Tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, số học sinh gặp khó khăn chỉ chiếm vài phần trăm trong tổng số hơn 1 triệu thí sinh dự thi tại các địa phương trên cả nước, nhưng mỗi em lại là 100% niềm hy vọng của cha mẹ, gia đình.
Với phương châm không bỏ rơi bất cứ thí sinh nào, những việc làm ý nghĩa, câu chuyện đẹp vì thế cứ nhân lên trên khắp 63 tỉnh/thành, giúp sĩ tử vững tâm chinh phục môn thi.
Nguyện làm “đôi chân” cho thí sinh gặp nạn
Sáng 28/6, trong buổi thi đầu tiên, tại Điểm thi Trường THPT Nguyễn Thị Bích Châu (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) nhiều phụ huynh, người đi đường xúc động trước cảnh tình nguyện viên áo xanh bế nam sinh bị gãy chân từ cổng trường vào đến phòng thi.
Thí sinh đặc biệt này là em Nguyễn Tấn Tài (trú tại xóm 6, xã Kỳ Tây, huyện Kỳ Anh). Cách đây 20 ngày, Tài không may gặp tai nạn bị gãy xương đùi, không thể đi lại. Nhà của Tài cách Điểm thi Trường THPT Nguyễn Thị Bích Châu gần 15km. Buổi thi đầu tiên, Tài được bố mẹ đưa đến điểm thi. Vừa đến nơi, nam sinh được anh Võ Sỹ Khang (Bí thư Đoàn xã Kỳ Hải) và anh Võ Xuân Đức (Bí thư Đoàn xã Kỳ Trung) hỗ trợ lên phòng thi.
Do không thể cử động chân nên 2 cán bộ Đoàn vừa bế vừa giữ chân Tài cố định trong quá trình di chuyển. Phòng thi của Tài ở tầng 2 nên mất chừng 15 phút, lực lượng tình nguyện mới đưa em tới bàn thi. Điểm thi đã bố trí cho nam sinh ngồi riêng một bàn để duỗi thẳng chân trong quá trình làm bài.
Trước kỳ thi, lực lượng tình nguyện cũng liên hệ với gia đình để đưa em đến điểm thi. Tuy nhiên, bố mẹ mong muốn đến điểm thi để động viên con nên đã thuê xe. Sau khi đến điểm thi, tình nguyện viên đợi sẵn để hỗ trợ gia đình. “Chúng tôi xúc động trước sự giúp đỡ nhiệt tình của các bạn tình nguyện viên”, phụ huynh của Tài bày tỏ.
Tài là học sinh lớp 12A6, Trường THPT Nguyễn Thị Bích Châu. Kỳ thi năm nay, Tài dự định thi khối D vào Trường Đại học Ngoại ngữ Huế. Bố mẹ đi làm thuê, hoàn cảnh khá khó khăn, Tài quyết tâm làm bài thật tốt để đạt được kết quả mong muốn.
Tại Điểm thi Trường THPT Cẩm Bình (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), Nguyễn Thị Thùy Dung (học sinh lớp 12A6) không may bị tai nạn gãy chân. Nhưng do ngày thi cận kề nên bác sĩ bó bột và cho về nhà tự điều trị. Dù đi lại khó khăn và đau đớn nhưng Thùy Dung vẫn cố gắng đến trường để tham gia kỳ thi quan trọng này.
Với tinh thần không ngại khó, tình nguyện viên tại Điểm thi Trường THPT Cẩm Bình đã sẵn sàng trở thành “đôi chân” tạm thời, giúp sĩ tử an tâm “vượt vũ môn”.
Tình nguyện viên tại Điểm thi Trường THPT Cẩm Bình cõng thí sinh bị gãy chân vào phòng thi. |
Tại Nghệ An, thí sinh Nguyễn Thị Huệ trú tại huyện Thanh Chương bị sốt cao, được nhóm thiện nguyện “taxi 0 đồng” đến tận nhà đưa tới điểm thi. Theo bà Nguyễn Thị Thủy (mẹ của em Huệ), ngày 27/6, Huệ xuất hiện các triệu chứng sốt cao, nôn, ngất xỉu. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên bà Thủy gọi điện cho anh Nguyễn Phùng Úy (trú tại xã Thanh Dương, huyện Thanh Chương) chở đến Bệnh viện Đa khoa TP Vinh để cấp cứu.
Đến gần 22 giờ đêm, sau khi được các bác sĩ thăm khám, điều trị, em Huệ dần tỉnh táo, hạ sốt. Vì ngày 28/6 bước vào kỳ thi quan trọng nên Huệ quyết định xuất viện về nhà nghỉ ngơi để đi thi. Túc trực tại bệnh viện, anh Úy lại đưa Huệ từ bệnh viện về nhà. Tuy nhiên, sáng 28/6, Huệ tiếp tục sốt 39 độ C. Vì là kỳ thi quan trọng nên em vẫn quyết tâm đi thi. Anh Úy nghe tin đã dậy từ sớm, đến tận nhà Huệ chở em đến Điểm thi Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách.
Anh Nguyễn Phùng Úy, Đội trưởng nhóm “taxi 0 đồng” làm nghề sửa xe máy, còn vợ làm giáo viên. Năm 2018, gia đình anh tích góp sắm được chiếc ô tô 4 chỗ.
Ban đầu, anh Úy nghĩ mua xe để sử dụng, lúc rảnh rỗi có thể chở khách thuê kiếm thêm thu nhập. Trong những lần chở người bệnh đi viện, anh thấy một số gia đình hoàn cảnh nghèo nên không lấy tiền công. Kể từ đó, những chuyến “taxi 0 đồng” lăn bánh.
Những bệnh nhân nghèo, người neo đơn ở các xã trên địa bàn huyện Thanh Chương cần chở đến bệnh viện, anh Úy đều sẵn sàng. Quãng đường từ nhà người bệnh đến bệnh viện cách 40 - 50 km nhưng anh không lấy bất cứ đồng tiền xăng, tiền công nào.
“Có đi nhiều mới thấy còn không ít người nghèo khổ, cần giúp đỡ. Tôi để công khai số điện thoại, lúc ngủ cũng không dám để ở chế độ im lặng vì sợ có người cần giúp gọi không được”, anh Úy tâm sự.
Tiếp sức thí sinh tại Điểm thi PTDTNT huyện Mường Tè. |
Chăm lo bữa ăn cho thí sinh vùng khó
Từ sáng sớm, đội tình nguyện viên của huyện Mường Tè (Lai Châu) đã có mặt tại 3 điểm thi trên địa bàn huyện để chuẩn bị thực phẩm, nước uống hay đồ dùng học tập dành cho các thí sinh.
Anh Pờ Vũ Thanh Bình, Phó Bí thư Huyện đoàn Mường Tè, cho biết: “Huyện đoàn đã huy động 40 tình nguyện viên tham gia Chương trình “Tiếp sức mùa thi”. Tuy nhiên, kết quả hơn mong đợi khi có nhiều em sẵn sàng tham gia tình nguyện. 3 điểm thi trên địa bàn huyện có trên 50 tình nguyện viên sẵn sàng thay ca để tiếp sức thí sinh trong thời gian diễn ra kỳ thi”.
Tại Điểm thi Trường THPT huyện Mường Tè, do nhiều thí sinh trọ ở ngoài trường nên Huyện đoàn đã bố trí 25 tình nguyện viên. Theo đó, đoàn tiếp sức gồm: Đội chia thực phẩm, nước uống cho thí sinh ở cổng trường; Đội xe ôm lưu động sẵn sàng đưa, đón thí sinh khi cần thiết; Đội nấu ăn…
Theo anh Pờ Vũ Thanh Bình, đợt tiếp sức mùa thi năm nay, Huyện đoàn huy động nguồn xã hội hóa khoảng 20 triệu đồng để tổ chức hoạt động hỗ trợ thí sinh. Đặc biệt là tăng khẩu phần ăn cho thí sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Trực tiếp tham gia nấu cơm tại Trường PTDTNT huyện Mường Tè, anh Bình chia sẻ: “Chế độ ăn của thí sinh ở Điểm thi này và Trường DTNT Ka Lăng là 37.000 đồng mỗi ngày. Chúng tôi đã hỗ trợ thêm cho các em 25.000 đồng/ngày trong 2 ngày thi. Còn tại Trường THPT huyện Mường Tè, bữa ăn ở mức 25.000 đồng mỗi ngày nên chúng tôi hỗ trợ thêm 35.000 đồng với mong muốn các em có hoàn cảnh khó khăn có suất ăn đảm bảo dinh dưỡng bước vào kỳ thi quan trọng”.
Anh Nguyễn Phùng Úy chở em Nguyễn Thị Huệ đang bị sốt cao đến điểm thi. Ảnh: NVCC |
Biết tin có hoạt động Tiếp sức mùa thi, em Phạm Gia Ninh, học sinh lớp 11A1, Trường THPT Mường Tè đã chủ động đăng ký tham gia. “Em rất vui khi được tiếp sức, hỗ trợ cho các anh chị lớp 12”, Gia Ninh tâm sự.
Ông Kiều Hải Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè, cho biết: “Huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn và các trường THPT trên địa bàn huyện rà soát, lập danh sách để thực hiện hỗ trợ mỗi em 300.000 đồng. Số tiền được trích từ nguồn ngân sách huyện. Theo đó, 287 thí sinh được thụ hưởng với tổng số tiền trên 86 triệu đồng. Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo các điểm thi, đoàn thanh niên nấu ăn cho các em hằng ngày”.
Thông tin về hoạt động Tiếp sức mùa thi, bà Vừ Thị Mai Dinh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Lai Châu, trao đổi: “Qua nhiều năm tổ chức, một số nội dung không phù hợp với tình hình hiện tại đã được thay đổi. Thay vào đó, chương trình tập trung vào các hoạt động hỗ trợ ôn thi, nấu ăn cho thí sinh có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ nước uống, hướng dẫn giao thông, di chuyển với đội hình xe ôm miễn phí”.
Ngoài việc sớm ban hành Kế hoạch “Tiếp sức mùa thi”, Tỉnh đoàn Lai Châu cũng đề nghị cơ sở đoàn đẩy mạnh tuyên truyền về hiệu quả ý nghĩa và hoạt động dự kiến tổ chức đến đoàn viên thanh niên để thu hút các tình nguyện viên tham gia.
“Để tổ chức Chương trình “Tiếp sức mùa thi” hiệu quả, đúng ý nghĩa cần tập trung khảo sát sớm những học sinh khó khăn. Từ trước kỳ thi, chúng tôi đến nhà thăm hỏi, tặng quà kèm theo lịch thi để gia đình thí sinh chủ động. Việc tiếp sức đúng đối tượng cũng cần chú trọng, đặc biệt với vùng khó khăn”, bà Vừ Thị Mai Dinh nói.
Ông Ảnh quyết tâm có bằng cấp văn hóa để có tiếng nói hơn với bà con nhân dân. Ảnh: T.T |
Chinh phục kiến thức ở tuổi xế chiều
Điểm thi Trường THPT Nguyễn Trãi (Quận 4) là nơi dự thi của thí sinh Ngô Thị Kim Chi (sinh năm 1959) học viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Quận 7 (TPHCM). Đây là một trong những thí sinh lớn tuổi nhất của kỳ thi năm nay.
Bà Ngô Thị Kim Chi là con cả trong gia đình có 5 chị em. Do hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên năm lớp 8, bà phải nghỉ học để phụ giúp bố mẹ lao động, kiếm thêm thu nhập nuôi các em. Sau ngày đất nước giải phóng, khi đã lập gia đình, bà Chi có đăng ký học lớp bổ túc văn hóa buổi tối do địa phương tổ chức. Tuy nhiên vì điều kiện gia đình, nên một lần nữa, bà đành gác lại ước mơ đi học.
Hơn 40 năm trôi qua, bà Chi cùng chồng nỗ lực làm ăn phát triển kinh tế, nuôi các con ăn học. Đến nay, 3 người con của bà đều tốt nghiệp đại học, công việc ổn định. Người con trai út của bà có bằng thạc sĩ. Năm 2016, bà quyết định dừng công việc buôn bán và bắt đầu hành trình thực hiện ước mơ được đến trường của mình. Sau nhiều lần đắn đo, suy nghĩ bà quyết định theo học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp Quận 7 gần nhà.
Cũng theo bà Chi, quá trình học và thi gặp nhiều khó khăn do đã lớn tuổi nên tiếp thu kiến thức chậm hơn, nhanh quên. Cùng với đó, chương trình học có nhiều khác biệt so với trước kia nên bà thường phải hỏi lại giáo viên hoặc học từ chính bạn cùng lớp.
“Kỳ thi năm nay dù kết quả ra sao, tôi cũng đã có kế hoạch, dự định cho riêng mình. Đó là nguyện vọng xét tuyển vào trường sư phạm để trở thành giáo viên, giúp đỡ những em nhỏ khó khăn. Còn nếu không, tôi sẽ tham gia dạy học miễn phí cho học sinh hoàn cảnh khó khăn trong khu phố 3 bằng kiến thức tích góp nhiều năm qua” - bà Chi cho biết thêm.
Điều đặc biệt bà Chi và cháu nội của mình cùng tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Bà Chi chia sẻ: “Tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT với cảm xúc thật khó tả. Tâm trạng vui và hồi hộp giống như các bạn trẻ khác. Do điểm thi của cháu gần với điểm thi của tôi nên hai bà cháu cùng chở nhau đi thi. Môn thi Ngữ văn đầu tiên tôi làm bài khá ổn, mong rằng những môn tiếp theo sẽ làm tốt”.
Với quyết tâm thi đậu tốt nghiệp THPT để có “tiếng nói” hơn với bà con nhân dân, ở tuổi 46, ông Đặng Văn Ảnh (46 tuổi, Trưởng thôn Liên Tài Năng, xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc) tự tin đến Trường THPT Đồng Lộc (thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) để bước vào kỳ thi.
Ông Ảnh là thí sinh lớn tuổi nhất tham gia thi THPT năm 2023 ở Hà Tĩnh. Như bao thí sinh khác, ông dậy từ 5 giờ sáng chuẩn bị bút giấy nháp, các thủ tục cần thiết… rồi lên xe máy vượt 15km để đến điểm thi sẵn sàng cho buổi thi môn Ngữ văn.
Nói về lý do vẫn dự thi ở tuổi 46, ông bộc bạch: “Trước đây hoàn cảnh gia đình khó khăn, dù rất cố gắng nhưng bố mẹ không có điều kiện để cho tôi học hành đến nơi đến chốn. Mặc dù bằng cấp không được như mọi người, nhưng bà con nhân dân luôn tín nhiệm và bầu tôi giữ chức trưởng thôn. Vậy nên, tôi luôn nỗ lực phấn đấu để làm gương cho người dân. Tôi cũng suy nghĩ mình phải có trình độ văn hóa mới có tiếng nói hơn với bà con nhân dân”.
Nghĩ là vậy nhưng ban đầu còn nhiều e ngại vì tuổi già, sau khi được vợ con động viên cùng sự quyết tâm, ông Ảnh đã phấn đấu nỗ lực 3 năm “đèn sách” tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Can Lộc và đạt kết quả khá cao trong học tập.
“Trong 3 năm học trường bổ túc, ngày nắng cũng như ngày mưa tôi đều chăm chỉ ‘cưỡi’ xe máy, vượt hơn 5km đến trường, với quyết tâm phải lấy bằng được tấm bằng cấp THPT. Cuộc sống người trưởng thôn ‘ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng’ với bao lo toan về cuộc sống, cơm áo gạo tiền, chăm lo cho vợ con, gia đình. Thú thực đã có lúc nghĩ mình nên từ bỏ. Tuy nhiên, những lúc chán nản nhất lại nhận được sự động viên của vợ và 2 con, tôi gạt phăng khó khăn, tiếp tục theo đuổi con đường tri thức”, ông Ảnh kể.
Cũng theo ông Ảnh, những ngày gần thi rất áp lực. Có hôm đi làm về muộn, ông phải thức đến tận 1 – 2 giờ sáng để ôn bài. Tại kỳ thi này, ông Ảnh tham gia với bộ môn Toán, Văn, Lịch sử và Địa lý.
Buổi thi Ngữ văn, Toán diễn ra nghiêm túc, đúng quy chế. Các Hội đồng thi đã thực hiện tốt phương án dự phòng nên đã xử lý kịp thời tình huống bất thường, bảo đảm tổ chức thi an toàn, nghiêm túc. Đánh giá ban đầu của thí sinh, giáo viên và dư luận xã hội, đề thi bài thi Ngữ văn, Toán nằm trong chương trình THPT, bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng có sự phân hóa phù hợp; đạt mục đích làm căn cứ xét công nhận tốt nghiệp phổ thông và cung cấp dữ liệu tin cậy để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tham khảo sử dụng trong tuyển sinh.