Nhân tố giúp Covid-19 “trôi nổi” trong không khí

GD&TĐ - Mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế - GS.TS Nguyễn Thanh Long đã chỉ đạo Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương tiến hành giải trình tự gen các mẫu do địa phương gửi về ở những bệnh nhân mắc Covid-19.

Biến thể Ấn Độ có khả năng lây nhanh, nhưng không khiến bệnh nặng hơn. Ảnh: Bộ Y tế cung cấp.
Biến thể Ấn Độ có khả năng lây nhanh, nhưng không khiến bệnh nặng hơn. Ảnh: Bộ Y tế cung cấp.

Kết quả giải trình tự gen các mẫu sáng 19/5 cho thấy, có 29 mẫu là biến thể B.1.617.2, thuộc biến chủng lần đầu tiên được tìm thấy ở Ấn Độ. Trong đó, có 10 mẫu tại Hà Nội, Bệnh viện K là 5, Bắc Giang 9, Bắc Ninh 2, Vĩnh Phúc 2 và Hải Phòng 1. Ngoài ra, tại Hải Dương có 2 mẫu là biến thể B.1.1.7 từng được phát hiện tại Anh.

Theo lãnh đạo ngành Y tế, hiện nay, hầu hết các địa phương, đơn vị đã kiểm soát được tình hình dịch. Tuy nhiên, hai địa phương cần tiếp tục kiểm soát sớm tình hình là Bắc Giang và Bắc Ninh.

Trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đánh giá, dịch lần này phức tạp hơn các đợt trước, có đa ổ dịch, đa nguồn lây, đa chủng (biến thể của Anh và Ấn Độ). Do đó, tốc độ lây nhiễm cao hơn so với các đợt dịch trước. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam bất ngờ căng thẳng trở lại.

Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo chống dịch quốc gia ngày 10/5, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, nhận định, biến chủng Ấn Độ lây rất nhanh trong không khí, đặc biệt ở môi trường kín.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, biến chủng virus từ Anh lây lan nhanh gấp 170% (1,7 lần), nhưng biến chủng Ấn Độ còn nhanh hơn. Thực tế cho thấy, trong đợt dịch này, những trường hợp tiếp xúc trong không khí, đặc biệt là môi trường kín, lây nhiễm rất nhanh.

Chia sẻ về nhiều thông tin cho rằng, biến thể mới tại Ấn Độ của SARS-CoV-2 lây qua đường không khí, bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), cho biết: “Bất kỳ loại virus hô hấp nào cũng có thể lây qua đường không khí. Không khí trong phòng kín tồn tại lâu hơn bình thường. Phòng kín quá khiến virus lơ lửng và không rơi xuống đất”.

Theo bác sĩ Khanh, trong môi trường kín, virus nào cũng sẽ như vậy. Trong đó, virus sởi và cúm thậm chí còn nguy hiểm hơn. Trong không gian kín, virus sẽ ở trong đó lâu hơn bình thường. Bản chất của virus hô hấp là có thể tồn tại trong không khí một thời gian nhất định.

Do vậy, không chỉ SARS-CoV-2, bất kỳ loại virus nào cũng có thể lây theo cách này. Bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh, bởi những lý do này, điều quan trọng là cần giữ không gian thông thoáng, đeo khẩu trang, rửa tay và giữ khoảng cách.

“Covid-19 có tồn tại trong phòng kín cỡ nào cũng sợ thông thoáng và ánh nắng”, chuyên gia cho biết.

Theo bác sĩ Trần Văn Phúc – Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), SARS-CoV-2 có thể bùng phát thành các ổ dịch lớn trong trường hợp: Không gian khép kín ít trao đổi khí; Nhiệt độ thấp, khô và sử dụng máy lạnh; Mật độ người quá đông.

Cũng theo bác sĩ Trần Văn Phúc, đối với các bãi biển và hoạt động ngoài trời, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 là rất thấp. Trong khi đó, những nơi có nguy cơ lây nhiễm rất cao bao gồm quán bar, karaoke, vũ trường, nhà hàng, khu vực có điều hòa.

Bên cạnh đó, các phương tiện vận chuyển công cộng như xe buýt, tàu hỏa, máy bay cũng có nguy cơ cao lây nhiễm Covid-19.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ