Vai trò của các “đầu tàu”
- Bộ GD&ĐT mới công bố, xin ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH. Bà có thể cho biết đâu là nội dung nổi bật, đáng chú ý trong dự thảo Nghị định này?
- Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH hướng dẫn những điều mà Quốc hội đã giao cho Chính phủ trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH. Nghị định tập trung vào những nội dung chủ yếu sau:
Thứ nhất, quy định chi tiết và rõ ràng hơn về hệ thống các cơ sở GDĐH, bao gồm: ĐH, trường ĐH, học viện và một số cơ cấu tổ chức bộ máy cụ thể của ĐH, trường ĐH, học viện.
Thứ hai, nâng cao vị trí, vai trò của Hội đồng trường trong cơ chế quản trị đại học, làm rõ mối quan hệ giữa Hội đồng trường với Ban giám hiệu nhằm thực hiện quyền tự chủ ĐH và trách nhiệm giải trình một cách hiệu quả, theo thông lệ quốc tế.
Thứ ba, quy định rành mạch hơn về chương trình đào tạo, văn bằng và những vấn đề liên quan đến bảo đảm chất lượng.
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH ghi rõ: Chính phủ quy định chi tiết việc chuyển trường ĐH thành ĐH, liên kết các trường ĐH thành ĐH. Dự thảo Nghị định thể hiện nội dung này như thế nào, thưa bà?
- Một trong những nhiệm vụ Quốc hội giao Chính phủ hướng dẫn là tạo cơ chế pháp lý để hình thành các ĐH lớn ở Việt Nam, đủ sức thúc đẩy đào tạo nhân lực trình độ cao như một khâu đột phá chiến lược mà Nghị quyết Đại hội Đảng đã nêu ra.
Theo Luật và được hướng dẫn chi tiết tại dự thảo Nghị định, có 2 con đường để hình thành nên các ĐH:
Thứ nhất, những trường ĐH có thể phát triển thành ĐH nếu đáp ứng được các điều kiện sau: i) phải đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, ii) đã thành lập 5 trường (tạm gọi là trường chuyên ngành) - là những trường phụ trách các lĩnh vực đào tạo khác nhau, trong đó mỗi trường phải có ít nhất 3 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ.
Thứ hai, những trường ĐH trên cùng địa bàn; hoặc cùng một ngành nghề, lĩnh vực đào tạo (hoặc những ngành nghề, lĩnh vực đào tạo có thể bổ sung cho nhau để đào tạo và nghiên cứu liên ngành) có thể tự nguyện liên kết với nhau để thành lập một ĐH. Khi đó, cơ sở vật chất, nguồn lực dùng chung, đội ngũ giảng viên, kinh nghiệm đào tạo, nghiên cứu sẽ được cộng lực để phát triển.
Những ĐH đã thành lập, sẽ thành lập này sẽ góp sức thành “đầu tàu” kéo cả hệ thống phát triển và có điều kiện cạnh tranh với các trường trong khu vực. Đó cũng là một trong các mục tiêu của lần sửa Luật, cũng như Nghị định hướng dẫn lần này.
TS Nguyễn Thị Kim Phụng |
Nhân rộng tự chủ ra toàn hệ thống
- Tư tưởng lớn nhất để sửa Luật GDĐH lần này là mở rộng và phát huy, nâng cao hiệu quả của tự chủ ĐH trong toàn hệ thống. Dự thảo Nghị định đã có những quy định cụ thể, chi tiết như thế nào để tự chủ ĐH có thể thực sự đi vào cuộc sống?
- Mở rộng phạm vi và phát huy, nâng cao hiệu quả của tự chủ ĐH trong toàn hệ thống đúng là tư tưởng lớn nhất để sửa Luật GDĐH lần này. Điều đó được rút kinh nghiệm trong 3 năm thí điểm thực hiện tự chủ với 23 trường ĐH theo Nghị quyết số 77/NQ-CP của Chính phủ; cũng như kinh nghiệm tự chủ của các ĐH lớn như ĐHQG, ĐH vùng trong những năm qua. Trên cơ sở đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH nhân rộng tự chủ ra toàn hệ thống.
Để thực hiện tự chủ ĐH, một trong những điều kiện là phải kiện toàn Hội đồng trường, làm sao Hội đồng trường trở thành hội đồng quyền lực thực sự, có thể tiếp nhận quyền tự chủ do Nhà nước giao phó và thực hiện hiệu quả ở trong các cơ sở GDĐH. Vì vậy, chế định Hội đồng trường là một trong những chế định quan trọng, không chỉ ở Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH mà còn được hướng dẫn khá chi tiết trong dự thảo Nghị định lần này.
Hội đồng trường theo Luật sửa đổi cũng như theo dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH có thay đổi so với trước, cụ thể:
Thành phần của Hội đồng trường sẽ ngày càng có nhiều thành phần bên ngoài trường, đến từ đội ngũ ưu tú của xã hội, như các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà giáo dục, những người hoạt động xã hội. Với thành phần đa dạng như vậy, các quyết định của Hội đồng trường sẽ khách quan hơn trên cơ sở nhắm trúng và đúng những gì xã hội cần chứ không phải chỉ là cái mà trường có.
Vai trò, quyền hạn, nhiệm vụ của Hội đồng trường cũng sẽ khác. Hội đồng trường là nơi tiếp nhận quyền tự chủ và có quyền quyết định về sứ mạng, mục tiêu, định hướng phát triển, cơ cấu tổ chức hoạt động cũng như nguồn lực tài chính của trường.
Quyền, trách nhiệm khá lớn của Hội đồng trường được thể hiện trong Điều 16, 17, 18 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH và được cụ thể hóa ở Nghị định này (để thành lập được Hội đồng trường thì thủ tục thế nào; thành phần cụ thể ra sao…). Đặc biệt, Hội đồng trường giống như cơ quan quyền lực của trường đó, được đặt ra quy chế tổ chức hoạt động, quy chế tài chính, quy chế dân chủ cơ sở, ban hành các văn bản cốt yếu và quan trọng nhất của nhà trường.
Hội đồng trường cũng được quyết định cơ cấu tổ chức bộ máy của nhà trường; đặc biệt là vị trí nòng cốt như hiệu trưởng. Trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH cũng như trong dự thảo Nghị định; đồng thời có quy định rõ hơn về quan hệ giữa Hội đồng trường và hiệu trưởng; quan hệ giữa các quy định của pháp luật Nhà nước với quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường. Bên cạnh đó, khi có quyền thì đồng thời với đó là trách nhiệm giải trình: Giải trình về việc thực hiện quyền, về hiệu quả hoạt động, về mức độ phát triển của nhà trường…
Ảnh minh họa |
- Luật quy định thành viên ngoài nhà trường trong Hội đồng trường tối thiểu là 30%, vậy con số tối đa là thế nào?
- Con số tối đa thành viên ngoài nhà trường trong Hội đồng trường sẽ được quy định tại Quy chế tổ chức hoạt động của nhà trường. Con số này cũng tùy theo lĩnh vực, theo khả năng, độ ảnh hưởng của nhà trường có thu hút được những thành phần ưu tú của xã hội vào để chung tay phát triển nhà trường hay không.
30% thành viên ngoài nhà trường trong Hội đồng trường là tỷ lệ khả thi trong điều kiện của Việt Nam hiện nay (Luật GDĐH năm 2012 quy định con số này là 20%). Ở các nước phát triển, hiện quy định tỷ lệ này khoảng 50 - 60%. Tuy nhiên, với điều kiện cụ thể của Việt Nam, quy định 50 - 60% thành viên ngoài nhà trường trong Hội đồng trường là chưa phù hợp.
Mặc dù vậy, cũng nên ngày càng tiệm cận với xu hướng thành phần bên ngoài trường trong Hội đồng trường ngày càng cao hơn; đến lúc nào đó cũng phải tương đồng với các nước phát triển để nhà trường có khả năng đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của xã hội.
- Xin cảm ơn bà!