Chính phủ Nhật Bản bắt đầu cho phép sử dụng thẻ để thay thế các tài liệu chứng nhận khuyết tật bằng giấy dễ bị rách hoặc khó rút ra và xuất trình khi được yêu cầu.
Và mặc dù Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản đã cấp phép sử dụng giấy chứng nhận nhựa cho người khuyết tật vẫn còn khả năng nhận thức được một thời gian, chính quyền địa phương từ tháng 4/2019 đã quyết định cấp các tài liệu chắc chắn hơn cho người khuyết tật về tâm thần và thể chất.
Chính quyền tỉnh Yamaguchi bắt đầu phát hành thẻ nhựa cho những người bị suy giảm trí tuệ trong năm tài khóa 2015. Không giống như chứng nhận bằng giấy cho phép thay đổi địa chỉ chủ sở hữu, thẻ cứng cần được cấp mới mỗi khi có bất kỳ thay đổi nào về thông tin.
Mặc dù vậy, mới chỉ có khoảng 40% những người đủ điều kiện sử dụng chọn thẻ cứng, một quan chức địa phương cho biết. Tính từ ngày 1/11, Yamaguchi là quận duy nhất ở Nhật Bản phát hành thẻ.
Osaka, Hyogo, Tokushima và 7 quận khác đã đồng ý bắt đầu các nghiên cứu chung về việc cấp chứng nhận bằng thẻ nhựa. Nhưng một quan chức ở Osaka cho biết: “Chúng tôi cần sự hỗ trợ từ chính quyền trung ương vì có thể cần hàng trăm triệu yên để tân trang hệ thống máy tính”.
Nhiều địa phương đang chờ đợi và quan sát vì chính quyền trung ương đang xem xét kết hợp việc cấp chứng nhận cho người khuyết tật với cái gọi là thẻ My Number - ID mọi người sử dụng để truy cập hệ thống an sinh xã hội của Nhật Bản.
Mặc dù, số an ninh xã hội và mã số thuế gồm 12 chữ số đã được cấp cho tất cả người dân và cư dân tại Nhật Bản, nhưng chỉ hơn 10% trong số họ thực sự đã tạo và sử dụng thẻ My Number.
Vào tháng 7, Mirairo Inc. - một công ty tư vấn có trụ sở tại Osaka đã phát hành một ứng dụng di động mới được phát triển cho phép người dùng nhận được giảm giá vé tàu và máy bay.
Khi người dùng ID Mirairo gửi ảnh chứng nhận của họ, công ty sẽ số hóa chúng sau khi kiểm tra tính xác thực chặt chẽ. “Khi đi ra ngoài, tôi treo điện thoại thông minh quanh cổ để có thể dễ dàng sử dụng nó”, Toshihito Isoya (34 tuổi, ở Hachioji, Tokyo), người sử dụng xe lăn vì bị liệt chân.
“Tôi hầu như không cảm thấy ngại ngùng với mọi người xung quanh vì tôi có thể được giảm giá chỉ bằng cách giơ điện thoại thông minh của mình (trước đầu đọc)”, anh nói, nhấn mạnh lợi ích về mặt tâm lý của ứng dụng Mirairo ID.
Gamba Osaka, một CLB bóng đá chuyên nghiệp tại giải nhà nghề Nhật Bản, đã bắt đầu giảm giá vé vào sân cho người dùng ứng dụng tại sân vận động của mình ở Suita, tỉnh Osaka.
Các doanh nghiệp ủng hộ ứng dụng này đã tăng lên con số 12 tính từ ngày 1/11, bao gồm Gamba, Seibu Railway, Japan Airlines, All Nippon Airways và Daiichikosho Co, nhà điều hành chuỗi cửa hàng karaoke Big Echo.
Toshiya Kakiuchi, 30 tuổi, nhà sáng lập và là CEO của Mirairo, người dùng xe lăn để đi lại tâm sự: “Tôi đã sống với việc sử dụng chứng nhận cho người khuyết tật bằng giấy trong nhiều năm và cuối cùng đã số hóa được chúng. Chúng tôi sẽ tìm kiếm thêm doanh nghiệp ủng hộ để tăng cơ hội tiếp cận tới các dịch vụ cho người khuyết tật”.