Cô giáo cùng con "vượt" ung thư

GD&TĐ - 4 tháng đằng đẵng nằm tại Bệnh viện Nhi đồng II, mẹ con cô Thúy sống dựa vào bữa cơm từ thiện. Những hôm truyền hóa chất, đứa con gần 2 tuổi khóc ngằn ngặt, cô Thúy chỉ biết ôm con vào lòng thức trắng đêm.

Cô giáo Đặng Thị Thanh Thúy luôn tận tụy, chỉ bảo tận tình cho học sinh.
Cô giáo Đặng Thị Thanh Thúy luôn tận tụy, chỉ bảo tận tình cho học sinh.

Sống nhờ vào bữa cơm từ thiện

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông nên từ nhỏ cô Đặng Thị Thanh Thúy (giáo viên Mỹ thuật, Trường Tiểu học và THCS Trường Sa, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) luôn ý thức phải cố gắng học tập để sau này có cơ hội thoát nghèo.

Học xong cấp 3, cô Thúy thi đậu vào Trường Cao đẳng Nghệ thuật Huế, chuyên ngành Sư phạm Mỹ thuật, sau đó cô vừa làm, vừa học lên đại học. Những ngày đầu khi mới ra trường cô được phân công về giảng dạy tại huyện Sa Thầy, cách nhà vài chục km.

Năm 2009, sau một năm lập gia đình, cô hạ sinh người con đầu tiên. Khi con vừa tròn 4 tháng tuổi, cô Thúy đành gửi con cho người quen rồi quay trở lại công việc.

“Ông bà nội ở xa, bà ngoại lại đau ốm liên miên nên mỗi sáng tôi thức dậy sớm nấu ăn rồi đưa con đi nhà trẻ. Thương con lắm, nhưng khi đó cuộc sống khó khăn, chồng tôi cũng công tác xa nhà nên không còn cách nào khác. May mắn, Ban giám hiệu nhà trường cũng tạo điều kiện để tôi dạy một buổi, xong việc lại chạy về với con”, cô Thúy chia sẻ.

4 năm sau, cô Thúy sinh người con thứ 2. Những tưởng cuộc sống gia đình nhỏ cứ thế êm đềm trôi qua. Tuy nhiên, khi cậu con trai thứ chưa tròn 2 tuổi bỗng bị sốt cao. Tưởng rằng con bị sốt do thay đổi thời tiết nên gia đình đưa đi thăm khám và cho uống thuốc. Thế nhưng, cơn sốt ngày một nặng hơn, kéo dài hàng tuần không khỏi. Cô Thúy cùng chồng ôm con đến khắp các bệnh viện lớn nhỏ để thăm khám nhưng vẫn không tìm ra bệnh.

“Tới lui hàng chục bệnh viện nhưng không tìm được nguyên nhân khiến con sốt liên miên nên tôi ôm con vào Bệnh viện Nhi đồng II ở Thành phố Hồ Chí Minh. Hai mẹ con nằm viện gần 2 tháng trời các bác sĩ mới tìm ra bệnh và thông báo con bị ung thư máu. Lần đầu tiên vào hóa chất, bác sĩ đã nói gia đình chuẩn bị tâm lý vì sợ con không đủ sức khỏe để chịu đựng và có thể ra đi bất cứ lúc nào. Khi đó, tôi chỉ biết khóc và cầu mong con có thể mạnh mẽ vượt qua.

4 tháng sau đó, con phải truyền hóa chất liên tục. Số tiền ít ỏi mà gia đình dành dụm được đều lo thuốc thang, viện phí nên 2 mẹ con phải sống nhờ vào những bữa cơm từ thiện. Ấy thế mà mẹ con tôi cũng vượt qua được”, cô Thúy nhớ lại.

5 thành viên trong gia đình cô Thúy luôn san sẻ khó khăn cùng nhau.
5 thành viên trong gia đình cô Thúy luôn san sẻ khó khăn cùng nhau.

Chỉ mong con khỏe mạnh

Những lần vào hóa chất, xạ trị cậu con trai chưa dứt sữa mẹ đau đớn, khóc ngằn ngặt. Khi đó, cánh tay cô Thúy chằng chịt những dấu răng, vết bầm tím vì trong lúc đau đớn cậu con trai cắn chặt. Nhiều hôm cô Thúy bật khóc, không phải do vết bầm tím trên tay, mà là vì thương con còn nhỏ đã phải chịu cảnh đau đớn. Cô Thúy chỉ ước bản thân có thể chịu những cơn đau thay con.

“4 tháng ở bệnh viện, người con lớn vợ chồng tôi phải gửi nhà trẻ rồi nhờ bạn đón đưa. Khi thì gửi ông bà ngoại, đến hè lại đưa về quê nhờ ông bà nội chăm sóc. May mắn con hiểu chuyện, ngoan ngoãn cũng không đòi bố mẹ.

Thời điểm đó, khó khăn nhất đối với vợ chồng tôi là chi trả tiền viện phí. Một mình chồng đi làm không đủ trang trải nên phải vay mượn thêm ngân hàng. Có những lúc tôi thấy bất lực, nản lòng nhưng nghĩ lại các con cần mình nên 2 vợ chồng động viên nhau rồi cố gắng. Những ngày khó khăn, khốn khổ cuối cùng cũng dần qua”, cô Thúy tâm sự.

Trải qua vài lần truyền hóa chất, sức khỏe cậu con trai dần ổn định. Thời gian sau đó cứ một tuần, rồi ba tuần, nửa năm cô Thúy lại đưa con vào bệnh viện. Đến nay, đều đặn mỗi năm một lần vợ chồng cô Thúy phải đưa con vào Bệnh viện Nhi đồng II để thăm khám và lấy thuốc uống. Mỗi đợt như vậy, chi phí cũng từ 6 - 7 triệu đồng. Đến nay, sau 7 năm cùng con chiến đấu với căn bệnh ung thư máu, gia đình cô Thúy vẫn còn nợ vài trăm triệu đồng.

“Sau mấy năm chữa trị các bác sĩ nói gia đình theo dõi, khi con có biểu hiện bất thường thì đưa vào bệnh viện. Mặc dù, cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng vợ chồng tôi luôn lạc quan, động viên nhau cố gắng để làm lụng trả nợ và lo cho các con ăn học.

Giờ đây, tôi chỉ ước các con luôn khỏe mạnh. Nếu được tôi mong chồng chuyển công tác về gần nhà để hai vợ chồng cùng nhau chăm sóc, lo toan cho các con”, cô Thúy bộc bạch.

Mặc dù, sức khỏe của cậu con trai tạm ổn định, tuy nhiên những hôm trái gió trở trời vẫn đau ốm. Do đó, có những hôm lo toan cho 3 người con xong cô Thúy mới ngồi vào bàn làm việc để soạn giáo án.

“Tôi luôn cố gắng cân bằng công việc trên trường lớp và chăm các con. Bởi tôi biết con và học sinh luôn cần mình. Học sinh nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nên việc học con chữ sẽ mở ra cho các em tương lai xán lạn hơn”, cô Thúy tâm sự.

Thầy Lê Bá Bộ, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, cô Đặng Thị Thanh Thúy có 3 người con. Tuy nhiên, người con thứ 2 bị ung thư máu đã được khoảng 7 năm nay. Mặc dù, hoàn cảnh gia đình khó khăn, con hay đau ốm phải vào TP Hồ Chí Minh chữa trị nhưng cô Thúy luôn sắp xếp và hoàn thành tốt công việc được giao tại trường.

“Nắm được hoàn cảnh khó khăn của cô Thúy nên nhà trường cũng tạo điều kiện để cô có thời gian chăm sóc con cái. Cô Thúy cũng là một tấm gương sáng về nghị lực vượt khó vươn lên trong cuộc sống và dạy tốt, mang tri thức đến với học sinh”, thầy Bộ nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ