Cô Vương Ngọc Hiệp và học trò. Ảnh: NVCC |
Cùng chung ước mơ làm cô giáo, hay đơn giản là niềm tự hào của mẹ… và rồi, khi trở thành hiện thực, những nhà giáo nơi miền núi cao dù gặp nhiều khó khăn vẫn ngày đêm miệt mài cống hiến với hành trình mở lối cho tương lai học trò.
Ước mơ 8 tuổi!
Cô Nguyễn Thị Thu Hương (sinh năm 1982) - Trường THCS Tông Lạnh (Thuận Châu, Sơn La) từng ước mơ làm cô giáo với lý do rất đỗi giản dị. Lúc còn nhỏ, gia đình cô ở cạnh một trường mẫu giáo. Gọi là trường nhưng chỉ có 2 lớp học nhỏ, một dành cho nhóm nhà trẻ và lớp kia dành cho nhóm lớn hơn khoảng 4 - 6 tuổi. Hàng ngày, được xem các em học chữ, múa hát vui vẻ khiến một đứa bé 8 tuổi như cô Hương lúc bấy giờ khát khao mãnh liệt rằng lớn lên mình sẽ làm cô giáo và chắc chắn phải làm cô giáo!
Theo đuổi ước mơ và ước mơ đó thành hiện thực khi năm 2000 cô Hương thi đỗ vào khoa Ngữ văn - Lịch sử Trường Cao đẳng Sư phạm Sơn La. Ra trường, với sức trẻ của tuổi đôi mươi, cô xung phong nhận công tác tại một trường thuộc xã vùng III - Trường THCS Bản Lầm (Thuận Châu).
Ngày đó, cả xã chưa có điện, đường đất thì trơn trượt lầy lội, có đoạn dốc đá cheo leo, từ nhà tới trường phải đi bộ cả ngày đường. Nhưng với quyết tâm và lòng đam mê, cô giáo trẻ đã vượt qua nhiều thử thách. Quãng thời gian đó với cô Hương thật hạnh phúc và nhiều niềm vui khi có thêm những đồng nghiệp tốt, học sinh ngoan và một người bạn tri kỉ - người bạn đời dân tộc Thái, đồng thời cũng là đồng nghiệp cùng công tác tại trường.
“Tôi tự hào và hãnh diện khi nói về nghề nghiệp của mình. Từ xưa, ông bà ta đã đúc rút: ‘Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy’ hay ‘Không thầy đố mày làm nên’… Thế nên, không tự hào sao được khi theo nghề ‘Những kỹ sư tâm hồn’. Tôi tin rằng, nghề giáo đáng được trân trọng và thực tế luôn được trân trọng”, cô Hương vui vẻ chia sẻ.
Sau 6 năm, cô được điều chuyển đến nhận công tác tại Trường THCS Tông Lạnh. Trường tuy ở gần đường lớn, đi lại thuận tiện hơn nhưng cũng có khó khăn mới. Đa số học sinh là người dân tộc, bố mẹ đi làm thuê ở các tỉnh miền xuôi. Tới thăm học trò, cô không khỏi nghẹn ngào khi thấy nhiều gia đình các anh chị em tự trông coi, nấu nướng cho nhau, hoặc có em ở với ông bà già yếu. Tuy nhiên, nhờ sự động viên chung tay góp sức của chính quyền địa phương, nhà trường vầ thầy, cô giáo nên gần như các em không bỏ học giữa chừng.
14 năm công tác tại Trường THCS Tông Lạnh, cô Hương luôn cảm nhận đây là ngôi trường hạnh phúc khi lãnh đạo quan tâm, các thế hệ ban giám hiệu, đồng nghiệp luôn tạo điều kiện giúp đỡ để giáo viên phát huy năng lực. Quãng thời gian này, cô được lao động, cống hiến sáng tạo và thỏa khát khao dạy học. Nhờ đó, cô luôn tìm tòi những phương pháp mới để học sinh hiểu bài hơn.
“Mỗi lần các em gọi điện báo tin đã trúng tuyển đại học hay tin cô ơi em được đi làm, em được làm đồng nghiệp với cô rồi, tôi cảm thấy xúc động vô cùng”, cô Hương tâm sự.
Liên tục 8 năm, 2015 - 2023, cô Hương đều viết sáng kiến cải tiến quá trình dạy học, khơi gợi ngọn lửa đam mê văn học cho học trò. Cô tâm niệm dạy học sinh với tất cả kiến thức có từ trái tim chứ không chỉ đến từ những cuốn sách. Liên tiếp đạt Chiến sĩ thi đua cơ sở, được nhận nhiều giấy khen, bằng khen của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh Sơn La, UBND huyện Thuận Châu…, cô Hương tự nhủ bản thân phải nỗ lực nhiều hơn nữa để xứng đáng với những thành tích đó.
Cô Nguyễn Thị Thu Hương. Ảnh: NVCC |
Niềm tự hào của mẹ!
Giống như cô Hương, cô Vương Ngọc Hiệp (sinh năm 1993) - Trường Tiểu học xã Lâm Ca (Đình Lập, Lạng Sơn) là một trong những nhà giáo truyền ngọn lửa yêu nghề, trường lớp cho học trò, đồng nghiệp.
Sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo tại xã An Châu, nay là thị trấn An Châu (Sơn Động, Bắc Giang), trong gia đình một mình mẹ vất vả nuôi con ăn học, nên cô Hiệp tự nhủ phải cố gắng học thật tốt, trở thành cô giáo để là niềm tự hào của mẹ. Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm năm 2016, cô Hiệp nộp hồ sơ thi viên chức và trúng tuyển vào Trường PTDTBT Tiểu học I xã Bính Xá (Đình Lập, Lạng Sơn), nơi có đa số học sinh dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Dao.
“Khoảng thời gian đó, tôi thật sự bỡ ngỡ, mọi thứ đều mới lạ và khó khăn. Không chỉ là sự thiếu thốn cơ sở vật chất, mà còn phong tục tập quán, bất đồng ngôn ngữ. Nhìn khắp bốn bề toàn rừng, mây, núi, những con đường đất trơn trượt, nhìn những em học sinh thân hình nhỏ bé, làn da đen sạm, nhiều khi cũng cảm thấy nản lòng”, cô Hiệp nhớ lại.
Mặc dù vậy, bằng sự cố gắng của bản thân cùng sự giúp đỡ của các đồng nghiệp, cô Hiệp dần bắt nhịp được với công việc giảng dạy. Mỗi lần đứng trên bục giảng là thấy yêu công việc của mình nhiều hơn. Lúc ấy, cô lại nghĩ “được giảng dạy cho học trò miền biên giới cũng là niềm vui, niềm tự hào”. Tìm được niềm vui trong công việc, cô lại thêm yêu thương học sinh nơi đây. Ngoài giờ học, cô giúp các em nấu cơm, đun nước tắm, hướng dẫn các em vệ sinh cá nhân. Chính điều đó lại càng giúp cô có động lực hơn khi công tác xa nhà.
Sau hơn 6 năm công tác tại vùng biên giới, năm 2022, cô về công tác tại Trường Tiểu học xã Lâm Ca thuộc xã vùng III của Đình Lập. Ở đây, đa số học sinh dân tộc thiểu số, đi lại khó khăn. Cơ sở vật chất nhà trường thiếu thốn. Không có nhà công vụ cho giáo viên nên hàng ngày, cô phải đi 30km tới trường. Mặc dù khó khăn vất vả nhưng khi nhìn những đôi chân lấm lem vì đi bộ đường đất đến trường, những gương mặt ngây thơ, non nớt không quản ngại khó khăn của các em, cô lại nguyện gắn bó với hành trình gieo chữ ở miền núi.
Suốt những năm công tác tại huyện Đình Lập, cô Hiệp luôn cố gắng trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, đồng thời, tìm tòi, sáng tạo trong phương pháp giảng dạy để học sinh tiếp thu kiến thức một cách dễ dàng nhất. Bằng lòng yêu nghề, mến trẻ, cô Hiệp đã có nhiều sáng kiến, đổi mới trong phương pháp giảng dạy giúp học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả.
Với những cố gắng không ngừng nghỉ, 4 năm liền, cô Vương Ngọc Hiệp đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, nhận giấy khen của chủ tịch huyện, bằng khen của chủ tịch UBND tỉnh trong công tác dạy và học. Ngoài ra, cô còn đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh và ôn luyện học sinh tham gia cuộc thi trên Internet đạt giải cao cấp tỉnh và nhiều giải thưởng cá nhân tiêu biểu khác.
Tôi sẽ cố gắng trở thành một người giáo viên tốt. Để thực hiện được điều đó tôi sẽ lao động nghiêm túc, không ngừng học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của mình. Chỉ những ai đã và đang đứng trên bục giảng mới cảm nhận được niềm hạnh phúc và sự cao quý của nghề dạy học. Nghề mà những nhọc nhằn, trăn trở cũng chính là vinh quang! Tôi yêu nghề! Tôi hạnh phúc với nghề. - Cô Nguyễn Thị Thu Hương