảm bảo khả năng chiến đấu.
Chính phủ Hoa Kỳ và các nhà thầu cũng sẽ hỗ trợ Nhật Bản về kỹ thuật, bao gồm những nghiên cứu và phân tích có liên quan, cũng như các yếu tố hậu cần và phần mềm đi kèm khác.
Việc mua tên lửa diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản tăng cường khả năng phòng thủ cho hạm đội, cũng như củng cố năng lực chiến đấu cho các tàu mặt nước thuộc Lực lượng Phòng vệ hàng hải.
Các tên lửa SM-6 này sẽ được sử dụng cho cả những tàu khu trục hiện có trong hạm đội và những tàu mới đóng theo dự án ASEV, dự kiến sẽ gia nhập Hải quân Nhật Bản vào năm 2027 - 2028.
Trước đó theo báo chí quốc tế, Australia đã công bố hợp đồng mua tên lửa phòng không SM-2 và SM-6 trị giá 4,68 tỷ đô la từ nhà sản xuất Mỹ. Các tên lửa này sẽ dần được triển khai trên tàu khu trục lớp Hobart và trong tương lai là trên các khinh hạm lớp Hunter.
Sự kiện trên diễn ra sau vụ thử nghiệm thành công gần đây của tên lửa SM-6 từ tàu khu trục HMAS Sydney. Giới truyền thông cũng nhấn mạnh rằng Australia chính là quốc gia đầu tiên ngoài Hoa Kỳ tiến hành thử loại đạn đánh chặn tối tân này.