Chinh phục đề minh họa định dạng đề thi Ngữ văn tốt nghiệp THPT 2025

GD&TĐ - Phân tích đề minh họa cho cấu trúc, định dạng đề thi tốt nghiệp THPT 2025 môn Ngữ văn, giáo viên đưa ra lưu ý trong định hướng dạy học môn học này.

Cô trò Trường THPT Trần Quang Khải (Hưng Yên) trong giờ Ngữ văn.
Cô trò Trường THPT Trần Quang Khải (Hưng Yên) trong giờ Ngữ văn.

Ngày 29/12/2023, Bộ GD&ĐT công bố cấu trúc định dạng đề thi và đề minh họa cấu trúc định dạng đề thi của Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Theo đó, môn Ngữ Văn được tổ chức thi theo hình thức tự luận trên giấy, thời gian thi 120 phút.

Nhận định đề minh họa, cô Nguyễn Thị Giang Hương, giáo viên Trường THPT Trần Quang Khải (Khoái Châu, Hưng Yên) cho rằng: đề bám sát định hướng trong hoạt động kiểm tra, đánh giá của Chương trình GDPT 2018.

Học sinh chỉ cần nắm chắc kiến thức Ngữ văn về đặc trưng thể loại; rèn kĩ năng, năng lực đọc hiểu văn bản của những thể loại được học trong chương trình thì hoàn toàn có khả năng chinh phục đề minh hoạ.

Thời lượng 120 phút là hoàn toàn phù hợp với cấu trúc, định dạng của đề. Học sinh đủ thời gian hoàn thành tốt yêu cầu đặt ra. Cấu trúc, phân chia điểm số rõ ràng, phù hợp, đánh giá được kĩ năng đọc, viết của học sinh với môn Ngữ văn.

Phần Đọc hiểu (4 điểm), đề đưa văn bản Chiến thắng Mtao Grự - trích sử thi Đăm Săn, nằm ngoài chương trình (đúng với yêu cầu). Học sinh đã được tìm hiểu một văn bản khác cùng tác phẩm,thể loại nên việc nhận diện, trả lời các câu hỏi cũng dễ dàng.

Đề có 5 câu hỏi tự luận, trong đó 2 câu nhận biết, 1 câu thông hiểu giúp học sinh dễ có điểm. Học sinh học lực trung bình sẽ gặp chút khó khăn ở câu 3 với yêu cầu “chỉ ra sự khác nhau của biện pháp tu từ so sánh trong hai câu văn”, bởi trước đó học sinh chỉ quen dạng “chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ so sánh”.

Phần Viết (6 điểm) được chia thành 2 câu. 1 câu viết đoạn văn 200 chữ, được 2 điểm. 1 câu viết bài văn 600 chữ, được 4 điểm.

Câu 1: Nghị luận xã hội viết về đặc điểm của nhân vật thần thoại trong văn bản Thần Mưa. Đề bài không quá khó vì học sinh đã được học khá kĩ lưỡng đặc trưng thể loại sử thi qua nhiều văn bản khác nhau trong chương trình Ngữ văn 10 kì I. Tuy nhiên, học sinh cần trình bày chính xác, khoa học, logic vấn đề, tránh viết lan man, nhất là nhầm sang kiểu đề phân tích tác phẩm.

Câu 2: Nghị luận xã hội viết bài văn nghị luận bày tỏ ý kiến bản thân về những khó khăn, thử thách đối với tuổi trẻ. Dạng câu nghị luận xã hội này quá quen thuộc với học sinh, không làm khó được các em.

Song muốn được điểm cao ở câu này, học sinh cần thể hiện rõ khả năng của bản thân: nắm vững thao tác, kĩ năng viết dạng đề nghị luận xã hội, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các bước làm bài, diễn đạt rõ ràng, thể hiện quan điểm, chính kiến cá nhân, dẫn chứng phù hợp, thuyết phục.

“Qua phân tích đề minh hoạ môn Ngữ văn chúng tôi thấy, mặc dù sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa nhưng nhưng bám sát vào các thể loại học sinh đã được học.

Các em không gặp nhiều khó khăn khi trả lời câu hỏi, song để đạt điểm từ 7,5 trở lên, giáo viên và học sinh đều cần phải có định hướng, phương pháp dạy học để đáp ứng việc đổi mới kiểm tra, đánh giá ngay từ bây giờ”, cô Nguyễn Thị Giang Hương lưu ý.

Đề minh họa có nhiều đổi mới. Yêu cầu của từng phần rõ ràng, phân hoá được đối tượng khá, giỏi, đáp ứng việc nâng cao chất lượng dạy học bộ môn. Đề được công bố sớm giúp giáo viên, nhà trường sớm định hướng có phương pháp, kĩ thuật dạy học phù hợp cho học sinh.

Dưới sự chỉ đạo sát sao của Ban Giám hiệu, Ban chuyên môn, tổ Ngữ văn - Giáo dục công dân Trường THPT Trần Quang đã nhanh chóng hội ý, đưa ra những đề xuất mang tính định hướng cho việc dạy học môn Ngữ văn trong thời gian tới.

Cô Nguyễn Thị Giang Hương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ