Tạm dừng đến trường, không dừng học
Ba đợt dịch Covid - 19 bùng phát tại Việt Nam trong năm 2020 và đầu năm 2021 đã và đang gây ra nhiều tác động đến kinh tế - xã hội.
Bên cạnh sự chuyển động để thích nghi và thành công bước đầu của các ngành y tế, công thương, tài chính ngân hàng,… những chỉ đạo kịp thời của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý, giảng dạy và học tập đã mang lại những kết quả rõ nét nhất trong công tác phòng, chống dịch cũng như đảm bảo tiến độ và chất lượng dạy – học.
Theo báo cáo PISA năm 2020 được Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) công bố, việc học trực tuyến để phòng, chống Covid – 19 của Việt Nam có nhiều điểm khả quan so với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác.
Với 80% trường phổ thông, Việt Nam có 79,7% học sinh phổ thông được học trực tuyến.
Tỉ lệ này cao hơn 12,2% so với mức trung bình chung của các nước OECD.
Trong số 240 cơ sở đào tạo tổ chức dạy học trực tuyến, có 79% cơ sở tổ chức quản lý dạy học hoàn toàn qua mạng.
Đa số các trường, nhất là các đại học, đều có hệ thống quản lý học tập trực tuyến LMS (Learning Management System), ứng dụng MS Teams, Office 365 của hãng Microsoft hay Zoom.
Sở GD-ĐT các địa phương đều phối hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình để thực hiện nhiều chương trình dạy học, ôn tập qua ti vi.
GS.TS Trần Văn Nam – nguyên Giám đốc ĐH Đà Nẵng đánh giá: “Mặc dù dịch Covid – 19 lần thứ 2 bùng phát tại Đà Nẵng vào đúng mùa thi THPT (tháng 7, 8), nhưng năm học 2019-2020 ngành giáo dục đào tạo Thành phố đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc, đảm bảo sức khỏe, an toàn cho học sinh, giáo viên, sinh viên, giảng viên.
Hạ tầng CNTT được đầu tư bài bản, mạng Internet phủ sóng toàn bộ thành phố với tốc độ nhanh, đáp ứng nhu cầu học tập.
Các thầy cô ở các cơ sở giáo dục từ Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở đến Trung học phổ thông cùng với học trò; giảng viên đại học cùng với sinh viên đã nỗ lực biến thách thức thành cơ hội, từng bước thay đổi nhận thức về chuyển đổi số”.
Các trường ĐH vẫn thực hiện đúng tiến độ việc tuyển sinh ĐH nhờ các ứng dụng xét tuyển qua mạng.
Các trường học ở vùng dịch đã có một ngày khai giảng đáng nhớ - khai giảng trực tuyến.
Việc phát triển học liệu số cũng được Bộ GD&ĐT chú trọng triển khai.
Đến nay, đã có khoảng 5.000 bài giảng e-learning, 2.000 bài giảng dạy trên truyền hình, 200 đầu sách giáo khoa phổ thông, 200 thí nghiệm ảo và hơn 35 nghìn câu hỏi trắc nghiệm.
Tiến độ chọn SGK lớp 2, lớp 6 cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới cũng được đẩy nhanh nhờ mỗi GV được cung cấp một tài khoản trực tuyến để tiếp cận với file PDF của các bộ sách giáo khoa.
Hướng đến giáo dục 4.0
Đến nay, về cơ bản, ngành GD&ĐT đã xây dựng cơ sở dữ liệu ngành về giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông tại 63/63 Sở GD&ĐT, 710 phòng GD&ĐT.
Thu thập được 22 triệu hồ sơ HS, 1,5 triệu hồ sơ GV, nhân viên và CBQL từ 53 nghìn trường học.
Thông tin về cơ sở vật chất, nhà vệ sinh trường học cũng đã được xây dựng và số hóa.
Hệ thống thống kê về giáo dục đại học đã thu thập được 1,3 triệu hồ sơ SV, 94.000 hồ sơ giảng viên từ 247 trường ĐH, học viện, các trường CĐ có đào tạo sư phạm.
Đây là cơ sở dữ liệu quan trọng phục vụ cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của ngành.
Tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, với mục tiêu Việt Nam gia nhập nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI). Có 8 lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong triển khai thực hiện.
Đó là: Y tế, Giáo dục, Tài chính - Ngân hàng, Nông nghiệp, Giao thông vận tải và Logistics, Năng lượng, Tài nguyên và Môi trường và Sản xuất công nghiệp.
Trong lĩnh vực GD&ĐT, các nhiệm vụ, giải pháp sẽ được chú trọng để chuyển đổi số gồm: “Phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa. 100% các cơ sở giáo dục triển khai dạy và học từ xa, trong đó thử nghiệm chương trình đào tạo cho phép học sinh, sinh viên học trực tuyến tối thiểu 20% nội dung chương trình.
Ứng dụng công nghệ số để giao bài tập về nhà và kiểm tra sự chuẩn bị của học sinh trước khi đến lớp. Triển khai áp dụng mô hình giáo dục tích hợp khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán học và nghệ thuật, kinh doanh, doanh nghiệp, đào tạo tiếng Anh và kỹ năng sử dụng công nghệ số, bảo đảm an toàn, an ninh mạng tại các cấp học.
Điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo ở bậc đại học, sau đại học và dạy nghề các công nghệ số cơ bản như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây và Internet vạn vật.
Cung cấp các khóa học đại trà trực tuyến mở cho tất cả người dân nâng cao khả năng tiếp cận giáo dục nhờ công nghệ số, đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng số.
Phổ cập việc thi trực tuyến; công nhận giá trị của các chứng chỉ học trực tuyến; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập; phát triển các doanh nghiệp công nghệ phục vụ giáo dục hướng tới đào tạo cá thể hóa”.
Để đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong GD&ĐT giai đoạn 2021 – 2025, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ chú trọng triển khai 4 vấn đề cơ bản: Phát triển hệ thống dữ liệu toàn quốc về GD&ĐT; phát triển, khai thác hệ thống học liệu và môi trường học tập số; xây dựng và triển khai khung năng lực số cho HS phổ thông; phát triển nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực CNTT và chuyển đổi số.