Hoạt động trải nghiệm:

Nhận thức đúng, thực hiện đúng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trước hết cần nhận thức đúng về hoạt động trải nghiệm; cùng với đó là tổ chức thực hiện đúng.

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Để triển khai Hoạt động trải nghiệm (cấp tiểu học) và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (cấp THCS, THPT) hiệu quả, trước hết cần nhận thức đúng về hoạt động này; cùng với đó là tổ chức thực hiện đúng.

1. PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa - Chủ biên chương trình Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp: Không phải đưa học sinh ra ngoài mới là trải nghiệm

PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa.

PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa.

Nhiều người đang quan niệm, hoạt động trải nghiệm là phải đưa học sinh (HS) ra bên ngoài, nhưng không phải vậy. Hoạt động trải nghiệm chính là thực hiện trong bất kỳ không gian nào, quan trọng là nội dung trải nghiệm.

Trong Chương trình GDPT 2018, nội dung trải nghiệm hướng tới hình thành kỹ năng cho HS; việc đưa HS đến nơi này, nơi khác chỉ là thỉnh thoảng, mà đã “thỉnh thoảng” thì không bao giờ tạo nên kỹ năng cả. Phải có phương thức để tổ chức thường xuyên trong điều kiện khả thi của nhà trường. Do đó, trong Chương trình GDPT 2018, Hoạt động trải nghiệm (cấp tiểu học) và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (cấp THCS, THPT) được xây dựng, thiết kế tổ chức các hoạt động trong không gian của nhà trường là chủ yếu để hình thành các kỹ năng cho HS.

Có như vậy mới mang tính khả thi và bảo đảm tính thường xuyên. Cụ thể, Chương trình quy định Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được tổ chức trong và ngoài lớp học, trong và ngoài trường học; theo quy mô nhóm, lớp học, khối lớp hoặc quy mô trường. Bốn loại hình hoạt động chủ yếu là Sinh hoạt dưới cờ, Sinh hoạt lớp, Hoạt động giáo dục theo chủ đề và Hoạt động câu lạc bộ.

Với cách tiếp cận như vậy, thì một khó khăn khác là: Liệu giáo viên (GV) có đủ kỹ năng để tổ chức hoạt động hay không? Thêm nữa, khi tổ chức hoạt động đòi hỏi nhiều năng lượng, sự hoạt náo… và không phải thầy cô nào cũng có phong cách đó. Ngoài ra, nhân lực tại các nhà trường hiện chưa đồng đều; Chương trình GDPT 2018 ở THPT HS được lựa chọn môn học, nên có một lực lượng GV dôi dư được huy động thực hiện Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Khi GV không đủ đam mê với việc thực hiện các hoạt động này thì người chịu thiệt thòi sẽ là HS. Do đó, tập huấn, nâng cao nhận thức cho thầy cô là vô cùng cần thiết.

Để thực hiện hiệu quả Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, điều không thể thiếu là phải bảo đảm “giờ nào việc nấy”. Không nên dồn các tiết vào một lần tổ chức để bảo đảm việc tổ chức thực hiện là thường xuyên, đều đặn, “mưa dầm, thấm lâu”. Chương trình đã quy định rõ hoạt động này có thời lượng 3 tiết/tuần, cần bảo đảm quy định này và lưu ý thực hiện đúng như sách GV đã hướng dẫn.

2. PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, giảng viên cao cấp Trường ĐHSP Hà Nội: Cần xác định con đường và lộ trình lâu dài

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng.

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng.

Để tổ chức được hoạt động trải nghiệm hiệu quả, người dạy học, quản lý giáo dục phải hiểu đúng thế nào là hoạt động trải nghiệm; cùng với đó, có phương án tổ chức, cách thức trải nghiệm và bảo đảm các điều kiện đi kèm. Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Hoạt động trải nghiệm (cấp tiểu học) và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (cấp THCS, THPT) là hoạt động giáo dục bắt buộc được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12; nếu không được chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ khó có thể triển khai hiệu quả.

Quan niệm đúng về hoạt động trải nghiệm cần nhấn mạnh là học đi đôi với hành; kết nối tri thức với cuộc sống; ứng dụng, vận dụng, từ tri thức đến việc tổ chức sản phẩm học tập. Quan niệm trải nghiệm hiện đang đơn giản và hình thức. Trải nghiệm là HS được làm qua thực tế, được thực hành. Không chỉ là quan sát, nhìn, làm theo, bắt chước mà còn phải là trải nghiệm về hiểu biết, cảm xúc về chiêm nghiệm.

Ví dụ: Học Địa lý, học về cây cao su không nhất thiết phải đưa HS đến tận nơi xem cây cao su. Khi địa phương không có thì mình trải nghiệm bằng chính vật liệu, cây cối tại địa phương để HS tự tay trồng, chăm sóc, gặt hái, hiểu được ý nghĩa của nó. Trải nghiệm không phải là đi làm người nông dân, kỹ sư… như trong văn bản mô tả mà phải cảm nhận được giá trị sâu sắc của hoạt động đó. Hiện nay, nhiều người vẫn quan niệm là HS phải đi đến tận nơi, đóng vai nhân vật được mô tả như trong văn bản.

Trải nghiệm không có nghĩa là chỉ làm theo và bắt chước mà phải có quá trình lâu dài. Người đi trải nghiệm không phải chỉ quan sát thoáng qua mà phải thực sự hiểu ý nghĩa của nó. Không chỉ trải nghiệm với tư cách là người đọc văn bản mà cần trải nghiệm như một nhà văn, nhà sử học. Nếu mình là nhà sử học thì mình sẽ viết như thế nào? Nếu mình là nhà văn mình sẽ viết như thế nào? Trải nghiệm là HS phải cảm nhận được, thấu hiểu được.

Để tổ chức hiệu quả hoạt động trải nghiệm, cần chuẩn bị các điều kiện (cơ sở vật chất, GV…) để đáp ứng. Trải nghiệm có 2 hình thức là trong lớp học và trải nghiệm ngoài lớp học. Trong lớp học, ta có thể đặt ra các tình huống giả tưởng, giáo dục về giá trị; ngoài lớp học cần chuẩn bị đầy đủ các phương án, cơ sở vật chất, trang thiết bị đầy đủ để HS trải nghiệm.

3. Thầy Lâm Nhựt Nam - Phó Hiệu trưởng, Trường THPT Trần Đại Nghĩa, Cần Thơ: Tạo môi trường cho HS thể hiện tốt nhất bản thân

Thầy Lâm Nhựt Nam (ngoài cùng bên trái) hướng dẫn HS trải nghiệm nghề nghiệp tại Trường Đại học Võ Trường Toản, Hậu Giang.

Thầy Lâm Nhựt Nam (ngoài cùng bên trái) hướng dẫn HS trải nghiệm nghề nghiệp tại Trường Đại học Võ Trường Toản, Hậu Giang.

Năm học 2022 - 2023 đầu tiên thực hiện Chương trình GDPT năm 2018 đối với lớp 10. Trong quá trình thực hiện có nhiều khó khăn và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là một trong số đó. Cụ thể, thời lượng Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là 105 tiết/năm học (3 tiết/tuần), nhà trường phân công cho GV chủ nhiệm lớp giảng dạy 1 tiết/tuần với nội dung sinh hoạt lớp; 1 GV phụ trách giảng dạy 2 tiết/tuần với nội dung hoạt động theo chủ đề, sinh hoạt dưới cờ được xếp thời khóa biểu chính khóa. Tuy nhiên, không phải GV nào cũng có kinh nghiệm, kỹ năng tổ chức các hoạt động trải nghiệm. Vì vậy, thời gian đầu thực hiện có thể lúng túng và hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, sự tham gia, hưởng ứng của HS cũng tác động đến hiệu quả môn học khi một số em tỏ ra tích cực, nhưng số khác thì thụ động. Kinh phí tổ chức các hoạt động còn hạn hẹp. Tính liên kết và chất lượng hoạt động ở các khối lớp không đồng đều.

Để tổ chức hoạt động trải nghiệm hiệu quả, rất cần sự quan tâm, định hướng, tạo điều kiện của lãnh đạo nhà trường. GV phụ trách cần có kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm để triển khai hiệu quả các hoạt động. Đồng thời, cần đổi mới, đa dạng hóa hình thức tổ chức nhằm thu hút đông đảo HS tham gia. Thiết kế, xây dựng nội dung mới lạ, hấp dẫn, phù hợp với tâm lý lứa tuổi, đặc điểm nhà trường. Sự cộng tác, hỗ trợ của các lực lượng trong nhà trường (Ban Đại diện cha mẹ HS, Đoàn Thanh niên, Công đoàn, GV phụ trách công tác tư vấn tâm lý, công tác xã hội trường học,…) là không thể thiếu; cùng với đó là huy động kinh phí từ nhiều nguồn.

Từ thực tế triển khai, để Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp hiệu quả, tôi cho rằng phải tiến hành tập huấn công tác tổ chức cho GV. Xây dựng kế hoạch rõ ràng, cụ thể, phân nhiệm khoa học, khả thi, định hướng được yêu cầu, giá trị cần đạt sau hoạt động. Thiết kế nội dung hấp dẫn, phù hợp nhu cầu, năng lực, sở thích,… của HS. Định hướng, chỉ dẫn rõ ràng về yêu cầu cần đạt cho HS khi tham gia các hoạt động trải nghiệm. Tổ chức hoạt động giao lưu, chủ động học tập kinh nghiệm ở đơn vị bạn. Cuối cùng, tạo được môi trường năng động, sáng tạo, dân chủ cho HS thể hiện được bản thân mình một cách tốt nhất.

4. Cô Nguyễn Thị Nhung, Phó Hiệu trưởng Trường THCS và THPT M.V. Lômônôxốp: Cần sự phối hợp thống nhất, đồng bộ

Cô Nguyễn Thị Nhung.

Cô Nguyễn Thị Nhung.

Những năm học trước, Trường THCS và THPT Lômônôxốp thường xuyên tổ chức các hoạt động trải nghiệm trong và ngoài nhà trường, giúp HS gắn kiến thức với thực tiễn. Đó là những buổi sinh hoạt chủ đề, ngày hội STEM, ngày hội tư vấn hướng nghiệp, tham quan học tập tại các bảo tàng, nhà máy thủy điện, nhà máy nhiệt điện, làng nghề, khu du lịch sinh thái... Qua hoạt động trải nghiệm, HS rèn luyện các kỹ năng mềm, hiểu sâu sắc hơn về kiến thức đã học, có ý thức giữ gìn văn hóa, truyền thống dân tộc. Nội dung trải nghiệm do nhà trường xây dựng dựa trên chương trình học, điều kiện thực tế mỗi năm.

Tuy nhiên, đây là hoạt động ngoại khóa, không mang tính bắt buộc. Khi triển khai Chương trình GDPT 2018, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là nội dung giáo dục bắt buộc trong chương trình. Khi triển khai hoạt động này ở khối lớp 6, 7, 10 có một số khó khăn hạn chế. Theo đó, GV chưa được đào tạo bài bản; các khối lớp học không đồng đều nên triển khai nội dung trong tiết Chào cờ khó đồng bộ; khó khăn trong kinh phí để tổ chức hoạt động. Một số HS còn hiểu trải nghiệm là tham quan, dã ngoại nên chưa chú ý trong giờ học.

Để tổ chức hoạt động trải nghiệm hiệu quả, GV cần nhận thức đúng về bản chất, quy trình thiết kế và tổ chức hoạt động trải nghiệm và cần bồi dưỡng những năng lực thiết kế, tổ chức hoạt động trải nghiệm. Các lực lượng giáo dục trong nhà trường: Ban Giám hiệu, Đội Thiếu niên, Đoàn Thanh niên, GV chủ nhiệm, GV bộ môn cần có sự phối hợp thống nhất, đồng bộ khi tổ chức.

Kinh nghiệm cá nhân giúp tổ chức hiệu quả hoạt động trải nghiệm là tạo không khí lớp học sôi nổi hơn, HS tham gia nhiệt tình hơn, giúp GV có nhiều cảm hứng dạy. GV cần sử dụng phối hợp nhiều phương pháp giảng dạy, kỹ thuật dạy học, giao nhiệm vụ cho HS tìm hiểu, tổ chức hoạt động. Cùng với đó, tổ chức hoạt động thực tế như tham quan - dã ngoại, tập kịch...

5. Cô giáo Nguyễn Thị Thu Trà - Trường THCS Trương Công Giai (Cầu Giấy – Hà Nội): Hiểu đúng bản chất mới có thể thực hiện sáng tạo

Cô Nguyễn Thị Thu Trà và học trò trong giờ học.

Cô Nguyễn Thị Thu Trà và học trò trong giờ học.

Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp lần đầu có mặt trong Chương trình GDPT 2018. Có lẽ, thử thách lớn nhất trong năm đầu thực hiện chính là tổ chức một hoạt động giáo dục mới dưới hình thức online. Làm thế nào để thu hút 100% HS trong lớp tích cực tham gia hoạt động do thầy (cô) tổ chức? Làm thế nào để hình thành kỹ năng, năng lực, phẩm chất cho HS một cách hiệu quả khi cô trò không được tương tác trực tiếp?

Bằng trải nghiệm của bản thân, tôi đã vượt qua những lúng túng ban đầu ấy bằng cách bám sát hướng dẫn của sách GV, hiểu đúng bản chất của tổ chức hoạt động trải nghiệm, kết hợp với sự sáng tạo, chủ động về công nghệ. Thực tế cho thấy việc tổ chức hoạt động giáo dục bằng hình thức online hoàn toàn có thể tiến hành một cách giản dị mà vẫn hấp dẫn.

Để tổ chức hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp hiệu quả, GV giữ vai trò rất quan trọng. Thầy cô sẽ cần nhiều thời gian để tư duy về mục tiêu hoạt động, hình thức tổ chức, cách thức tổ chức,… Đặc biệt là cần linh hoạt sử dụng các phương pháp để vừa phù hợp với mục tiêu của hoạt động, vừa tạo hứng thú cho HS trong lớp.

Vì Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là nội dung giáo dục mới trong chương trình nên trước khi thực hiện một cách sáng tạo, tôi nghĩ cần hiểu đúng bản chất. Mỗi hoạt động mà các thầy cô thiết kế cần hướng đến tạo cơ hội cho HS tiếp cận thực tế, thể nghiệm cảm xúc tích cực, khai thác những kinh nghiệm đã có và huy động tổng hợp kiến thức, kỹ năng của các môn học để thực hiện những nhiệm vụ được giao hoặc giải quyết vấn đề của thực tiễn đời sống tại nhà trường, gia đình, xã hội phù hợp với lứa tuổi. Thông qua đó, chuyển hoá những kinh nghiệm đã trải qua thành tri thức, hiểu biết, kỹ năng mới góp phần phát huy tiềm năng sáng tạo và khả năng thích ứng với cuộc sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.