Người thầy của phong trào "Nghìn việc tốt"

Người thầy của phong trào "Nghìn việc tốt"

(GD&TĐ) - Đã qua tuổi 72, thầy giáo Nguyễn Đức Thìn vẫn còn nhanh nhẹn và rất minh mẫn. Ông tâm sự: "Để được làm thầy, tôi vẫn luôn là một học trò, phải không ngừng học tập và rèn luyện để vươn lên chiếm lĩnh những tri thức của nhân loại".

Nhà giáo Nhân dân - Anh hùng Lao động Nguyễn Đức Thìn
Nhà giáo Nhân dân - Anh hùng Lao động Nguyễn Đức Thìn

Nhà giáo Nhân dân - Anh hùng Lao động Nguyễn Đức Thìn là người đầu tiên phát động phong trào “Nghìn việc tốt” cho thiếu nhi vào năm 1963. Phong trào này có sức lan tỏa rộng lớn và tồn tại cho đến tận ngày hôm nay.

Năm 1963, thầy giáo Nguyễn Đức Thìn, khi đó là Tổng phụ trách Đội kiêm Bí thư Đoàn trường THCS Tam Sơn (Từ Sơn, Bắc Ninh) đã cùng các em học sinh tổ chức trồng cây bên đường vào nhà đồng chí Ngô Gia Tự. Tại đây, trong bài tổng kết, thầy Thìn đã phát động phong trào thi đua làm “Nghìn việc tốt”.

Chỉ sau hơn hai tháng phát động, phong trào đã lam rộng ra toàn miền Bắc, được không chỉ các em nhỏ mà cả người lớn đều hưởng ứng nhiệt tình. Tại Tam Sơn, “Nghìn việc tốt” trở thành phong trào xã hội rộng lớn, từ nhà trường tới từng xóm, với tinh thần mỗi tháng một chủ điểm, mỗi ngày một cao điểm nghìn việc tốt…

Tết năm 1967, thầy trò trường THCS Tam Sơn được đón Bác Hồ về thăm và căn dặn: “Bác biết các cháu đã làm nghìn việc tốt, thế là tốt, cần phát huy thành truyền thống. Các cháu hãy đoàn kết, giúp đỡ nhau thi đua học tốt, lao động tốt cùng làm nghìn việc tốt chống Mỹ cứu nước và xây dựng CNXH. Bác mong năm tới các cháu đều tiến bộ hơn năm qua”.

Từ sau ngày Bác về thăm, mái trường nơi quê hương “Nghìn việc tốt” tiếp tục sôi động các phong trào mới như: Công tác Trần Quốc Toản, Kết bạn cùng tiến, Tiếng kẻng khuyến học, nói lời hay làm việc tốt… dưới sự chỉ huy tài tình của người thầy giáo, Tổng phụ trách Đội Nguyễn Đức Thìn.

Do hoàn cảnh chiến tranh và gia đình, thầy Nguyễn Đức Thìn chỉ được học đến cấp 3. Năm 1958, thầy bắt đầu quá trình công tác, làm tổ trưởng GV bình dân học vụ, tổ trưởng GV mẫu giáo vỡ lòng, tổ trưởng thông tin văn hóa và phụ trách thiếu nhi xã. Thầy vinh dự được nhận tấm ảnh Bác Hồ tặng chiến sĩ diệt dốt năm 1958.

Thông qua đào tạo, học bồi dưỡng văn hóa và các lớp bồi dưỡng ngắn ngày, GV mẫu giáo, GV lớp vỡ lòng, lớp bình dân học vụ, BTVH, thầy trở thành GV tiểu học, rồi GV THCS. Một thầy giáo trường làng có nhiều thực tế nông thôn làm nghề dạy học, gần như mọi vấn đề liên quan đến GD và giảng dạy, thầy đều để tâm ở góc độ nhân văn và khoa học. Trước đạn bom của kẻ thù, cuộc sống khó khăn và cả khi bệnh tật, thầy vẫn vượt qua, vượt lên chính mình để chăm lo cho giáo dục.

Khánh thành Bia lưu niệm nơi phát động phong trào thi đua “Nghìn việc tốt”.
Khánh thành Bia lưu niệm nơi phát động phong trào thi đua “Nghìn việc tốt”.

Khi không may phải vào bệnh viện phong Quỳnh Lập điều trị tới 1461 ngày, trọn 4 năm từ 1979-1983, với sự giúp đỡ của các thầy thuốc, thầy cùng đồng nghiệp, đồng bệnh vượt lên những khó khăn trong cuộc sống để vươn lên. Thầy đã xuất bản tập nhật kí thơ Bình minh đến sớm với bút danh là Nhiệt Cảm Sinh, là đối nhân khác thời của Hàn Mặc Tử. Ngày nào cũng vừa chữa bệnh, vừa rèn luyện, vừa làm việc, để được trở về, để được tiếp tục dạy học.

Về những năm tháng đã qua, thầy Nguyễn Đức Thìn nhớ lại: "Các thầy cô của chúng tôi ngày ấy đã hết lòng vì sự nghiệp GD, vì vinh dự và trách nhiệm người thầy giáo, luôn vượt lên chính mình, nâng bước cho đàn em tiến tới, truyền cho chúng tôi tri thức và bản lĩnh sống làm người, đạo đức, tự thân vận động, dũng cảm vào đời, dù hoàn cảnh nào cũng yêu quê, yêu nước, yêu quý con người, yêu nghề mình làm, sống là người chân chính".

Thầy tâm sự: "Đã qua tuổi 72, giờ đây để vẫn được làm thầy, tôi vẫn luôn là một học trò, phải không ngừng học tập và rèn luyện để vươn lên chiếm lĩnh những tri thức của nhân loại. Tôi tự học, tự rèn, tự sáng tạo, trong đó có việc tôi học ở con cháu mình về vi tính, ngoại ngữ. Thời văn minh tin học, kinh tế tri thức, CNH- HĐH, không biết vi tính và ngoại ngữ thì chắc chắn sẽ lạc hậu".

Bản lĩnh nhà giáo, trách nhiệm trước cuộc đời không chỉ là những ngày hạnh phúc đứng trên lớp mà còn ở chỗ khi còn được sống phải tiếp tục làm việc và lao động. "Tôi mong con cháu tôi sẽ giỏi hơn thế hệ chúng tôi hồi trước, luôn học tập, rèn luyện, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, để phục vụ cho sự nghiệp phát triển của quê hương, đất nước".

Tuệ Văn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh lính Ukraine ở hậu cứ theo hướng Pokrovsk, vùng Donetsk. Ảnh: Getty Images.

Báo Anh: Hầu hết binh lính mất tinh thần

GD&TĐ - Quân đội Ukraine ngày càng cởi mở hơn với viễn cảnh nhượng bộ lãnh thổ và ngừng bắn trong bối cảnh tinh thần sa sút và áp lực ngày càng tăng.

Họa sĩ Ngô Xuân Bính trình bày về tác phẩm chủ đạo trong triển lãm gốm 'Hiện linh'.

Gốm của 'kỳ nhân'

GD&TĐ - Triển lãm gốm nghệ thuật 'Hiện linh' của tác giả Ngô Xuân Bính đã thu hút đông đảo khách tham quan trong và ngoài nước.