Cô giáo bị ung thư vẫn tiếp tục hành trình "trồng người"

GD&TĐ - Cô Hằng gần như suy sụp khi biết tin mình mắc căn bệnh ung thư quái ác. Nhưng chính tình thương với học trò nghèo đã giúp cô có đủ nghị lực chống lại bệnh tật, làm thiện nguyện, nâng bước trẻ đến trường.

Mặc dù mắc bệnh ung thư, nhưng cô Hằng vẫn luôn hết lòng vì trò nghèo.
Mặc dù mắc bệnh ung thư, nhưng cô Hằng vẫn luôn hết lòng vì trò nghèo.

Mong điều tốt đẹp nhất cho học trò

Cô Nguyễn Thuý Hằng (SN 1985, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai, Gia Lai) lớn lên ở huyện biên giới còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Từ nhỏ, cô luôn mong muốn trở thành một giáo viên để tiếp thêm sức mạnh cho học trò nghèo trên đường tìm con chữ. Sau khi tốt nghiệp ra trường, năm 2008 cô Hằng về làm giáo viên phụ trách Chi đội tại Trường Tiểu học Kim Đồng (thị trấn Ia Kha).

Ngày mới về trường, cô Hằng chứng kiến học sinh của mình đến lớp với những bộ quần áo không lành lặn. Thương cho hoàn cảnh của học trò tuy nghèo nhưng vẫn nỗ lực đến lớp. Với mong muốn tiếp thêm sức mạnh để các em đến trường, cô Hằng đã tổ chức nhiều hoạt động, chương trình ý nghĩa. Không những vậy, cô cũng tự tìm tòi, học hỏi để xây dựng những câu lạc bộ phát triển năng khiếu cho học sinh huyện biên giới Ia Grai.

“Khi đến trường, mình thấy các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Ngay cả bộ quần áo mặc trên người cũng không được tươm tất. Hoàn cảnh khó khăn, cuộc sống của các em vô cùng túng thiếu, bữa no còn lo chưa đủ. Do đó, khi về trường mình mong muốn làm điều gì đó để hỗ trợ cho các em học sinh”, cô Hằng tâm sự.

Nghĩ là làm, cô Hằng xây dựng quỹ “Vì bạn nghèo”, kêu gọi kinh phí từ cán bộ, giáo viên trong trường để hỗ trợ cho học trò. Từ ngày quỹ được thành lập, 37 em học sinh đã được hỗ trợ quần áo, sách vở để đến trường. Không những vậy, mỗi tháng quỹ sẽ chọn ra hai học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để hỗ trợ 200.000 đồng. Với những em học sinh khó khăn, có ý định nghỉ học, cô Hằng đến tận nhà khuyên nhủ các em cố gắng đến trường. Nếu có gì khó khăn, cô sẽ kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ, giúp đỡ.

Nhận thấy học trò miền biên giới nhút nhát, ít tâm sự với thầy cô, bạn bè nên cô Hằng nghĩ đến việc xây dựng hòm thư “Điều em muốn nói”. Thông qua hòm thư, các em học sinh có thể tự do góp ý, chia sẻ những việc làm tốt, xấu đã biết và chứng kiến. Từ đó, những việc làm sau trái bị lên án, góp phần nâng cao công tác giáo dục học sinh trong nhà trường.

“Nhiều em học sinh gia đình khó khăn nên không có cơ hội được bộc lộ năng khiếu hay sở thích của mình. Do đó, mình đã tổ chức một số câu lạc bộ, như âm nhạc, cờ vua, mỹ thuật… để các em có cơ hội tham gia. Từ đó, học sinh phát hiện năng khiếu của mình để có thời gian trau dồi, phát huy năng lực. Thông qua đó, mình hy vọng các em sẽ cố gắng nỗ lực để học tập, hoàn thành ước mơ. Mình luôn hy vọng và mong rằng những điều tốt đẹp sẽ đến với các em học sinh”, cô Hằng chia sẻ.

Nhà trường tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để học sinh biết sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn.
Nhà trường tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để học sinh biết sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn.

Căn bệnh quái ác không cản được đam mê trồng người

Khoảng thời gian êm đềm cứ thế trôi qua, nhưng một ngày của năm 2018, cô Hằng bỗng thấy cơ thể mình mệt mỏi, đau đớn bất thường. Khi đến bệnh viện khám, cô suy sụp khi hay tin mình bị ung thư bàng quang. Những ngày đầu biết bệnh, cô Hằng chỉ biết khóc và sống thu mình, chịu đựng những cơn đau quằn quại đang hành hạ cơ thể. Kể từ đó, những lần hoá trị ngày một nhiều hơn. Mỗi lần như thế, cơ thể cô trở nên tiều tụy, nằm vật vã sau những cơn đau.

“Từ ngày tôi phát hiện mình bị ung thư bàng quang, người thân, bạn bè luôn ở bên cạnh động viên tôi cố gắng. Không những vậy, các em học sinh cũng thường xuyên viết thư tay động viên, khích lệ tôi cố gắng chiến thắng bệnh tật. Những điều đó đã giúp tôi cố gắng chống trọi, vượt qua những lần hoá trị. Ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh đã giúp tôi nhận ra rằng cuộc sống này thật đáng quý. Do đó, tôi nghĩ, bản thân mình phải cố gắng vượt qua bệnh tật để tiếp tục giúp đỡ, hỗ trợ học sinh nghèo đến trường”, cô Hằng tâm sự.

Sau gần một năm chiến đấu với căn bệnh quái ác, cô Hằng trở lại hành trình trồng người của mình. Cô tiếp tục thực hiện những dự định còn dang dở để tiếp thêm sức mạnh cho học trò đến lớp. Ngoài thời gian trên trường, cô Hằng kết nối với nhiều nhà hảo tâm, mạnh thường quân để vận động quyên góp quần áo, sách vở cho các em học sinh khó khăn. Nhờ vậy, những em học sinh nghèo đều có đủ đầy quần áo, sách vở khi đến lớp.

“Mình chỉ mong ước bản thân có thật nhiều sức khoẻ để có thể đồng hành, hỗ trợ học trò nghèo vững bước đến trường. Ung thư không phải là dấu chấm hết mà nó là động lực giúp cho mình sống tốt hơn, sẻ chia nhiều hơn”, cô Hằng bộc bạch.

Cô Hoàng Thị Bích Lân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng cho biết, từ ngày về trường nhận công tác, cô Nguyễn Thuý Hằng luôn là một giáo viên có năng lực, nhiệt tình và sáng tạo trong công việc.

Theo cô Lân, mặc dù mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, nhưng cô Hằng vẫn hết lòng vì học trò. Theo đó, để tiếp sức cho học sinh nghèo đến trường, cô Hằng thường xuyên kêu gọi các nhà hảo tâm, mạnh thường quân hỗ trợ cho các em trong và ngoài trường. Nhờ vậy, trong nhiều năm liên đội đã nhận được Bằng khen, cờ thi đua của Trung ương đoàn, Tỉnh đoàn.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ