Nhận diện khó khăn trước dạng thức câu hỏi trắc nghiệm mới

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Giáo viên nhận diện khó khăn khi cho học sinh làm quen với dạng thức câu hỏi trắc nghiệm mới để từ đó có giải pháp triển khai hiệu quả.

Giờ học tại Trường THPT Trần Quang Khải (Hưng Yên).
Giờ học tại Trường THPT Trần Quang Khải (Hưng Yên).

2 dạng thức câu hỏi mới

Bộ GD&ĐT đã công bố cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Thầy Bùi Ngọc Quyết, Tổ trưởng Tổ Toán, Vật Lí, Hóa học, Trường THPT Tân Sơn (Tân Sơn, Phú Thọ) cho biết, đề có 3 dạng thức câu hỏi: trắc nghiệm nhiều lựa chọn vốn quen thuộc với học sinh nhiều năm nay; trắc nghiệm dạng đúng/sai; trắc nghiệm dạng trả lời ngắn.

Dạng trắc nghiệm chọn đúng/sai có 4 câu hỏi với 16 ý (4 ý/câu). Điểm tối đa là 1 điểm/câu và tổng điểm của dạng thức này là 4 điểm. Cấp độ tư duy chủ yếu ở mức nhận biết, thông hiểu (chỉ có 3/16 ý là mức vận dụng). Cách tính điểm cho dạng thức này theo kiểu bậc thang, số ý trả lời đúng trong một câu càng nhiều thì điểm của câu đó càng cao (đúng 1/4 ý được 0,1 điểm; đúng 2/4 ý được 0,25 điểm, đúng 3/4 ý được 0,5 điểm, đúng 4/4 ý được 1 điểm).

Dạng thức này khả năng phân hóa học sinh rất cao; đòi hỏi học sinh phải nắm chắc kiến thức, tránh đọc không kỹ đề, làm nhanh, vội rất dễ mất điểm.

Dạng thức trắc nghiệm trả lời ngắn chủ yếu đánh giá học sinh ở năng lực giải quyết vấn đề môn học, năng lực mô hình hóa và các câu hỏi đều ở mức độ vận dụng. Để tìm được đáp án cho các câu hỏi, học sinh cần có khả năng phân tích, tìm lời giải, tính toán chính xác. Câu hỏi ở dạng thức này phù hợp với học sinh khá giỏi, hiểu rõ bản chất vấn đề, có khả năng lập luận, tính toán thành thạo.

Cô Bùi Thị Thơ, giáo viên Trường THPT Mường Chiềng (Đà Bắc, Hòa Bình) hướng dẫn học sinh về dạng câu hỏi trắc nghiệm đúng/sai với môn Toán.

Cô Bùi Thị Thơ, giáo viên Trường THPT Mường Chiềng (Đà Bắc, Hòa Bình) hướng dẫn học sinh về dạng câu hỏi trắc nghiệm đúng/sai với môn Toán.

Nhận diện khó khăn

Vì là dạng thức câu hỏi mới nên các nhà trường đã nhanh chóng có giải pháp cho học sinh làm quen, tiến tới làm tốt các dạng thức này. Quá trình thực hiện có phát sinh những khó khăn cần giải quyết.

Theo cô Vũ Thị Anh, giáo viên Trường THPT Ân Thi (Hưng Yên), hiện tại học sinh của trường phần lớn chưa chọn 2 môn còn lại để thi tốt nghiệp THPT, nhà trường chưa có kế hoạch xây dựng câu hỏi theo dạng thức mới. Do đó, nhiều giáo viên vẫn chưa nhiệt tình xây dựng các dạng câu hỏi theo đề minh họa của Bộ GD&ĐT cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ 2025.

Trong khi đó, xây dựng câu hỏi/đề kiểm tra đòi hỏi sự đầu tư chuyên môn và rất nhiều công sức của giáo viên, nhất là dạng câu hỏi đúng/sai. Giáo viên cần đầu tư chất xám và cần có sự hỗ trợ, phản biện cho nhau thì mới có được những câu hỏi chất lượng.

Cùng quan điểm, thầy Giáp Văn Khương, Tổ trưởng tổ Toán, Trường THPT Lục Nam (Bắc Giang) cũng nhấn mạnh, ở dạng thức câu hỏi trắc nghiệm đúng/sai, đòi hỏi giáo viên phải rất chuyên tâm đầu tư, vững vàng về chuyên môn để thiết kế câu hỏi đảm bảo yêu cầu. Ngoài ra, về chương trình mới, thầy cô cần thời gian và sự tích cực tự học tập, bồi dưỡng để nắm vững kiến thức, phương pháp áp dụng phù hợp...

“Giáo viên cần đọc hiểu kỹ và phân tích các vấn đề liên quan cho một bài toán để thiết kế câu hỏi phù hợp, đặc biệt là với dạng thức câu hỏi chọn đúng/sai. Đồng thời, xây dựng câu hỏi đảm bảo yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực, tăng cường ứng dụng vào giải quyết vấn đề trong thực tiễn”, thầy Giáp Văn Khương chia sẻ.

Trong khi đó, thầy Trần Văn Tỏ, giáo viên Toán Trường THPT Đức Hợp (Hưng Yên) lại cho rằng, một trong những khó khăn là tìm hiểu và áp dụng các phương pháp giảng dạy phù hợp với dạng thức mới. Đồng thời, việc tạo ra môi trường học tập thuận lợi, hấp dẫn cũng là một thách thức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ