Với tinh thần chung là ủng hộ hướng ra đề thi minh họa, ý kiến từ cơ sở đều nhận định nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian này là khẩn trương triển khai kế hoạch ôn tập cho HS lớp 12 theo những yêu cầu mới của kỳ thi tới đây.
Cấu trúc đề thi hợp lý với thời gian thi
Trong các môn thi của Kỳ thi THPT quốc gia 2017, môn Ngữ văn được đánh giá có ít sự điều chỉnh, thay đổi nhất so với năm trước. Tuy nhiên, với một kỳ thi đặc biệt quan trọng, giáo viên bộ môn và HS hết sức quan tâm đến cấu trúc đề thi, để có sự chuẩn bị tốt nhất về kiến thức và kỹ năng. Cô Đặng Thị Thu Hiền – giáo viên Ngữ văn Trường THPT Quỳnh Lưu 1 - cho biết, ngay khi có đề thi minh họa môn Ngữ văn, cô đã đọc, tìm hiểu và nhận ra được những thay đổi trong đề so với những năm trước.
Cấu trúc đề thi minh họa môn Ngữ văn năm nay cũng bao gồm 3 phần: Đọc hiểu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Tuy nhiên, trong mỗi phần đề thi có sự thay đổi và điều chỉnh. Câu đọc hiểu chỉ có 1 ngữ liệu thay vì 2 ngữ liệu như trước đó. Câu nghị luận xã hội năm nay chỉ chiếm 2 điểm, và yêu cầu HS viết khoảng 200 chữ. Còn lại phần nghị luận văn học được tăng lên thành 5 điểm, chiếm 50% điểm toàn bài thi. Khối lượng kiến thức so với thời gian thi 120 phút là hợp lý.
Theo cô Hiền, đề thi minh họa rất mở và hay, tuy nhiên cô mong muốn cách đặt câu hỏi trong phần đọc hiểu độc lập, linh hoạt hơn, tránh sự chồng chéo yêu cầu với phần nghị luận xã hội khi dùng cùng một ngữ liệu đề thi, và khơi gợi cảm hứng làm bài cho HS.
Với tổ hợp môn thi Lý – Hóa – Sinh, đây là 3 môn đã thực hiện thi trắc nghiệm từ nhiều năm trước, vì vậy HS cơ bản đã quen với cách học, cách làm bài. Theo thầy Trần Tuấn Anh, giáo viên Hóa học Trường THPT Đô Lương 1, đề thi môn Hóa theo cấu trúc mà Bộ vừa công bố không khác nhiều so với những năm trước.
Có 25 câu hỏi thuộc phần lý thuyết, kiến thức cơ bản chiếm khoảng 60% đề thi nên HS có mục đích thi chỉ để xét tốt nghiệp có thể làm bài được nếu học hành cơ bản. Với đề này, HS nắm vững kiến thức sách giáo khoa kiếm điểm 8 cũng không khó. Tuy nhiên, có khoảng 5 câu phân loại HS tôi nhận định HS thực sự giỏi mới làm được.
Điều lo ngại nhất của HS là năm nay, đề thi giảm xuống còn 40 câu, nhưng chỉ thi trong vòng 50 phút. Hơn nữa, 1 buổi thi các em thi tổ hợp cả 3 môn Lý – Hóa – Sinh, thì chắc chắn “cường độ tập trung” thực sự cao. Tuy nhiên, cấu trúc đề thi của Bộ sắp xếp các câu dễ trước, khó sau, các em cứ bình tĩnh lần lượt làm bài sẽ có kết quả tốt. Ngoài ra, thi môn này xong mới thi môn khác, chứ không phải trong 1 bài thi có đề của cả 3 môn nên các em sẽ có quãng ngắt để chuyển sang tuy duy môn khác.
Nắm bản chất kiến thức, không học “mẹo” và tìm may mắn
Với môn Toán, là năm đầu tiên chuyển từ hình thức thi tự luận sang trắc nghiệm, các thầy cô cũng nóng lòng chờ đợi đề thi minh họa của Bộ, để từ đó có định hướng để điều chỉnh phương pháp dạy – học.
Với kinh nghiệm là một giáo viên dạy Toán trước đây và hiện nay ở cương vị lãnh đạo, thầy Nguyễn Cảnh Tuấn – Hiệu trưởng Trường THPT Anh Sơn 1, Nghệ An - chia sẻ: Ngay sau khi Bộ công bố bộ đề thi minh họa, tôi cùng với các giáo viên trong trường đã tổ chức nghiên cứu rất kỹ càng.
Nhận định của các giáo viên, với cấu trúc và mức độ đề thi như thế này, thì trong vòng 120 phút, những em HS có học lực trung bình khá, nắm vững kiến thức cơ bản không khó để đạt được 6 – 7 điểm. Kiến thức trong đề thi đều nằm trong chương trình sách giáo khoa, trọng tâm là năm lớp 12.
Ngoài ra, sự phân hóa đề thi cũng rất hợp lý. Có khoảng 8 - 10 câu hơi khó và khó để phân loại HS. Những bài toán đó khó, không có nghĩa là không làm được, nhưng tư duy phải nhanh và chắc chắn. Với đề thi này, HS kiếm được điểm 9, 10 không hề dễ, hoàn toàn không có chuyện dựa vào may, rủi.
Cũng đồng quan điểm về việc không tìm may mắn và may rủi trong thi cử, cô Bùi Thị Bích Hậu – giáo viên bộ môn Lịch sử, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu - tâm sự: Với đề thi trắc nghiệm, nhiều người cho rằng, yếu tố may mắn trong thi cử sẽ tăng lên, nhất là với tổ hợp môn xã hội vì có thể đoán, “nhanh mắt nhìn bài”… Tuy nhiên, xác suất đó vô cùng nhỏ.
Trên thực tế, muốn có điểm cao, thì chỉ bằng cách rèn luyện, đọc nhiều, viết nhiều, nghe nhiều và hiểu đúng. Hiện nay, khi Bộ đã công bố đề thi minh họa, cô Hậu cho biết sẽ căn cứ vào đó để tìm và xây dựng ngân hàng đề thi cho các em HS thực hành. Tỏ ra thận trọng khi nhận định đề thi, cô Hậu cho biết, từ kết quả bài làm của các em, thì mới có thể đánh giá khách quan về đề thi, nhưng việc có bộ đề minh họa vào lúc này là kịp thời để cô và trò yên tâm và có định hướng dạy học.
Cô Võ Thị Hải Yến, giáo viên bộ môn Giáo dục công dân Trường THPT Quỳnh Lưu 2 cũng chia sẻ: “Hiện tại lúc này, tôi chưa thể nói nhiều về đề thi môn GDCD, tuy nhiên, kiến thức trong đề thi minh họa theo đúng lộ trình của Bộ là năm nay nằm trong chương trình lớp 12 về các bộ luật hình sự, dân sự, kinh tế, hôn nhân, gia đình, luật môi trường...
Các câu hỏi không nặng nề về việc trích các điều khoản, mà yêu cầu HS hiểu được bản chất của luật, từ đó ứng dụng, vận dụng vào cuộc sống”. Cô Yến cũng cho biết thêm, sắp tới, trong các bài kiểm tra trên lớp, cô sẽ cho HS làm quen với khung giờ và cách làm bài thi trắc nghiệm. Vì đề thi nằm trong chương trình lớp 12, trong khi hiện tại mới chỉ bắt đầu năm học được 2 tháng, nên học đến đâu, cô trò sẽ tự thi theo kiến thức đến đó.