Lớp học sau Tết:

Nhanh chóng triển khai nhiệm vụ năm học

GD&TĐ - Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các trường học tại Nghệ An đã nhanh chóng ổn định dạy học.

Giờ học tại Trường THPT Nghi Lộc 5, huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Ảnh: TG
Giờ học tại Trường THPT Nghi Lộc 5, huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Ảnh: TG

Duy trì nền nếp, quản lý sĩ số, tính chuyên cần của học sinh được thầy cô đặc biệt quan tâm; Đồng thời, các trường cũng triển khai nghiêm túc nhiệm vụ học kỳ II theo kế hoạch, mục tiêu đã đặt ra.

Nhanh chóng vào nếp

Theo kế hoạch, các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT, trung tâm GDNN - GDTX tại Nghệ An hoạt động, dạy học trở lại từ ngày mùng 6 Tết Quý Mão (ngày 27/1). So với nhiều tỉnh, thành trên cả nước, học sinh Nghệ An tựu trường sớm hơn, nhưng nền nếp dạy học và hoạt động giáo dục nhanh chóng đi vào ổn định.

Trường THCS Trường Thi (TP Vinh, Nghệ An) trong ngày dạy học đầu tiên đã đảm bảo sĩ số đầy đủ. Cô Hiệu trưởng Tăng Thị Thu Hiền cho biết, điều đáng mừng là qua khảo sát, tất cả giáo viên, học sinh đã có kỳ nghỉ an toàn. Dù nghỉ 10 ngày nhưng học sinh đều hứng khởi trở lại trường, gặp bạn bè, thầy cô và học tập.

“Đặc biệt, sau 2 ngày học vào thứ 6 và thứ 7, vào cuối tuần, UBND phường đã tổ chức trò chơi dân gian cho học sinh trên địa bàn tại trường. Lễ hội gồm các trò như: Kéo co, nhảy bao bố, ô ăn quan, bịt mắt đập niêu… thu hút nhiều trò tham gia. Qua đó vừa giáo dục văn hóa truyền thống cho các em, vừa tạo sân chơi vui tươi, sôi nổi đầu năm. Sau lễ hội chào Xuân này, học sinh các trường quay trở lại nếp học tập bình thường với nhiệm vụ, kế hoạch trong học kỳ II”, cô Tăng Thị Thu Hiền chia sẻ.

Đóng tại địa bàn xã biên giới xa xôi nhất của huyện Kỳ Sơn, Nghệ An nhưng trong ngày học đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Trường PTDTBT THCS Keng Đu đã tập trung 350/356 học sinh. 6 em nghỉ học đều có phép. Có được điều này là nhờ từ mùng 5 Tết, giáo viên đã trả phép và chia nhau vào từng bản chúc Tết, nhắc nhở học sinh có mặt theo lịch.

Thầy Nguyễn Hữu Luận, Hiệu trưởng nhà trường, vui mừng chia sẻ thêm, gần đây tình trạng học sinh bỏ học sau Tết đã giảm nhiều. Trước đây, học sinh học một buổi sau đó về nhà nên dịp ra Tết thường muốn tiếp tục đi chơi, ngại đến trường. Nhưng từ năm 2012, nhà trường triển khai mô hình bán trú, hình thành nền nếp mới. Sau kỳ nghỉ, các em đều về trường đầy đủ để ổn định sinh hoạt và học tập.

Những ngày sau Tết, thời tiết tại vùng cao Nghệ An rét đậm, rét hại, nhưng việc dạy học ở nhiều trường đều đảm bảo theo kế hoạch. Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Tây Sơn đóng tại bản Huồi Giảng (xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) nằm ở độ cao trên 1.200m. Cô Lã Thị Thanh Huyền - Phó Hiệu trưởng nhà trường - thông tin, nhiệt độ ở đây rất lạnh. Ban đêm xuống tới 1 độ và nhích lên 4 – 5 độ vào buổi sáng.

Tuy nhiên, điều đáng mừng là học sinh vẫn dậy sớm đến trường đúng giờ kể cả những em không ở bán trú. Để giữ ấm cho học sinh, nhà trường chuyển tiết chào cờ vào giữa buổi. Còn đầu giờ tổ chức dọn dẹp vệ sinh, hoặc hoạt động ngoài giờ lên lớp để khởi động cho các em. Công tác đảm bảo bữa ăn bán trú cho học sinh khối tiểu học lẫn THCS cũng được thực hiện nghiêm túc.

Ảnh minh họa/ INT

Ảnh minh họa/ INT

Nhanh chóng vào guồng

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các trường học bắt đầu chương trình học kỳ II năm học 2022 - 2023. Trường THCS Trường Thi (TP Vinh) đẩy mạnh quản lý nền nếp và triển khai nhiều hoạt động chuyên môn. Theo đó, nhà trường giao cho giáo viên tiếp tục lưu ý vấn đề sĩ số mỗi buổi học. Tăng cường an ninh trường học, an toàn giao thông do địa bàn thành phố lưu lượng người qua lại lớn, trong khi có nhiều học sinh tự đi xe đạp điện đến trường. Bên cạnh đó, trường phối hợp với chính quyền địa phương, trật tự đô thị để kiểm soát an toàn thực phẩm.

Về kế hoạch chuyên môn, cô Tăng Thị Thu Hiền cho hay, nhà trường tích cực bồi dưỡng học sinh giỏi cấp tỉnh đối với lớp 9, chuẩn bị cho kỳ thi diễn ra vào ngày 11 - 12/2. Tại kỳ thi này, trường có 4 em tham gia ở các môn Vật lý, Sinh học, Địa lý, Giáo dục công dân. Cùng với đó là bồi dưỡng học sinh giỏi cấp trường khối 6 - 7 - 8 để tạo nguồn dự thi cấp thành phố.

Đối với giáo dục đại trà cũng có nhiều chương trình tăng cường phong phú bên cạnh dạy học chính khóa như: Ngày hội STEM, Hội khỏe Phù Đổng cấp trường, sinh hoạt các câu lạc bộ Tiếng Anh, nghệ thuật… Đặc biệt, nhà trường đang tăng cường công tác ôn tập cho khối 9 chuẩn bị thi tuyển sinh vào lớp 10.

“Ở địa bàn thành phố Vinh, do chỉ có 3 trường THPT công lập (ngoài 2 trường THPT chuyên) nên kỳ thi vào lớp 10 có sự cạnh tranh lớn hơn so với huyện, thị khác. Để trúng tuyển vào ngôi trường yêu thích, học sinh tăng tốc ôn tập ngay sau kỳ nghỉ lễ kết thúc. Nhà trường cũng giao cho giáo viên có kinh nghiệm, năng lực chuyên môn vững vàng phụ trách dạy học và ôn tập cho khối 9”, cô Hiền chia sẻ.

Đối với các trường THPT, nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục triển khai Chương trình SGK mới đối với lớp 10 và ổn định dạy học lớp 11 theo kế hoạch. Riêng khối 12 bước vào giai đoạn quan trọng để hoàn thành chương trình, đồng thời ôn thi tốt nghiệp THPT. Thầy Phan Trọng Đông, Hiệu trưởng Trường THPT Diễn Châu 2 (huyện Diễn Châu), trao đổi, Kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn giữ ổn định, không thay đổi nhiều nên kế hoạch dạy và ôn thi được triển khai từ đầu năm học.

Học sinh cũng được phân lớp theo nguyện vọng và thế mạnh môn tự nhiên hoặc xã hội. Từ khi học kỳ II, nhà trường bắt đầu tổ chức cho khối 12 thi thử theo phương châm kiến thức học tới đâu sẽ ra đề tới đó. Mục đích rèn luyện kỹ năng làm bài và từng bước phân loại, sàng lọc học sinh. Từ kết quả thi để điều chỉnh kế hoạch ôn tập phù hợp theo từng thời điểm. Trong đó sẽ tổ chức thêm nhóm bồi dưỡng lấy điểm cao hoặc phụ đạo môn có điểm trung bình thấp.

Về tổ chức dạy học sau Tết Nguyên đán, ông Nguyễn Trọng Hoàn, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An, cho biết: Để sớm ổn định việc dạy học, sở đã có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo nhà trường có giải pháp ngăn chặn không để học sinh bỏ học sau Tết. Nhà trường cần rà soát số học sinh có nguy cơ bỏ học, phân loại để có biện pháp phù hợp. Đối với triển khai nhiệm vụ học kỳ II, các đơn vị thực hiện theo kế hoạch chương trình năm học. Đồng thời chủ động chương trình nhà trường để có giải pháp linh hoạt phù hợp thực tiễn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...