Định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025: Nhanh chóng triển khai

GD&TĐ - Ngành Giáo dục các địa phương, đặc biệt trường THPT có bước chuẩn bị trong dạy, học để đáp ứng kỳ thi quan trọng này...

Cô, trò lớp 12 Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (Tiền Giang) trong giờ học Ngữ văn. Ảnh: Q. Ngữ
Cô, trò lớp 12 Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (Tiền Giang) trong giờ học Ngữ văn. Ảnh: Q. Ngữ

Chủ động chuẩn bị

Theo đại diện Sở GD&ĐT Hậu Giang, sau khi công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, các trường THPT đã tổ chức họp tổ trưởng bộ môn để xây dựng kế hoạch giảng dạy phù hợp. Nhà trường lưu ý học sinh ngoài học để thi tốt nghiệp THPT cần tập trung vào môn khác để bổ trợ kiến thức; đặc biệt hỗ trợ việc xét tuyển vào cao đẳng, đại học. Vì vậy, sẽ không có tình trạng học sinh coi trọng môn thi tốt nghiệp, lơ là các môn không thi.

Cô Trịnh Thị Trúc Linh - Hiệu trưởng Trường THPT Long Mỹ (Hậu Giang) cho biết: Học sinh THPT ngay từ lớp 10 được tư vấn, hướng dẫn lựa chọn tổ hợp môn học. Như vậy, đồng nghĩa các em đã định hướng được tổ hợp xét tuyển cao đẳng, đại học nên phải chủ động học các môn.

Theo chia sẻ của lãnh đạo các trường THPT, thi tốt nghiệp THPT ít môn hơn là lợi thế cho học sinh. Nhưng càng thi ít môn càng phải kiểm soát chặt việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ ở trường để duy trì chất lượng dạy học. Trao đổi về vấn đề này, thầy Phạm Hoàng Khang - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hậu Giang) cho biết:

Sau khi có phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch giảng dạy theo hướng gọn hơn, nhằm tạo điều kiện cho học sinh. Còn vấn đề thi ít môn có xảy ra tình trạng học lệch hay không thì thầy cô giáo và học sinh lưu ý, để xét tốt nghiệp THPT ngoài kết quả thi còn đánh giá quá trình học tập (học bạ), vì vậy bắt buộc học sinh phải học các môn.

Tại Tiền Giang, theo chia sẻ của cán bộ quản lý, giáo viên, cấu trúc và đề thi minh họa được sử dụng trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đã thể hiện rõ nét tinh thần đổi mới của Chương trình GDPT năm 2018 là đánh giá năng lực theo từng cấp độ tư duy của học sinh.

Với dạng thức đề thi mới này hạn chế tình trạng học sinh “học tủ”. Do đó, việc đổi mới trong cấu trúc đề thi minh họa đặt ra cho các trường THPT những định hướng mới trong giảng dạy cũng như kiểm tra, đánh giá phù hợp với tinh thần Chương trình GDPT 2018…

Thầy Võ Hoài Nhân Trung - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (Tiền Giang) cho biết: Với cấu trúc của định dạng đề minh họa thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, từng trường, giáo viên phải thích nghi, cập nhật, thay đổi trong cách kiểm tra, đánh giá học sinh, nhằm đáp ứng yêu cầu của tinh thần chương trình mới đề ra.

Trước những thay đổi quan trọng của Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, thầy Nguyễn Phúc Viễn - Hiệu trưởng Trường THPT Chợ Gạo (Tiền Giang) cho rằng, chương trình mới đặt ra nhiều vấn đề về đổi mới, trong đó có thay đổi kiểm tra, đánh giá. Thời gian tới, ban giám hiệu nhà trường sẽ định hướng các tổ chuyên môn để điều chỉnh sao cho phù hợp; đặc biệt đối với những học sinh học theo Chương trình GDPT năm 2018 ở khối 10, 11…

Thí sinh vào phòng thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 tại điểm thi THPT chuyên Nguyễn Thiện Thành (Trà Vinh). Ảnh: Q. Ngữ

Thí sinh vào phòng thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 tại điểm thi THPT chuyên Nguyễn Thiện Thành (Trà Vinh). Ảnh: Q. Ngữ

Dạy – học theo hướng phân hóa đối tượng

Trường THPT Hướng Phùng (Hướng Hóa, Quảng Trị) đã kịp thời phân tích cấu trúc, ma trận định dạng đề thi minh họa để xây dựng đề kiểm tra cuối học kỳ I đối với khối lớp 10 và 11. Trong đó, đề khối lớp 11 được triệt để đổi mới theo định dạng đề thi minh họa để phân tích mức độ đáp ứng yêu cầu học sinh, từ đó có kế hoạch điều chỉnh phương pháp dạy học.

Cô Lê Thị Phúc - phụ trách tổ Ngữ văn, Trường THPT Hướng Phùng cho biết: Dù trong các đề kiểm tra định kỳ trước đây vẫn có câu hỏi trắc nghiệm nhưng chỉ ở dạng chọn đáp áp dựa trên phương án có sẵn. Vì vậy, các kiểu câu hỏi trắc nghiệm lựa chọn đúng sai và điền khuyết, học sinh có sự lúng túng rõ rệt.

Theo cô Phúc, học sinh học lực dưới trung bình khó để đạt trên 2 điểm với đề kiểm tra được xây dựng theo định dạng đề minh họa. Với đầu vào thấp, kỹ năng đọc – viết nhiều học sinh Vân Kiều tại Trường THPT Hướng Phùng còn nhiều hạn chế, cô Phúc cho rằng, kết quả này không quá bất ngờ khi đánh giá theo đúng mục tiêu của Chương trình GDPT 2018.

Từ đây, các giáo viên bộ môn cần điều chỉnh kế hoạch dạy – học, đánh giá học sinh. “Trong tiết dạy, giáo viên phải xây dựng bài tập ở nhiều mức độ khác nhau dựa trên năng lực tiếp nhận của học sinh để rèn luyện các kỹ năng, củng cố kiến thức học sinh. Trong đó, với nhóm học sinh dưới trung bình, cần nhiều bài tập để củng cố kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất. Mục tiêu đặt ra là nhóm học sinh này phải đạt điểm trung bình khi tốt nghiệp. Đối với nhóm học sinh khá trở lên, giáo viên cần cung cấp bài tập dạng nâng cao”, cô Phúc thông tin.

Trong khi đó, cô Lê Thị Kim Bông - giáo viên Hóa học, Trường THPT Bình Sơn (Bình Sơn, Quảng Ngãi) nhận xét, quá trình đổi mới trong kiểm tra, đánh giá các trường THPT thực hiện lâu nay gần tiệm cận với tinh thần của định dạng cấu trúc đề minh họa.

“Trong sách giáo khoa, sách bài tập, học sinh đã tiếp xúc các câu hỏi trắc nghiệm theo hình thức lựa chọn đúng – sai, điền khuyết nên không quá bỡ ngỡ. Vấn đề còn lại là các tổ chuyên môn phải xây dựng bổ sung vào ngân hàng nhiều câu hỏi trắc nghiệm ở 2 dạng này để trong kiểm tra thường xuyên và định kỳ học sinh được tiếp cận nhiều hơn và sớm hình thành kỹ năng làm bài”.

Với môn Toán, cô Nguyễn Thị Hà Cẩm - Trường THPT Phan Châu Trinh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết, lâu nay, đề kiểm tra của nhà trường xây dựng theo cấu trúc 30% câu hỏi trắc nghiệm và 70% câu hỏi tự luận. Dạng câu hỏi điền khuyết, lựa chọn đúng sai vẫn có trong đề kiểm tra, tuy nhiên số lượng câu hỏi không nhiều.

Với việc tăng số lượng câu hỏi trắc nghiệm theo hình thức điền khuyết và lựa chọn đúng sai, cô Nguyễn Thị Hà Cẩm chia sẻ, trong quá trình dạy – học, giáo viên hướng cho học sinh nắm được nội dung kiến thức cốt lõi cần ghi nhớ và có khả năng tự diễn đạt lại một cách ngắn gọn thì bài làm mới đạt yêu cầu.

Thầy Nguyễn Bách Sa lưu ý học sinh trong quá trình học, ôn tập môn Ngữ văn. Ảnh: Dung Nguyễn

Thầy Nguyễn Bách Sa lưu ý học sinh trong quá trình học, ôn tập môn Ngữ văn. Ảnh: Dung Nguyễn

Trang bị phương pháp học, ôn thi phù hợp

Đề thi minh họa giúp học sinh hình dung cụ thể hơn cấu trúc, nội dung, mức độ cần đạt của từng môn học. Mặc dù đề minh họa Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 có vai trò quan trọng, song trong quá trình dạy học giáo viên phải lưu ý tránh làm sai lệch quan điểm, mục tiêu chương trình mới.

Thầy Nguyễn Bách Sa - giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Nguyễn Du (Đăk Hà, Kon Tum) cho biết, Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 là kỳ thi đầu tiên theo Chương trình GDPT 2018 nên khá mới mẻ đối với giáo viên và học sinh. Đề minh họa như sự chỉ dẫn, định hướng giúp các em tự tin, chủ động trong việc học. Khi các em làm thử đề thi minh họa cùng với nhận xét, đánh giá của giáo viên sẽ nhìn nhận rõ năng lực, kỹ năng, điểm mạnh bản thân để xây dựng lộ trình học tập.

Đối với môn Ngữ văn, từ năm 2025 trở đi, đề thi tốt nghiệp THPT vẫn giữ nguyên cấu trúc hai phần như kỳ thi tốt nghiệp hiện nay nhằm đánh giá năng lực đọc hiểu và viết của học sinh. Điểm mấu chốt trong đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn là ngữ liệu mới ngoài sách giáo khoa. Do đó, thầy Sa lưu ý học sinh cần trang bị phương pháp học tập, ôn thi phù hợp.

Cụ thể, việc đọc sách không chỉ nâng cao năng lực đọc hiểu mà còn giúp các em trau dồi vốn từ viết lách. Các văn bản nghị luận và văn bản thông tin mới mẻ, cập nhật cũng là ngữ liệu có thể xuất hiện trong đề thi. Chính vì vậy, học sinh cần rèn luyện kỹ năng tìm kiếm và xử lý thông tin hiệu quả.

Bên cạnh đó, đọc sách đúng phương pháp là cách để giải quyết thông tin văn bản nhanh chóng hơn, bởi ngữ liệu đề thi hoàn toàn xa lạ, thời gian thi có giới hạn. Để đọc tốt, học sinh cần ứng dụng mô hình 5W+1H (ai, ở đâu, vì sao, khi nào, cái gì và như thế nào), nhằm mở rộng thông tin liên quan đến văn bản. Ngoài ra, học sinh cần tăng cường luyện tập, thực hành giải đề kiểm tra, đề thi.

Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận nên phần thực hành viết rất quan trọng. Ngoài đọc hiểu các thông tin, sự kiện, chi tiết,… trong văn bản, học sinh cần có kỹ năng diễn đạt vấn đề, chuyển tải được suy nghĩ dưới dạng văn bản viết. Luyện tập giải đề là một trong những cách thức tự kiểm tra kỹ năng viết của bản thân. Trước tiên, học sinh cần viết đúng chính tả, ngữ pháp, văn phong, vấn đề, sau đó luyện tập cách viết hay, cảm xúc và sáng tạo.

Đồng thời học theo sơ đồ tư duy - một trong những phương pháp học tập được áp dụng phổ biến hiện nay. Sử dụng sơ đồ chính là tìm kiếm các từ ngữ quan trọng thể hiện luận điểm chính, phụ trong văn bản.

Đặc biệt, thầy Sa lưu ý học sinh cần thay đổi tâm thế và quan niệm học môn Ngữ văn. Bởi văn học là rung động xúc cảm, con đường cảm thụ những câu chuyện, ngôn từ mà tác giả thể hiện. Học sinh cần học trong tâm thế thoải mái, đầy cảm hứng thì mới cảm nhận được những giá trị tốt đẹp của văn chương.

Trong đề thi, nhất là câu nghị luận xã hội, khuyến khích học sinh thể hiện chính kiến, cách nhìn nhận của bản thân về vấn đề xã hội. Vì vậy các em không cần ngần ngại viết ra những ý kiến, ấn tượng riêng của mình, miễn là tư tưởng ấy không trái với quy định pháp luật, không đi ngược thuần phong mỹ tục dân tộc Việt Nam.

Còn thầy Phạm Đức Phước - Phó Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Liên Việt Kon Tum (Kon Tum) trao đổi, ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề minh họa cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, nhà trường đã tổ chức cho giáo viên tìm hiểu, nghiên cứu. Qua đó, các tổ chuyên môn họp phân tích đề minh họa các môn thi tốt nghiệp 2025 cả về cấu trúc lẫn nội dung và so sánh với đề những năm học trước. Trên cơ sở phân tích, giáo viên triển khai rộng rãi và định hướng cho học sinh cách học và ôn tập.

“Trên cơ sở tổ hợp xét tuyển đại học, đơn vị sẽ phổ biến cho học sinh biết và có định hướng chọn môn thi tự chọn phù hợp với năng lực và định hướng nghề nghiệp”, thầy Phước nói.

Theo thầy Phước, trong quá trình dạy học và ôn tập, giáo viên cũng lưu ý học sinh tìm hiểu về các dạng thức trong đề trắc nghiệm, chủ động kế hoạch ôn luyện để đạt kết quả cao nhất. Đặc biệt chú ý đối với dạng thức 2: Câu hỏi trắc nghiệm dạng đúng/sai, mỗi câu hỏi có 4 ý, thí sinh phải trả lời đúng/sai đối với từng ý của câu hỏi.

Dạng thức này đòi hỏi thí sinh phải có năng lực, kiến thức kỹ năng toàn diện mới đạt được điểm tối đa; Dạng thức 3: Câu hỏi trắc nghiệm dạng trả lời ngắn. Dạng thức này gần với dạng câu hỏi tự luận, được đánh giá thông qua kết quả cuối cùng mà thí sinh phải tự điền vào phiếu trả lời. Dạng thức này đòi hỏi thí sinh có năng lực, kiến thức, kỹ năng chắc chắn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ