Hoạt động được xem như sợi dây kết nối, thúc đẩy sự phát triển giữa 3 ngành văn hóa - ẩm thực - du lịch.
Đề án được triển khai qua 3 giai đoạn, trong năm 2022 dự kiến thu thập cơ sở dữ liệu 300 món ăn tiêu biểu. Đồng thời xét chọn 100 món ẩm thực đặc sắc của địa phương.
Giai đoạn 2023, tiến hành thu thập dữ liệu 1.000 món ẩm thực và phát triển thành tổng tập dữ liệu ẩm thực Việt Nam. Trong đó, gồm ẩm thực Việt và phái sinh, nguyên liệu chế biến, định chuẩn, cách chế biến, nội dung hình thức thể hiện của món ẩm thực.
Đề án cũng chọn các món tiêu biểu, đặc sắc có tính phổ biến cao của các vùng miền, đưa ẩm thực Việt Nam phát triển trên bản đồ thế giới.
Trong năm 2024, đề án tiến hành chuyển đổi số cơ sở dữ liệu thành “Bản đồ ẩm thực Việt Nam”, hướng đến xây dựng Bảo tàng Ẩm thực Việt Nam.
Giới nghiên cứu văn hóa ẩm thực cho rằng, đề án diễn ra rất đúng thời điểm. Đó cũng là bước đệm đưa thương hiệu quốc gia ra thế giới thông qua văn hóa ẩm thực.
Nhiều nước đã xây dựng thương hiệu ẩm thực, và coi đó là một bản sắc. Hàn Quốc có kim chi, cơm cuốn rong biển, mì tương đen. Trung Quốc nổi tiếng với bánh bao, sủi cảo và mì sợi. Pháp có phô mai và rượu vang. Ấn Độ có các món nấu với cà ri…
Với nhiều quốc gia, văn hóa ẩm thực không chỉ là nguyên liệu, cách chế biến. Kiểu ăn và cách ăn lại chính là những mấu chốt để làm nên bản sắc văn hóa. Có nơi dùng tay bốc, có nơi dùng đũa, có nơi dùng dĩa… Có nơi ngồi xổm, có nơi ngồi bàn, lại có nơi xếp bằng.
Bởi vậy, văn hóa ẩm thực được thế giới định nghĩa bao gồm toàn bộ môi trường văn hóa dinh dưỡng của con người. Kể cả cách trang trí và cách thức ăn uống, nghi thức và nghi lễ trước – trong – sau khi ăn.
Trở lại với đề án xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia. Phải khẳng định đó là điều cần thiết, dù được tiến hành tương đối muộn. Việt Nam được coi là quốc gia có nền văn hóa ẩm thực phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, người nước ngoài đến Việt Nam đa số mới chỉ biết đến phở.
Có được món ăn mang tinh thần và hồn cốt dân tộc đã khó, quảng bá món ăn ấy để bạn bè thế giới đều biết đến một cách rộng rãi càng khó hơn. Việt Nam từng nhận đến 5 kỷ lục thế giới trong lĩnh vực ẩm thực, gồm: Sở hữu nhiều món sợi và nước, nhiều món mắm và các món ăn chế biến từ mắm, nhiều món ăn được chế biến từ nhiều loài hoa, nhiều món cuốn đặc sắc, nhiều món bánh làm từ bột gạo.
Tuy nhiên, những cái nhất ấy gần như là “hữu danh vô thực” – khi chúng ta nhận kỷ lục rồi để đấy, chẳng ai biết tới.
Quảng bá văn hóa ẩm thực, là phải để người khác biết tới cả câu chuyện gốc rễ về món ăn. Làm sao để người ta phải khát khao được nếm thử, hoặc chí ít cũng phải nhận diện được nét văn hóa Việt thông qua hình thức món ăn ấy.