Nhân viên ngân hàng "đau đầu" vì khách VIP, người quen nhờ đổi tiền lẻ

“Tết này đổi cho anh 100 triệu tiền lẻ nhé. 20 triệu tiền 200k, 20 triệu tiền 100k, 20 triệu tiền 50k, 10 triệu tiền 10k, 10 triệu tiền 5k, 10 triệu tiền 2k, 10 triệu tiền 1k. Đổi cho anh và người nhà mừng tuổi, đi lễ”.

Gần Tết, nhân viên ngân hàng lại

Mỗi năm gần Tết, khách VIP của ngân hàng, người quen, người nhà... lại nhờ đổi tiền lẻ khiến nhiều nhân viên ngân hàng bối rối. (Ảnh minh họa).

Đó là tin nhắn của một khách hàng gửi cho chị Thúy Vy, nhân viên ngân hàng TMCP  tại Hà Nội. Chỉ một mẩu tin nhắn ngắn ngủi nhưng có sức nặng "nghìn cân" đối với chị Thúy Vy, thậm chí cả phòng giao dịch nơi chị làm việc cũng trở nên nháo nhác bởi không biết phải trả lời ra sao để vị khách hàng VIP nhưng khó tính này hiểu và thông cảm.

“Đây là khách quen của ngân hàng, luôn có số dư tiền gửi lớn, lại sẵn sàng giúp mình mua gói bảo hiểm nhân thọ cho cả gia đình. Từ chối thì sợ mất lòng khách, không từ chối thì biết kiếm đâu ra tiền lẻ mệnh giá 1-5 nghìn đồng trong khi quá nhiều người nhờ đổi hộ”, chị Thúy Vy tỏ ra hoang mang.

Với những nhân viên ngân hàng như chị Thúy Vy, bên cạnh áp lực công việc dồn dập những ngày cuối năm, còn có thêm áp lực từ khách hàng thân thiết và từ chính những người thân quen của mình, đó là nhờ đổi tiền lẻ.

Thói quen mừng tuổi nhau bằng những tờ tiền mới tinh, có số serie liền nhau, cũng như thói quen dùng những đồng tiền lẻ mới cứng khi đi lễ đền, chùa dịp đầu năm đã ăn sâu vào nếp nghĩ của nhiều người Việt. Đặc biệt là việc rải tiền lẻ khắp các ban thờ khi đến các cơ sở tín ngưỡng có thể coi là một thứ hủ tục dù bị phê phán nhiều nhưng chưa thể thay đổi ở thời điểm hiện tại.

Để đáp ứng nhu cầu tiền lẻ, dịch vụ đổi tiền lẻ “mười ăn tám” (đổi 10 đồng nhận về tám đồng) luôn sẵn sàng ở phố Đinh Lễ (Hoàn Kiếm, Hà Nội), hoặc tại các cổng đền, chùa, phủ,… Thậm chí những năm gần đây dịch vụ này cũng trở nên sôi động trên các trang mạng xã hội.

Nhưng phổ biến hơn cả, lại chẳng mất phí dịch vụ, đó là nhờ người thân quen làm việc tại ngân hàng đổi giúp. Tuy nhiên, vài năm gần đây Ngân hàng Nhà nước chủ trương hạn chế in tiền lẻ, tiền lẻ mới phát hành trở nên khan hiếm, việc bị nhờ đổi tiền lại trở thành nỗi ám ảnh của giới ngân hàng.

“Khoảng 5 năm trước chỉ cần cơ quan đăng ký số lượng là bao nhiêu cũng có. Thậm chí có năm tiền lẻ chất cao như núi khiến nhân viên phòng hành chính còn phải thay nhau canh gác cả ngày. Vài năm gần đây vẫn đổi được nhưng không phải cứ đăng ký là có đủ cho mọi người đâu", anh Trần Mạnh Hùng, cán bộ phòng hành chính tại Công ty cho thuê tài chính thuộc một ngân hàng lớn tại Hà Nội cho biết.

Cũng theo anh Hùng, nếu chỉ đổi một vài triệu đồng cho người nhà thì không vấn đề gì, nhưng việc có quá nhiều người quen nhờ vả khiến anh cảm thấy vô cùng phiền toái.

“Từ chối nhiều nhưng một lần đổi giúp rồi những năm sau người ta cứ nhờ. Không phải ai cũng hiểu và thông cảm, có người còn cho rằng mình cố tình gây khó dễ để kiếm chác nên sẵn sàng trả công cho mình", anh Hùng nói.

Xung quanh câu chuyện đổi tiền lẻ cũng có những chuyện cười ra nước mắt. Anh Thái Anh, nhân viên của một ngân hàng lớn V.C, kể: “Có năm tôi được một anh bạn học phổ thông nhờ đổi hộ 12 triệu đồng tiền lẻ, nhưng không phải là đổi cho anh ấy mà là đổi cho… cậu em đồng nghiệp. Sau khi nhận được 12 triệu đồng do cậu em này chuyển khoản, mình nhắn cậu ấy đến chi nhánh của mình lấy tiền.

Trớ trêu thay lại gặp đúng cuộc họp quan trọng nên mình chưa thể xuống dưới đường đưa tiền lẻ cho cậu ta. Thế là cậu ta cho rằng mình lừa đảo nên đã gọi điện làm um lên, đòi mình phải chuyển khoản trả lại 12 triệu đồng ngay lập tức, nếu không sẽ lên tận văn phòng để làm cho ra lẽ”.

Không đến mức bị hiểu lầm là kẻ lừa đảo như anh Thái Anh, nhưng chị Nguyễn Thị Hà – cán bộ cấp phòng làm việc tại Vietinbank – cho biết, điều chị sợ nhất là bị họ hàng và bạn bè xem việc đổi tiền giúp như là “trách nhiệm” bởi chính sự nhiệt tình của mình.

“Mình thì giúp vô tư thôi, nhưng chính sự vô tư của mình khiến người ta mặc định việc đó là “trách nhiệm” của mình mỗi dịp Tết cận kề. Thế cho nên mình chỉ muốn Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dừng hẳn việc in tiền lẻ phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết”, chị Hà chia sẻ.

Điều mong muốn của chị Hà có lẽ cũng là mong muốn của không ít người làm trong ngành ngân hàng.

Thực tế trong khoảng 5 năm trở lại đây, NHNN đã chủ trương hạn chế in tiền lẻ để lưu hành dịp Tết Nguyên đán. Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, việc này giúp tiết kiệm được khoảng 3.500 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước trong mấy năm gần đây. Do đó, NHNN cũng sẽ vẫn siết chặt việc in tiền lẻ trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

“5-6 năm nay, NHNN làm rất quyết liệt và đã có sự phối hợp cùng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cũng như Bộ Thông tin và Truyền thông. Chúng tôi tin tập quán, thói quen của người dân trong việc dùng tiền lẻ để đi lễ đầu năm sẽ dần dần được loại bỏ. Về phía NHNN, chúng tôi vẫn sẽ hạn chế in thêm tiền lẻ để tiết kiệm kinh phí cho Nhà nước. Về mặt pháp lý, NHNN không có chức năng phục vụ nhu cầu tiền lẻ trong dịp này” – Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.

Theo infonet.vietnamnet.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...