Giáo dục địa phương không còn là vấn đề mới trong GDPT bởi Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo thực hiện từ năm học 2008 - 2009 với những hướng dẫn cụ thể về biên soạn tài liệu, nội dung, phương pháp, kiểm tra đánh giá và sử dụng kết quả để đánh giá, xếp loại học sinh.
Mỗi sở GD&ĐT có một cách xây dựng nội dung và tài liệu văn hóa giáo dục địa phương riêng để thực hiện Chương trình GDPT 2006. Có điều, nội dung chỉ mang tính chất bổ trợ cho chương trình chính khóa, không bắt buộc phải thực hiện đối với các địa phương chưa chuẩn bị được các điều kiện triển khai. Các tài liệu được xây dựng cũng chưa đáp ứng được Chương trình GDPT 2018.
Khi triển khai Chương trình GDPT 2018, nội dung giáo dục địa phương trở thành một trong những môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc. Với tiểu học, nội dung giáo dục địa phương không quy định cụ thể về thời lượng mà được tích hợp, lồng ghép trong hoạt động trải nghiệm. Cấp THCS và THPT, nội dung giáo dục của địa phương có vị trí tương đương các môn học khác với thời lượng 35 tiết/năm học cho tất cả các lớp từ 6 đến 12.
Triển khai thực tế nội dung giáo dục địa phương ở trung học (2 năm với THCS, 1 năm với THPT) không thể phủ nhận những khó khăn gặp phải. Trong đó nổi cộm là vấn đề tài liệu vì vướng mắc trong khâu in ấn, phát hành, kê khai giá ở một số địa phương…
Do đó, không ít trường đến nay vẫn dùng giải pháp tình thế là sử dụng tài liệu PDF, giáo viên lên mạng tải về và soạn giáo án… Có nơi sách ban hành muộn nên đến học kỳ II nhà trường mới triển khai được nội dung dạy học này. Một khó khăn khác liên quan đến phân công đội ngũ, triển khai dạy học, kiểm tra đánh giá vì nhiều giáo viên khác chuyên môn cùng tham gia giảng dạy…
Mặc dù có khó khăn, nhưng nhiều ý kiến khẳng định sự cần thiết đưa nội dung giáo dục địa phương thành bắt buộc nhằm trang bị cho học sinh hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học, góp phần giải quyết những vấn đề của quê hương.
Những vướng mắc ban đầu khó tránh khỏi, nhưng dần dần sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, sự quan tâm, nhận thức đúng vai trò của nội dung này vô cùng quan trọng để triển khai dạy học hiệu quả. Một số giải pháp có thể tính đến như mỗi địa phương nhanh chóng có đánh giá thực trạng triển khai trong thời gian qua, từ đó nhận rõ ưu, khuyết điểm để kịp thời có giải pháp. Quan tâm các điều kiện bảo đảm, đặc biệt về nhân lực, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, tài liệu dạy học.
Điều kiện con người cũng cần sớm bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ dạy học giáo dục địa phương. Về tài liệu, địa phương trước mắt tiếp tục sử dụng ngân sách Nhà nước để in ấn trang bị vào thư viện của trường để dùng chung, tổ chức cho học sinh mượn và trả lại khi kết thúc năm học...
Đồng thời, phối kết hợp với các bộ, ban, ngành hoàn thiện hệ thống văn bản phục vụ cho công tác tổ chức biên soạn, thẩm định, in ấn, phát hành tài liệu nội dung giáo dục địa phương phù hợp với thực tiễn, đảm bảo theo quy định của pháp luật. Đề nghị Quốc hội giao Chính phủ có cơ chế đặc thù trong việc liên quan đến vấn đề bản quyền, in ấn, giá theo Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Xuất bản và Luật Giá đối với tài liệu Nội dung giáo dục địa phương.