Nhân tố quyết định sự thành công của đổi mới giáo dục phổ thông

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên có vai trò quan trọng trong đổi mới giáo dục phổ thông, là lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ này. Mặt khác, họ cũng chính là nhân tố quyết định sự thành công của đổi mới giáo dục phổ thông. Do đó, họ cần được đào tạo, bồi dưỡng một cách bài bản, thiết thực và hiệu quả.  

Nhân tố quyết định sự thành công của đổi mới giáo dục phổ thông

Đổi mới công tác bồi dưỡng

Theo TS Trần Quốc Tuấn – Trường Đại học Quy Nhơn, thực tế trong thời gian qua, các trường, khoa sư phạm và Học viện Quản lý Giáo dục đã góp phần đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm và năng lực quản lý nhà trường cho đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.

Tuy nhiên, phần bồi dưỡng thường xuyên theo chu kỳ hay bồi dưỡng theo dự án vẫn còn mang nặng lý thuyết, ít chú ý đến năng lực vận dụng vào hoạt động thực tiễn. Nhiều cơ sở giáo dục thường bồi dưỡng cái mình có, chưa chú ý đến cái mà cán bộ quản lý, giáo viên cần. Vì vậy, đổi mới công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục nói chung, cán bộ quản lý giáo dục phổ thông là yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay.

TS Trần Quốc Tuấn - cho rằng, đổi mới công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông nhằm khắc phục mặt tiêu cực, phát huy mặt tích cực trong mỗi con người, bù đắp những thiếu hụt, khiếm khuyết của mỗi cá nhân trong quá trình hoạt động.

Qua trình bồi dưỡng là quá trình tạo ra chất mới và sự phát triển toàn diện trong mỗi con người. Phẩm chất, trình độ, năng lực của cán bộ quản lý không chỉ được rèn luyện trong thực tiễn mà còn kết hợp với việc thường xuyên được cung cấp, bồi dưỡng tri thức và phương pháp làm việc, phương pháp quản lý.

Bàn về vấn đề này, TS Hoàng Thị Hạnh – Giám đốc Trung tâm Nghiệp vụ Sư phạm (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2) – đề xuất: Hiện nay, cũng như toàn bộ nền giáo dục đang đổi mới căn bản toàn diện, các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo cũng cần chuyển từ việc chủ yếu trang bị kến thức, kỹ năng cho người học sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; chuyển từ hướng tiếp cận kiến thức và nghiệp vụ sư phạm sang định hướng phát triển năng lực giáo dục. Từ đó xây dựng chuẩn đầu ra trong đào tạo và chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo chuẩn. Chuẩn đầu ra của các cơ sở đào tạo giáo viên phải tối thiểu ở mức 1 (mức đạt) của chuẩn nghề nghiệp.

Theo TS Hoàng Thị Hạnh, công tác bồi dưỡng chỉ có thể xuất phát từ yêu cầu của người học; Chuẩn sẽ giúp giáo viên, cán bộ quản lý có căn cứ để soi chiếu, tự nhìn nhận, đánh giá bản thân, phát hiện những điểm mạnh cần phát huy nâng cao, điểm yếu cần bồi dưỡng, để từ đó xây dựng kế hoạch rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng nguyện vọng phát triển năng lực nghề nghiệp của bản thân và yêu cầu nhiệm vụ được phân công. Chuẩn có các mức khác nhau: Đạt, khá, và xuất sắc chính là căn cứ, định hướng cho các nhân phấn đấu thăng tiến trong phát triển năng lực nghề nghiệp.

“Trong công tác quản lý, Chuẩn là công cụ trong việc đánh giá năng lực giáo viên và cán bộ quản lý một cách khách quan, khoa học và toàn diện. Từ kết quả có được về năng lực đội ngũ, các cấp quản lý định ra chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đúng đắn trong tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu mới”- TS Hoàng Thị Hạnh trao đổi.

Giải quyết các khó khăn cho đội ngũ giáo viên

Ở một góc nhìn khác, GS.TS Đinh Quang Báo – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đề xuất các giải pháp chính giải quyết các khó khăn cho đội ngũ giáo viên. Theo đó, giáo viên phải được đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng sao cho họ vừa có tri thức đủ rộng, vừa có năng lực dạy học một môn học, chuyên đề ở mức cao hơn, sâu hơn, gắn cụ thể hơn với lĩnh vực một lĩnh vực ngành nghề. Đó là giải pháp lâu dài, bền vững mà trước hết phải đổi mới chương trình đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm.

Tiếp đó cần bồi dưỡng đội ngũ giáo viên hiện có để có giáo viên cốt cán chuyên sâu về từng môn học, chuyên đề tự chọn định hướng nghề nghiệp. Khi mỗi trường chưa đủ, có thể tổ chức đội ngũ giáo viên chuyên sâu này theo cụm trường để thỉnh giảng chéo giữa các trường, kể cả việc mời người dạy từ các cơ sở dạy nghề, các trường cao đẳng, đại học, cũng có thể ghép nhóm học sinh có cùng lựa chọn ở các trường THPT trong cùng địa bàn.

“Ngoài ra, nhà trường cần khảo sát nhu cầu nhân lực, ngành nghề xã hội, cộng đồng địa phương để có thông tin về khả năng lựa chọn môn học của học sinh. Kết quả khảo sát là cơ sở để nhà trường chuẩn bị nguồn lực, trong đó có việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên để phân công dạy” - GS.TS Đinh Quang Báo trao đổi.

Bên cạnh đó, theo GS.TS Đinh Quang Báo, cần xây dựng kế hoạch liên kết với các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp để liên thông sử dụng nguồn lực. Các cơ sở đào tạo giáo viên cần thiết kế chương trình sao cho sinh viên vừa được đào tạo để dạy học các môn học tích hợp các khoa học, vừa được lựa chọn để được đào tạo chuyên sâu các môn học, chuyên đề tự chọn. Cùng với đó, các địa phương cần thường xuyên bồi dưỡng cập nhật chuyên môn sâu các môn học, chuyên đề tự chọn, và coi đây là nội dung của phát triển chương trình nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ