Như tin đã đưa, hàng trăm giáo viên hợp đồng tại huyện Mỹ Đức đang kêu cứu vì có nguy cơ mất việc sau kỳ thi tuyển viên chức của TP Hà Nội sắp tới. Điều đáng nói, hàng chục năm nay, những giáo viên này chỉ được ký hợp đồng 3 tháng, không được tham gia BHXH hay hưởng thêm bất kỳ chế độ đãi ngộ nào khác.
Cô Nguyễn Thị Quy, giáo viên có 21 năm kinh nghiệm giảng dạy môn Văn tại trường THCS ĐốcTín, huyện Mỹ Đức cho biết, cô và hầu hết các giáo viên hợp đồng khác tại huyện Mỹ Đức đều không được đóng BHXH. Đến nay, mức lương cao nhất mà cô Quy được nhận 1.210.000 đồng/tháng.
Tương tự, cô Nguyễn Thị Phương Anh, trường Tiểu học Hợp Tiến B, cũng chỉ được ký hợp đồng 3 tháng suốt 11 năm, kể từ khi về địa phương công tác.
Hàng trăm giáo viên hợp đồng huyện Mỹ Đức chỉ được ký hợp đồng 3 tháng, không có BHXH trong nhiều năm liền. |
“Nhiều huyện thị khác của Hà Nội, giáo viên đã được ký hợp đồng dài hạn, hoặc chí ít cũng là hợp đồng năm 1, nhưng riêng huyện Mỹ Đức, giáo viên chúng tôi chỉ được ký bản hợp đồng 3 tháng. Hết hợp đồng, huyện sẽ tự động gia hạn. Từ năm 2008 đến nay, tôi mới được cầm tờ quyết định duy nhất 1 lần”, chị Phương Anh cho biết.
Cũng theo các giáo viên hợp đồng huyện Mỹ Đức, ngoài mức lương tối thiểu, thì họ không được nhận thêm bất kỳ khoản trợ cấp, hay chế độ đãi ngộ nào khác, không được đóng BHXH. Nếu muốn tham gia BHYT hay bảo hiểm thân thể, nhiều giáo viên đều phải tự bỏ tiền túi ra mua.
Trao đổi với VOV.VN về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cho biết, hiện nay huyện có khoảng hơn 300 giáo viên hợp đồng. Trong 5 năm qua, chưa hề có kỳ thi tuyển viên chức giáo dục nào, nên mới xảy ra tình trạng thừa giáo viên. Vì có những giáo viên về hưu, nghỉ ốm, nghỉ sinh con, nên huyện buộc phải ký thêm giáo viên hợp đồng.
Ông Hậu cho rằng, đây hoàn toàn là những giáo viên có nguyện vọng xin vào hợp đồng: “Khi huyện có thể bố trí được thì ký với giáo viên. Nhưng đến nay không còn điều kiện tiếp tục nữa thì phải chấm dứt”.
Về vấn đề hàng chục năm nay, hàng trăm giáo viên chỉ được ký hợp đồng thời vụ 3 tháng, ông Hậu cho hay: “Hiện nay, chúng tôi đã ủy quyền cho các hiệu trưởng ký hợp đồng với các giáo viên. Có thể kế toán làm hợp đồng 3 tháng, 1 tháng hay hợp đồng theo giờ, theo tiết thì chúng tôi chưa rõ. Nhưng chủ trương của huyện là không thể tuyển giáo viên vào rồi đóng BHXH, như vậy sẽ rất khó, ngân sách không đủ để đóng. Hơn nữa khi không đỗ viên chức, thì cũng rất khó giải quyết. Vấn đề này kế toán các trường phải giải quyết. Tới đây chúng tôi hướng đến tuyển cả những giáo viên đã nghỉ hưu nhưng có năng lực, sức khỏe, mời ra để ký hợp đồng theo tiết dạy”, ông Hậu cho biết.
Trước câu hỏi của phóng viên rằng, huyện có đang “cố tình” phạm luật khi Luật Lao động đã quy định rõ, nhưng vẫn chỉ ký hợp đồng 3 tháng, ông Hậu khẳng định: “Chúng tôi không lách luật, nhưng ngân sách đâu ra để đóng bảo hiểm. Người ta cho phép ký như thế. Chủ trương hiện nay là nhà trường tự ký, tự chủ về tài chính, chúng tôi đã giao lại các trường”.
Để tìm hiểu về vấn đề này, phóng viên VOV.VN đã có cuộc trao đổi với ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Theo ông Lê Đình Quảng, Luật Lao động 2012 quy định rõ có 3 loại hợp đồng, gồm hợp đồng thời vụ có thời hạn dưới 12 tháng, hợp đồng có thời hạn từ 12-36 tháng, hợp đồng không xác định thời hạn. Luật Lao động cũng quy định, hợp đồng thời vụ không áp dụng cho những công việc mang tính liên tục trong thời gian dài.
“Về nguyên tắc ký hợp đồng, nếu như lần 1 người lao động được ký hợp đồng thời vụ có thời hạn dưới 12 tháng, đến lần 2, vẫn có thể ký hợp đồng có thời hạn, nhưng đến lần thứ 3 thì buộc phải ký hợp đồng không xác định thời hạn. Luật Lao động đã quy định rõ và đến nay vẫn áp dụng như vậy. Nếu huyện Mỹ Đức ký hợp đồng 3 tháng 1 cho người lao động trong thời gian hàng chục năm như báo chí phản ánh thì rõ ràng đang vi phạm luật lao động. Công việc dạy học mang tính ổn định, liên tục, không thể ký hàng chục năm loại hợp đồng thời vụ 3 tháng”, ông Quảng chỉ rõ,
Cũng theo ông Lê Đình Quảng, trước 1/1/2018, Luật BHXH quy định, người lao động ký hợp đồng lao động có thời hạn từ 3 tháng trở lên được tham gia đóng BHXH bắt buộc theo quy định của pháp luật.
Từ ngày 1/1/2018, khi Luật BHXH 2014 được thông qua và đưa vào áp dụng, người lao động có hợp đồng lao động từ 1-dưới 3 tháng được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ.
“Đến giờ đã là năm 2019, nhưng nếu các giáo viên này vẫn chưa được tham gia BHXH thì hoàn toàn sai luật. Tôi cho rằng, càng là cơ quan nhà nước thì càng phải tôn trọng pháp luật để làm gương cho công dân”, ông Quảng khẳng định.
Phó ban quan hệ lao động, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng Hà Nội cần có những chính sách bảo vệ quyền lợi của người lao động, tránh việc chấm dứt hợp đồng hàng loạt sau kỳ thi tuyển viên chức.
Trước đó, hàng trăm giáo viên hợp đồng huyện Mỹ Đức đã đồng loạt có đơn kêu cứu gửi tới các cơ quan chức năng, báo chí, phản ánh về việc có nguy cơ bị chấm dứt hợp đồng sau kỳ thi tuyển viên chức của TP Hà Nội. Đáng chú ý, các giáo viên này có hàng chục năm cống hiến cho ngành giáo dục, nhưng đến nay vẫn chỉ được ký hợp đồng 3 tháng, không được đóng BHXH cũng như hưởng bất kỳ chế độ đãi ngộ nào khác. Để trang trải cuộc sống, nhiều giáo viên phải bươn chải bằng những công việc làm thuê, bán hàng qua mạng...