Ước mơ làm thầy giáo
Thầy Đinh Văn Giang sinh ra tại huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội nhưng lớn lên ở một vùng quê xa xôi, hẻo lánh của tỉnh Phú Yên, đó là thôn Hà Rai, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân.
Từ nhỏ Giang đã ý thức về hoàn cảnh gia đình khó khăn của gia đình mình nên luôn cố gắng trong học tập. Với bản tính chịu thương, chịu khó cho nên Giang được nhiều thầy cô yêu thương, giúp đỡ. Có lẽ vì vậy mà niềm đam mê được làm thầy giáo đã hình thành trong Giang bắt đầu từ đó.
Sau khi học xong cấp Trung học phổ thông, thật may mắn khi đó xã Xuân Lãnh được Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Yên giao chỉ tiêu cho xã Xuân Lãnh một suất học cử tuyển ngành sư phạm tại Huế và càng may mắn hơn khi Giang làm hồ sơ nộp về sở Giáo dục và Đào tạo Phú Yên thì hồ sơ của Giang được chấp nhận.
Thầy Đinh Văn Giang - giáo viên Ngữ Văn, Bí thư đoàn trường THCS và THPT Chu Văn An, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. |
Giang nhớ ngày đầu tiên đi học Đại học, vì hoàn cảnh khó khăn cho nên mẹ không thể theo cậu ra trường, lúc ấy một mình Giang với tài sản 500.000 đồng bắt đầu cuộc hành trình đến vùng đất xa lạ để thực hiện ước mơ của mình.
Đến với môi trường mới, là một sinh viên ngành Sư phạm Ngữ văn, Giang luôn tham gia nhiệt tình các hoạt động của Khoa và của nhà trường. Sau khi hoàn thành 4 năm học, năm 2011 cầm tấm bằng tốt nghiệp ra trường, nhưng vì tỉnh nhà Phú Yên không có chỉ tiêu môn Ngữ văn cho nên Giang dành thời gian một năm đi làm công việc tự do để tìm hiểu thêm về cuộc sống xung quanh.
Cũng nhờ một năm ấy mà Giang được rong ruổi khắp tỉnh Kon Tum, hiểu về mảnh đất và con người Kon Tum. Tại đây, Giang được nhiều thầy cô trường chuyên Nguyễn Tất Thành giới thiệu và có dạy gia sư một ít học sinh khối lớp 7. Thời gian ở mảnh đất Tây Nguyên ấy tuy ngắn ngủi nhưng cũng giúp cho Giang thêm trưởng thành hơn.
Dành trọn tình yêu cho học trò vùng cao
Đầu tháng 10/2012, Giang được Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Yên phân công về giảng dạy tại trường THCS và THPT Chu Văn An. Được về làm thầy giáo tại xã nhà, thầy Giang có nhiều niềm vui lẫn lo lắng đan xen. Vui vì được về gần nhà, được thực hiện ước mơ đứng trên bục giảng mà từ nhỏ ao ước. Lo lắng vì là một giáo viên trẻ, lần đầu được đứng trên bục giảng liệu mình có hoàn thành nhiệm vụ của mình hay không.
Thời điểm năm 2012, trường THCS và THPT Chu Văn An còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất còn thiếu thốn bộn bề. Trường vẫn còn sử dụng hai địa điểm khác nhau cho hai cấp học. Mới về trường nên thầy Giang được phân công dạy khối 9 và một lớp 10, vì vậy mà thầy phải chạy qua chạy lại cả hai địa điểm cách nhau 2km. Đó cũng là một dấu ấn để thầy mãi nhớ và nhắc nhở mình phải luôn cố gắng trong mọi hoàn cảnh.
Xuân Lãnh một xã miền núi xa xôi của tỉnh Phú Yên, nơi có nhiều con em đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; đời sống của cả người Kinh lẫn đồng bào dân tộc thiểu số đa số đều còn khó khăn cho nên việc được đi học của các em học sinh cũng là một vấn đề gian nan.
Mỗi ngày trên đường đi dạy, thầy Giang gặp các em nhỏ khối Trung học cơ sở ở các thôn đồng bào dân tộc thiểu số phải đi bộ hơn 4 cây số đến trường bất kể trời mưa hay nắng.
Thầy Giang nói: “Nhìn những thân hình nhỏ bé, làn da ngăm đen vì rang nắng rang mưa để đi học con chữ nhưng trên hành trình đầy khó khăn, vất vả ấy tôi vẫn thấy luôn rạng ngời trên khuôn mặt các em những nụ cười, đó là những nụ cười hồn nhiên, ngây thơ, trong sáng và chứa đầy nghị lực. Chính những hình ảnh ấy càng làm cho tôi thêm quyết tâm hơn với sự nghiệp của mình, lúc ấy tôi tâm niệm phải làm hết mình để giúp các em có thể tiếp thu tri thức trên ghế nhà trường và đem đến cho các em niềm vui, niềm tin và hi vọng trong cuộc sống”.
11 năm đứng trên bục giảng, thầy Giang luôn trăn trở về sự nghiệp “trồng người” nơi gian khó. Thầy nhớ lại khoảng thời gian từ năm 2015 đến 2018, có nhiều học sinh ham chơi, hay trốn học. Nhiều em vì gia đình không quan tâm mà dẫn đến bất mãn rồi sinh ra hư hỏng, có những em nghỉ học đi làm mướn kiếm sống, cũng có nhiều em theo ông bà xuống thành phố Tuy Hòa để xin ăn….
Chứng kiến thực trạng đó, thầy Giang đã dốc lòng yêu thương, quan tâm, cảm hóa; nhờ đó mà các em đã thay đổi, quyết tâm học tập và hiện tại đều thành công, có việc làm; ngày Tết hàng năm các em đều về thăm thầy Giang với niềm biết ơn sâu sắc.
Khi xác định mình được về dạy ở quê nhà, cũng là xã miền núi còn nhiều khó khăn, học sinh tiếp thu kiến thức còn chậm, thầy Giang đã có những giải pháp, phương pháp giúp học sinh tiến bộ như: không đặt nặng vấn đề kiểm tra bài cũ đối với học sinh mà thường xuyên lồng ghép vào kiến thức mới để các em thảo luận từ đó giúp các em nhớ kiến thức lâu hơn; đối với những học sinh thật sự yếu về tư duy thì thầy Giang cho học sinh đọc bài rồi tự bản thân tóm tắt ngắn dần dần tập trả lời những câu hỏi dạng đọc hiểu, có những em chưa biết cách diễn đạt thì thầy cho học sinh chép văn mẫu để học lối tư duy và cách hành văn và dần dần sau những bài văn mà các em chép ấy đã củng cố cho các em cách diễn đạt, từ đó các em hứng thú hơn với môn học.
Có những tiết học, thay vì giáo viên giảng, thầy Giang cho học sinh chuẩn bị bài ở nhà sau đó lên lớp các em sẽ thuyết trình theo sơ đồ tư duy nhờ đó mà những tiết học như vậy vô cùng sôi động và hứng thú với học sinh.
Để những tiết học thêm phong phú, thầy Giang giao nhiệm vụ cho học sinh tìm những câu chuyện mà các em gặp trong cuộc sống hàng ngày rồi lên bục giảng kể lại, sau đó cả lớp cùng suy ngẫm và đưa ra những bài học đúc kết từ câu chuyện ấy.
Nhiều học sinh đã ra trường nhưng mỗi dịp trở về thì đều tâm sự với thầy rằng: “Chính những câu chuyện mà thầy cho chúng em tự kể ấy, có câu chuyện được lấy từ chính cuộc sống thật trong gia đình của chúng em. Giây phút được kể ấy đã giải toả một phần nào tâm trạng của chúng em, chúng em được cảm thông, chia sẻ và được tiếp thêm động lực cùng niềm tin để vững tiến về phía trước”.
Thầy Giang tự hào nói: “Nhiều học sinh đạt kết quả cao trong các kì thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông Quốc gia và thực hiện ước mơ trên giảng đường Đại học, nhiều em thi và đạt giải trong các kì thi học sinh giỏi của tỉnh, trong đó có giải Nhì.
Thấm thoát hơn 10 năm trôi qua với nhiều thế hệ học trò ra trường và trưởng thành. Hàng năm các em vẫn nhớ và về thăm, đó là niềm hạnh phúc rất lớn đối với tôi bởi dù đi đâu, làm ở đâu các em vẫn nhớ về giáo viên của mình. Các em vẫn luôn mang theo những đạo lí, những bài học về cách ứng xử mà tôi đã truyền đạt. Đó là món quà vô giá, là nguồn động lực cho những người làm nghề giáo như tôi”.
Năm học 2023 – 2024 này, bên cạnh công việc giảng dạy thầy Giang còn được giao trọng trách làm Bí thư đoàn trường nên thầy Giang càng cố gắng nhiều hơn nữa.
Nói về dự định đang ấp ủ, thầy Giang bộc bạch: “Hiện tại, cuộc sống của nhân dân xã nhà đã có chút ấm no nhưng vẫn còn rất nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ. Thời đại càng ngày càng phát triển, các ngành nghề càng đa dạng, các em học sinh miền núi khó tiếp cận và nắm bắt, tôi sẽ luôn cố gắng tìm hiểu và cùng với giáo viên chủ nhiệm tham mưu Ban giám hiệu nhà trường định hướng cho các em lựa chọn các bộ môn phù hợp với các ngành nghề trong tương lai để các em hoàn thành tốt nhiệm vụ trong học tập từ đó tiếp bước hành trình xây dựng một cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc để cống hiến cho Đất Nước ngày càng giàu đẹp”.
Em Lại Diệu Châu (học sinh lớp 12A, trường THCS và THPT Chu Văn An, Đồng Xuân) chia sẻ: “Thầy Giang giảng dạy nhiệt tình, các tiết dạy của thầy rất phong phú, không nhàm chán. Thầy như một người bạn, nâng đỡ tâm hồn và sẵn lòng giúp đỡ học sinh”.
11 năm trong nghề, thầy Giang được nhận nhiều giấy khen của Sở GD và ĐT Phú Yên, tỉnh đoàn Phú Yên, Công đoàn giáo dục Phú Yên, danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, Bằng khen của Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Bộ GD và ĐT,….