Gần 14 năm đóng BHXH không có giá trị?
Theo nội dung phản ánh, các nhân viên này cùng vào làm việc tại Công ty Bảo Việt nhân thọ Phú Thọ và Công ty Bảo Việt Phú Thọ từ trước năm 2000. Tháng 5/2000, họ được công ty hướng dẫn ký hợp đồng lao động để đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). Đến tháng 6/2002, BHXH thành phố Việt Trì đã cấp sổ BHXH cho những người lao động kể trên. Theo đó, hàng tháng mọi người đều đóng BHXH đầy đủ và có xác nhận hàng năm giữa hai công ty và cơ quan BHXH.
Tuy nhiên, sau 14 năm, vào tháng 3/2014, những nhân viên này nhận được thông báo từ công ty, yêu cầu chốt sổ BHXH và hướng dẫn mọi người đi đóng nơi khác mà không rõ lý do. Sau khi chốt sổ, một số người đã chuyển sang công ty khác hoặc chuyển sang đóng BHXH tự nguyện và một số người vẫn làm việc tại hai công ty nói trên.
Sự việc vỡ lỡ khi một số người lao động đến tuổi về hưu, một số đã mất. Nhưng khi đến cơ quan BHXH để làm chế độ thì bị từ chối giải quyết chế độ. Theo đó, cơ quan này không công nhận số năm đã đóng BHXH như đã ghi trong sổ, đồng thời yêu cầu thoái thu toàn bộ thời gian đã đóng BHXH tại 2 công ty này.
Cho đến lúc này, 86 người lao động mới “tá hỏa” khi biết sự thật, toàn bộ thời gian đóng BHXH của họ tại Công ty Bảo Việt nhân thọ Phú Thọ và Công ty Bảo Việt Phú Thọ không có giá trị. Trong 86 người lao động, người có thời gian đóng BHXH dài nhất là 13 năm 8 tháng.
Có chuyện tước đoạt quyền lợi của 86 lao động?
Chị Lê Thị Hán, sinh năm 1962, một trong 86 lao động có nguy cơ mất hết quyền lợi về BHXH vô cùng bức xúc: “Tức không ăn nổi cơm nữa”. Đúng ra, chị đã được nghỉ hưu trí từ năm 2013. Nhưng năm nay đã gần 60 tuổi vẫn không có sổ hưu. “Tôi cứ chờ mãi nhưng nhiều năm trôi qua vẫn không có kết quả gì”.
Chị Nguyễn Thị Hồng Yến không giấu được nỗi bức bức xúc khi trao đổi vụ việc với PV Báo GD&TĐ. Theo chị Yến, cách cư xử của cơ quan BHXH là “vi phạm, sai, gây bất bình, bất an, bất mãn cho những người lao động”. Chị bị tai nạn lao động, mất đến 41% sức khỏe. 9 năm qua đã gõ cửa nhiều nơi nhưng không được giải quyết chế độ.
Chị Nguyễn Thị Hồng Yến bị tai nạn lao động, mất 41% sức khỏe nhưng đã 9 năm mang sổ BHXH đi gõ cửa nhiều nơi mà không được giải quyết chế độ. |
Chị Yến còn cho biết thêm: “Cùng với chúng tôi, đã có những người được hưởng chế độ BHXH. Nhưng sao chúng tôi không được giải quyết các chế độ? Sao đóng BHXH cùng với nhau mà có người được chế độ, người không? Sao có sự phân biệt đó? Phải chăng do không muốn trả quyền lợi cho chúng tôi nên viện ra nhiều lý do không hợp lý”. “BHXH Việt Nam đã cố tình gạt bỏ quyền lợi của chúng tôi. Mong muốn báo chí lên tiếng bảo vệ quyền lợi chính đáng cho những người lao động nghiêm túc chấp hành đóng bảo hiểm như chúng tôi”. Chị Yến nhấn mạnh.
Khác với chị Hán và chị Yến, Anh Nguyễn Huy Thông sinh năm 1967 còn “đen đủi” hơn. Anh Thông cho biết, thời gian đóng BHXH của anh khoảng 30 năm nhưng chưa bao giờ nhìn thấy sổ BHXH của mình. Anh cũng đã đi đòi nhiều năm liên tục nhưng đều nhận được những câu trả lời loanh quanh từ phía cơ quan có trách nhiệm.
Theo phản ánh của những lao động cũng như các chứng cứ cung cấp cho PV Báo GD&TĐ, số tiền đóng BHXH trong suốt mười mấy năm qua, 100% số tiền đóng bảo hiểm đều là của người lao động. Hai công ty trên chỉ đứng danh nghĩa đóng giúp. Anh Dương Đình Thường cho biết: “không thể tước đoạt quyền lợi của chúng tôi. Quá trình làm việc và đóng bảo hiểm, chúng tôi cứ yên tâm là về già sẽ có lương hưu, đỡ khó khăn cho con cháu. Nhưng nay quyền lợi không có gì. Chúng tôi rất thất vọng”.
Nhưng cuốn sổ BHXH được cấp cho người lao động, đóng tiền bảo hiểm đầy đủ đang bị cơ quan bảo hiểm từ chối trách nhiệm |
Được biết, trước nguy cơ bị mất hết quyền lợi, 86 lao động đã cùng nhau đi gõ cửa nhiều nơi để hỏi như BHXH TP Việt Trì; BHXH tỉnh Phú Thọ: BHXH Việt Nam; UBND tỉnh Phú Thọ… nhưng không được giải quyết chế độ. Qua Báo Giáo dục và Thời đại, 86 người lao động mong muốn được bảo vệ quyền lợi chính đáng.
Trong đơn gửi tới báo GD&TĐ, các nhân viên bảo hiểm đang có nguy cơ mất quyền lợi đã ghi rất rõ nguyện vọng của mình:
“Thứ nhất: Yêu cầu cơ quan BHXH bảo lưu số năm đã tham gia BHXH của 86 lao động và giải quyết đầy đủ quyền lợi cho người lao động theo chế độ hiện hành.
Thứ hai: Buộc hai doanh nghiệp phải thực hiện pháp luật lao động về chế độ quyền lợi cho chúng tôi. Hiện nay còn lập lờ khái niệm giữa cán bộ khai thác, tư vấn viên và đại lý trong doanh nghiệp nhằm né tránh nghĩa vụ với người lao động.
Thứ ba: Buộc hai doanh nghiệp phải hoàn trả số tiền đáng lẽ ra phải đóng cho người lao động nhưng đã bắt chúng tôi phải đóng 100%.
Thứ tư: Buộc những người có liên quan phải chịu trách nhiệm về những sai phạm của họ và bồi thường những tổn thất về tinh thần, vật chất mà người lao động chúng tôi phải gánh chịu trong thời gian qua”.
Báo GD&TĐ sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.