Trong đó, có 40 câu chỉ ở mức độ nhận biết và thông hiểu, coi như là tái hiện kiến thức nên học sinh nào cũng làm được; có 6 câu ở mức độ vận dụng thấp, học sinh có chút tư duy và một vài phép toán là làm được; có 4 câu ở mức độ vận cao, đòi hỏi học sinh biết hình thành sâu chuỗi kiến thức, kèm theo lập luận, suy đoán và tính toán nhanh mới làm được. Cụ thể, lớp 12 có 45 câu và lớp 11 có 5 câu.
Ta đi tìm hiểu từng câu thuộc các chủ đề đó là: Chương ứng dụng đạo hàm để khảo sát và vẽ đồ thị có 10 câu (câu 7, câu 9, câu 19, câu 26, câu 27, câu 31, câu 32 câu 41 và câu 50) với câu 7, câu 9, câu 19, câu 26, câu 27, câu 31 và câu 32 là đơn giản học sinh tự tin làm được, còn câu 41 là vận dụng thấp nên làm được, câu 50 là vận dụng cao có tính toán kết hợp tư duy cao mới làm được.
Chương hàm số mũ, hàm số lôgarit, phương trình mũ và phương trình lôgarit có 8 câu (câu 2, câu 3, câu 4, câu 21, câu 28, câu 34, câu 39 và câu 47) với câu 2, câu 3, câu 4, câu 21, câu 28, câu 34 là là kiến thức cơ bản nên dễ ăn điểm, câu 47 là vận dụng cao có thực hiện một biến đổi để tính toán kết hợp suy luận mới làm được.
Chương nguyên hàm, tích phân và ứng dụng có 7 câu (câu 8, câu 23, câu 24, câu 25, câu 29, câu 40 và câu 44) với câu 8, câu 23, câu 24, câu 25, câu 29 khá dễ, câu 40 là vận dụng thấp nên làm được, câu 44 là vận dụng cao đòi hỏi tư duy kết hợp với tính toán mới làm được.
Chương số phức có 6 câu (câu 1, câu 12, câu 16, câu 35, câu 42 và câu 45) với câu 1, câu 12, câu 16, câu 35 là dễ nên làm được, còn câu 42 là vận dụng thấp ở mức độ quen thuộc nên làm được; câu 45 là vận dụng cao đòi hỏi tư duy suy, lập luận chặt chẽ kết hợp tính toán mới làm được.
Chương khối đa diện và thể tích của chúng có 3 câu (câu 13, câu 14 và câu 43) với câu 13, câu 14 là đơn giản nên làm được; còn câu 43 là vận dụng thấp cũng làm được.
Chương khối tròn xoay có 3 câu (câu 15, câu 17 và câu 48) với câu 15 và câu 17 là đơn giản học sinh vượt qua nhẹ nhàng; còn câu 48 là vận dụng thấp và quen thuộc nên làm được.
Chương phương pháp tọa độ trong không gian có 8 câu (câu 6, câu 10, câu 11, câu 18, câu 36, câu 37, câu 46 và câu 49) với câu 16, câu 10, câu 11, câu 18, câu 36, câu 37 và câu 46 là đơn giản vì không lắc léo nên làm được; còn câu 49 là vận dụng cao có tính toán và vẽ hình ra mới tìm được hướng giải.
Đối với chương trình lớp 11, phần tổ hợp có 1 câu ( câu 22), phần xác suất có 1 câu (câu 33), phần cấp số nhân có 1 câu (câu 5), phần khoảng cách và góc có 2 câu (câu 30 và câu 38); với những câu này đều dễ học sinh nhớ kiến thức là làm được.
Đề thi tham khảo như vậy là phù hợp; học sinh trung bình và yếu làm được từ 5 điểm đến 6 điểm, học sinh khá làm được từ 6 điểm đến 8 điểm, học sinh giỏi làm được từ 8 điểm đến 9.4 điểm, còn lại dành cho học sinh xuất sắc và có điểm tuyệt đối nhưng không nhiều.
Với những nhận xét nói trên, để giúp học sinh tự tin trong khâu ôn tập và chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT đạt hiệu quả cao của bộ môn toán thì các em học sinh cần đảm bảo kiến thức và có tâm lý vững vàng.
Về kiến thức và làm bài thi
Học sinh cần xem lại những kiến thức nội dung đã học, ghi nhớ những công thức toán học và khắc sâu phương pháp làm bài của mỗi dạng toán. Học sinh nên nhớ trong đề thi luôn có hai phần.
Phần cơ bản chỉ tái hiện kiến thức thì chiếm khoảng 7 điểm, còn phần nâng cao thì có tư duy sáng tạo chiếm khoảng 3 điểm và tập trung vào các chuyên đề: Hàm số; Số phức; Phương trình, bất phương trình mũ và lôgarit; Tích phân; Phương pháp tọa độ trong không gian; Cấp số cộng và cấp số nhân; Tổ hợp, nhị thức và xác suất; Hình học không gian.
Như vậy những học sinh có học lực yếu, trung bình thì làm phần cơ bản. Những học sinh khá, giỏi và xuất sắc thì làm thêm phần nâng cao. Toàn bộ kiến thức trong đề chủ yếu rơi vào kiến thức Toán 12 và một chút của lớp 11.
Trong quá trình ôn thi, các em học sinh hãy phân bổ thời gian trong việc ôn tập một cách hợp lý nhất, tránh trọng tâm quá nhiều vào một phần dẫn đến quá lan man trong kiến thức hoặc không dành đủ thời gian cho việc ôn tập những phần kiến thức khác.
Khi làm bài học sinh cần chọn câu dễ làm trước, những câu khó thì đọc đề thật kỹ rồi vạch những hướng làm ra nháp sau đó chọn cách làm thích hợp. Thường những câu khó thì phải tư duy để chọn cách giải tối ưu. Không được choáng ngợp khi thấy những bạn xung quanh xin nhiều giấy nháp mà phải tin tưởng vào bản thân mình. Nếu làm xong thì đọc lại bài để kiểm tra sai sót lần cuối.
Về mặt tâm lý
Yếu tố tâm lý rất quan trọng đối với mỗi học sinh. Kinh nghiệm cho thấy nếu học sinh học tốt nhưng hay hồi hộp, lo lắng và căng thẳng thì kết quả không đạt như mong muốn. Để có tâm lý vững vàng học sinh cần lưu ý: Khi đi thicần chuẩn bị dụng cụ đầy đủ và đến phòng thi sớm trước 15 phút để tinh thần thoải mái. Khi nhận đề thi thì đọc đề thật kỹ nhiều lần để tìm ra hướng giải cho từng câu.
Nếu hồi hộp và hoang mang thì hít từng hơi thật sâu rồi thở ra từ từ hay nắm hai tay thật chặt vào nhau trở lại trạng thái bình thường. Các em học sinh hãy tự tin vào bản thân mình vì có tới gần 40 câu nằm thuộc phần kiến thức nhận biết và thông hiểu nên không phải lo lắng mà tạo cho mình một niềm tin trước khi bước vào kỳ thi.