Nhận diện thách thức và cơ hội đối với giáo dục đại học thời công nghệ số

GD&TĐ - Vấn đề chuyển đổi số trong giáo dục đại học được các học giả cùng bàn thảo để nhận diện thách thức và cơ hội, đồng thời đưa ra những đề xuất về chính sách phát triển giáo dục đại học tại Việt Nam giai đoạn tới.

Đại diện đơn vị tổ chức và đồng tổ chức Hội thảo. (Ảnh chụp màn hình)
Đại diện đơn vị tổ chức và đồng tổ chức Hội thảo. (Ảnh chụp màn hình)

Hội thảo quốc tế Chuyển đổi số và Giáo dục đại học: Khi thách thức là cơ hội được tổ chức bằng hình thức trực tuyến, kết nối từ 4 điểm cầu, thu hút sự tham gia của hơn 300 chuyên gia, nhà quản lý và nhà khoa học uy tín trong nước và quốc tế trong lĩnh vực giáo dục và quản lý giáo dục đến từ nhiều quốc gia trên thế giới: Việt Nam, Cộng hòa Séc, Vương Quốc Anh, Ấn Độ, Congo, Haiti, Mỹ, Benin, Nhật, Pháp.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Ngô Tự Lập, Viện trưởng IFI cho biết: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó chuyển đổi số đóng vai trò trung tâm, đang tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội toàn nhân loại. Vì thế, giáo dục đại học phải thay đổi căn bản để đáp ứng yêu cầu của thời đại.

Viện trưởng IFI, ông Ngô Tự Lập phát biểu khai mạc Hội thảo.
Viện trưởng IFI, ông Ngô Tự Lập phát biểu khai mạc Hội thảo.

Các tham luận của diễn giả trong Hội thảo xoay quanh các chủ đề như: chuyển đổi số trong quản lý giáo dục đại học, phân hóa xã hội, đại học ảo, Big Data trong môi trường hàn lâm – học thuật, Blockchain và hệ thống quản lý thông tin và hồ sơ giáo dục, ...

Ở phiên làm việc thứ nhất, GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc (Chủ tịch Hội đồng GS ngành giáo dục học;) và TS. Hoàng Sỹ Tương (Học viện Kỹ thuật mật mã) đã mang đến những phân tích sâu về các mô hình và cách triển khai điện toán đám mây trong giáo dục đại học. GS. Ronald Strickland chỉ ra các lợi ích của chuyển đổi số trong giáo dục, và khuyến nghị rằng ngành giáo dục cần nhìn nhận và nắm bắt kịp thời cơ hội trong thời đại chuyển đổi số hiện nay để nâng cao chất lượng giáo dục.

GS. TS. Lê Anh Vinh (Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) đã giải đáp nguyên nhân cần thực hiện chuyển đổi số giáo dục qua bốn động lực là: nâng cao năng lực cạnh tranh, tối ưu hóa tài nguyên, nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm của học sinh và tạo ra văn hóa quyết định dựa trên số liệu (Data-Driven Decision Making).

Hơn 300 đại biểu tham dự trực tuyến từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Hơn 300 đại biểu tham dự trực tuyến từ nhiều quốc gia trên thế giới.

Ở phiên thứ hai, GS. Vasclav Snášel (Đại học Kỹ thuật Ostrava) đã trình bày một giải pháp cho chuyển đổi số giáo dục đại học mang tên Smart And Green District (SMARAGD), qua đó cung cấp cho khu vực một giải pháp toàn diện cho các thách thức của xã hội trong các lĩnh vực vật liệu, năng lượng, môi trường và công nghệ thông tin, tạo ra lực lượng lao động trình độ cao cho các doanh nghiệp SME.

PGS.TS Ngô Minh Thủy (Viện trưởng CLEF; TS Mark Spittle, Trường Đại học Việt Đức) cho biết chuyển đổi số trong giáo dục Việt Nam đã được thực hiện từng bước từ nhiều năm qua và đặc biệt sôi nổi trong vài năm gần đây. Bà cho biết, đây là xu thế tất yếu không thể đi ngược và ngành giáo dục cần có những chính sách, kế hoạch cụ thể và phù hợp để đảm bảo chất lượng giáo dục, đảm bảo sự bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đối với các đối tượng người học khác nhau.

Hội thảo quốc tế "Chuyển đổi số và Giáo dục đại học: Khi thách thức là cơ hội" bằng hình thức trực tuyến do Viện Quốc tế Pháp ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội (IFI) phối hợp cùng nhiều trường đại học, Viện nghiên cứu trong nước và quốc tế tổ chức ngày 10/9.
Hội thảo đã nhận được rất nhiều ý kiến trao đổi và phản hồi tích cực từ các chuyên gia về thực trạng chuyển đổi số của giáo dục đại học tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Ban tổ chức hy vọng, hội thảo đã mang đến những góc nhìn và kết nối mới có giá trị, từ đó hình thành những ý tưởng giúp các cơ sở đào tạo đại học tiếp tục thực hiện bước chuyển đổi số trong Nhà trường, tiến tới trở thành đại học thông minh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.