Nghìn việc tốt là việc nhỏ nghĩa lớn, tuổi nhỏ chí lớn, đặc biệt phải học theo lời Bác Hồ: Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình…, đó là tâm sự của thầy giáo Nguyễn Đức Thìn, 82 tuổi, người khởi xướng phong trào “Nghìn việc tốt”.
Tất cả vì học trò
Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn (Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh) hồ hởi kể về những ngày đầu tiên thực hiện phong trào “Nghìn việc tốt”. Theo thầy Thìn, năm 1961, khi dạy học ở Trường cấp II Liên Sơn, nay là Trường THCS Tam Sơn, thầy đề xuất phong trào “Nghìn việc tốt”.
“Sáng đó vào Chủ nhật (24/3/1963), sau khi đi trồng cây hai bên đường về, Liên đội thiếu niên tiền phong Ngô Gia Tự Trường cấp II Liên Sơn vào nhà đồng chí Ngô Gia Tự ở xóm Xanh, Tam Sơn. Lúc họp tổng kết, sáng kiến phát động phong trào “Thi đua làm nghìn việc tốt, thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy, phấn đấu trở thành cháu ngoan Bác Hồ” gọi tắt là Nghìn việc tốt được mọi người tán thành, ủng hộ. Làm nghìn việc tốt là làm nhiều việc tốt để trở thành người tốt, người chân chính, có bản lĩnh”, thầy Thìn nhớ lại.
Tuy vậy, căn bệnh phong quái ác ập đến khi thầy mới ngoài 30 tuổi (năm 1978). Ở cái độ tuổi còn căng tràn nhựa sống, người thanh niên quê Kinh Bắc gầy xọp đi, đôi bàn tay gặp biến chứng. Đến trại phong trong một ngày đông giá rét, nhà giáo Nguyễn Đức Thìn chỉ cầm theo những tập sách, cuốn vở, bút viết để dạy các em nhỏ theo cha mẹ vào trại. Mong muốn các em được học hành để cuộc đời đỡ khổ của thầy Thìn được ban giám đốc ủng hộ và đồng ý cho mở Trường Lê Văn Tám.
Ngày 5/9/1979, Trường Lê Văn Tám khai giảng như bao ngôi trường khác trên cả nước. Gọi là trường nhưng thực ra là vài dãy nhà để học sinh ăn học. Trong điều kiện thiếu thốn đủ bề của đất nước ngày mới giải phóng, thầy Thìn đã trực tiếp tổ chức, lên kế hoạch và đứng lớp giảng dạy. Để trường học thực sự thu hút các em, thầy mời những họa sĩ, giáo viên… đang điều trị tại trại dạy cho học sinh trong trường.
“Quan điểm của mình là bất cứ ai có thể dạy các em điều gì hữu ích thì đều được đứng lên bục giảng. Các em cần con chữ, kiến thức và rất may những bệnh nhân đang điều trị đều mong truyền thụ những điều tốt đẹp nhất cho học trò…”, thầy Thìn tâm sự.
Sau 4 năm vừa dạy học vừa điều trị bệnh, thầy Thìn đã chiến thắng căn bệnh phong quái ác và tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”. Trở về Trường THCS Tam Sơn trong niềm hân hoan đón chào của nhiều thế hệ học trò, thầy tiếp tục đứng lớp và cống hiến sức mình cho sự nghiệp giáo dục và phong trào “Nghìn việc tốt” do mình khởi xướng trước đó.
Nhà giáo Nguyễn Đức Thìn kể câu chuyện về Bác Hồ. |
“Nghìn việc tốt” thành “Triệu việc tốt”
Cô Nguyễn Thị Kim Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Tam Sơn (Từ Sơn, Bắc Ninh) - cho biết, thầy Nguyễn Đức Thìn là tấm gương sáng, bông hoa đẹp cho các thế hệ học trò noi theo.
Thực hiện phong trào “Nghìn việc tốt”, nhà trường luôn phấn đấu, lan tỏa ý nghĩa chương trình để xứng đáng là địa chỉ “đỏ” trong đào tạo học sinh. Chất lượng giáo dục mũi nhọn của trường luôn thuộc nhóm dẫn đầu của thành phố Từ Sơn.
“Thầy và trò nhà trường không ngừng thi đua dạy tốt, học tốt, làm nghìn việc tốt, phát huy truyền thống hiếu học quê hương cách mạng, anh hùng, thành phố trẻ của tỉnh Bắc Ninh, trong đó có tấm gương sáng của thầy Nguyễn Đức Thìn…”, cô Nguyễn Thị Kim Anh nhấn mạnh.
Nguyễn Vũ Phương Ly - lớp 9A Trường THCS Tam Sơn - cho biết, em đã được học rất nhiều về tấm gương và phong trào “Nghìn việc tốt” của thầy Nguyễn Đức Thìn. Em luôn phấn đấu rèn luyện tốt, học tập tốt để đạt được những bông hoa điểm 10.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng - Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Từ Sơn (Bắc Ninh), phong trào “Nghìn việc tốt, thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy” là niềm tự hào, truyền thống của ngành GD-ĐT nói chung cũng như Giáo dục Từ Sơn nói riêng.
“Với vị thế là thành phố trẻ, Từ Sơn đang từng bước thúc đẩy phong trào “Nghìn việc tốt” tiếp tục lan tỏa trong sự nghiệp trồng người, tiến tới là mục tiêu “Triệu việc tốt” thông qua các phong trào “Nói lời hay - Làm nghìn việc tốt”, “Nghìn việc tốt, triệu niềm vui”, “Vườn hoa Nghìn việc tốt”…
Phong trào “Nghìn việc tốt” ngày nay không chỉ bó hẹp trong việc rèn luyện ý thức cá nhân, mà được mở rộng hơn. Bản thân các đội viên trẻ phải biến những ý thức cá nhân đó thành việc giúp đỡ người khác, tích cực rèn luyện để trở thành đội viên tốt, cháu ngoan Bác Hồ…”, ông Dũng nói.
Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Từ Sơn cho biết thêm, ngành Giáo dục thành phố đã quán triệt tới các cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và người lao động trong ngành tích cực học tập, rèn luyện, tiếp tục trau dồi kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
“Gần gũi, thân ái giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp, học sinh cùng cất cánh, vươn lên trong cuộc sống. Các trường xây dựng trường học hạnh phúc với phương châm không bỏ lại ai phía sau. Qua đó, chính là góp phần học tập tốt tấm gương của thầy Nguyễn Đức Thìn…”, ông Dũng nhấn mạnh.
Nhà giáo Nguyễn Đức Thìn được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lao động (năm 1985), Nhà giáo Nhân dân (năm 1988) cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Dù tuổi đã cao nhưng thầy Thìn vẫn ngày ngày làm thơ, viết báo và in sách về những câu chuyện ý nghĩa để giáo dục thế hệ trẻ ở địa phương. Những cuốn sách như “Chuyện cuộc đời”, tập thơ “Bình minh đến sớm”, tuyển tập “Nghìn việc tốt - Chuyện kể ở Tam Sơn”, tập thơ lục bát “Đất Rồng Thiêng” của thầy Thìn đã làm phong phú hơn cho tủ sách hướng tới kỷ niệm 60 năm phong trào “Nghìn việc tốt” (24/3/1963 - 24/3/2023).