Cô giáo mắc bệnh ung thư nhưng vẫn đứng lớp đều đặn và không ngừng tìm tòi cách dạy hay

GD&TĐ - Câu chuyện cảm động về cô giáo Trần Thị Hồng Thái- Cô giáo mắc bệnh ung thư nhưng vẫn đứng lớp đều đặn và không ngừng tìm tòi cách dạy hay của hai tác giả Nguyễn Danh Hoàng và Nguyễn Thị Xuyến đã giành giải đặc biệt của cuộc thi viết Tấm gương nhà giáo năm 2017.

Cô giáo mắc bệnh ung thư nhưng vẫn đứng lớp đều đặn và không ngừng tìm tòi cách dạy hay

Tác phẩm: Cây phong ba trên đất liền của tác giả Nguyễn Danh Hoàng và Nguyễn Thị Xuyến (Chuyên viên Phòng GD&ĐT huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) viết về tấm gương của cô giáo Trần Thị Hồng Thái, tấm gương nỗ lực vượt khó để vươn lên trong cuộc sống và trong công việc.

Cô Nguyễn Thị Xuyến, tác giả của bài viết nhận định: Với tôi, cô Thái như một cây phong ba trên đất liền, không phải đối mặt trực tiếp với phong ba bão táp nhưng là một điểm tựa gần gũi, thiêng liêng với người chồng đang ngày đêm bám biển, giữ yên biển đảo quê hương.

Cô đã để lại trong lòng đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh sự quý mến, cảm phục và những ấn tượng đẹp về con người đầy nghị lực.

Cô giáo Trần Thị Hồng Thái sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo Hà Giang (Hà Trung, Thanh Hóa) trong một gia đình có 5 anh chị em, “bữa no thì ít, bữa đói thì nhiều” nhưng ước mơ được làm cô giáo, đứng trên bục giảng, thân thương nhìn những ánh mắt trong veo của học trò chưa lúc nào nguôi thôi thúc Thái.

Năm 2005, cô tốt nghiệp trung cấp sư phạm Mầm non và được phân công về công tác tại trường Mầm non Hà Giang quê hương cô. Không dừng lại ở đó, cô tiếp tục ôn thi và đi học đại học để nâng cao trình độ.

Năm 2009 cô tốt nghiệp cao đẳng SPMN và không lâu sau đó được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Với lòng yêu nghề mến trẻ, ham học hỏi cô được tín nhiệm bầu làm chủ tịch công đoàn trường Mầm non Hà Giang…

Cùng làng có anh lính hải quân, vốn biết Thái từ bé. Trong những ngày về phép ngắn ngủi, cảm phục trước nhiệt huyết, say đắm bởi nét dịu dàng mà cứng cỏi của cô giáo trẻ, chàng hải quân đem lòng si mê cô và họ cũng thầm thương trộm nhớ nhau từ đó.

Năm 2008 họ xây dựng gia đình và không lâu sau đó, Thái sinh được một cô con gái đầu lòng trong vòng tay yêu thương của gia đình nội, ngoại…

Cuộc sống có lẽ đã là viên mãn với Thái nếu như không có một biến cố xảy đến. Đó là một buổi trưa hè năm 2013, tôi nhận được điện thoại của trường Thái nói trong đợt khám sức khỏe định kì, Thái có những dấu hiệu xấu, cần đi khám chuyên sâu. Đó thực sự là một cú sốc lớn đối với Thái.

Được sự động viên của gia đình, đồng nghiệp, và nhận thức rằng bản thân mình sẽ là hậu phương vững chắc để chồng vững vàng tay súng giữ yên biển trời quê hương, cô như được tiếp thêm sức mạnh và tạm gác lại công việc, tạm xa đứa con gái bé bỏng và những đứa trẻ ngây thơ để đi xạ trị.

12 đợt truyền hóa chất với biết bao đau đớn, mỏi mệt cũng không khiến cô lo lắng bằng cuộc sống gia đình ở nhà: bố mẹ hai bên đều già yếu, cuộc sống bấp bênh, đứa con gái chưa đầy 3 tuổi phải gửi lại ông bà, chồng cô lúc bấy giờ cũng chưa thể cắt phép bởi tình hình biển Đông đang có nhiều dấu hiệu căng thẳng. Những khó khăn, vất vả và tủi cực cùng một lúc ập đến, vây lấy Thái, tưởng chừng khiến cô ngã gục, nhưng cô vẫn can đảm đứng vững…

Sau đợt điều trị dài ngày, Thái xuất viện và niềm vui lớn nhất của cô là lại được ôm đứa con nhỏ vào lòng, lại được đứng trên bục giảng dạy những đứa trẻ ngây ngô đang ngọng nghịu tập nói.

Như vừa được bước ra khỏi bầu trời tuyệt vọng, Thái hăng say lao vào làm việc, ngày đêm nghiên cứu, ngẫm nghĩ tìm ra những cách dạy hay, những phương pháp giáo dục trẻ thật lôi cuốn, hấp dẫn.

Cô tham gia Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường rồi đến cấp huyện, miệt mài ghi chép và đúc rút sáng kiến kinh nghiệm, nhiều sáng kiến của cô đã được đánh giá cao ở cấp huyện. 

Những ngày ấy trông Thái lúc nào cũng tràn đầy năng lượng, làm việc không biết mệt mỏi. Không nói ra nhưng ai cũng hiểu đó là một cách để Thái làm cho người chồng ở xa luôn yên tâm trong những ngày biển Đông đang sôi sục vì giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc.

Cuối năm 2015, lại một cú sốc kinh khủng hơn đến với Thái. Sau một lần thăm khám định kì, các bác sĩ kết luận các tế bào ung thư trong người cô đã di căn. Vậy là căn bệnh quái ác kia vẫn không chịu buông tha cho Thái, vẫn tiếp tục đeo bám, hành hạ cô…

Lúc đó, Thái như thấy có bàn tay ai đang ra sức nắm thật chặt lấy trái tim mình, dưới chân cô như có cả tấn đá đang đè xuống, cô không thể thở được, không thể bước tiếp và tưởng chừng như gục ngã.

Cuộc sống của mình kết thúc ngắn ngủi thế này sao? Cuộc đời của mình lại kết thúc một cách bi thảm thế này sao? Chồng còn lênh đênh trên biển, đứa con gái còn quá bé bỏng, bố mẹ thì già yếu, nếu có mệnh hệ gì với mình thì…

Nghĩ đến đó cô không dám nghĩ tiếp, và lại tiếp tục một chiến dịch dài chiến đấu chống lại bệnh tật. Cô chấp nhận phẫu thuật và tiếp tục điều trị hóa trị.

Nằm trên giường bệnh, thấy con ra thăm mà cô không cầm được nước mắt, muốn được ôm con vào lòng nhưng vì phải thực hiện nguyên tắc cách li sau điều trị hóa trị. Đứa con gái xa mẹ lâu ngày nên nhớ, cũng muốn sà vào lòng mẹ nhưng không được, nó giãy nảy, vùng vằng hờn dỗi vì mẹ không thương nó, không nhớ nó.

Cô Trần Thị Hồng Thái trong giờ hướng dẫn học sinh làm quen với chữ cái

Chuỗi ngày dài dằng dặc đó khiến cô gần như tuyệt vọng vì cơ thể không tiếp nhận được thuốc, chồng lại đang công tác ở Trường Sa lớn.

Nhưng có lẽ cũng chính hoàn cảnh cùng cực đó lại chắp thêm cho Thái sức mạnh, niềm tin trong cô vụt sáng, cô lại tiếp tục nuôi hi vọng và ông trời đã chẳng phụ cô thêm một lần nữa. Thái lại được tiếp tục trở về với công việc, với niềm đam mê cả một đời của mình, và cô lại tiếp tục khẳng định mình.

Năm học 2016 - 2017, Thái tham gia dự thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện và sau đó, với thành tích xuất sắc cấp huyện, cô được chọn tham gia dự thi cấp tỉnh. Niềm vui, niềm vinh dự và tự hào ấy như tiếp thêm sức mạnh cho Thái.

Vui nhất là hội thi cấp tỉnh lại diễn ra vào tháng 12, cô tự hứa sẽ cố gắng thật tốt để đạt được kết quả cao, làm món quà tặng người chồng thương yêu đang ngày đêm lênh đênh trên biển và không lúc nào không thương nhớ về cô.

Đúng ngày 22/12/2016, lúc  cô Trần Thị Hồng Thái đang say sưa thực hiện giờ giảng thứ hai của mình trên lớp thì có anh bộ đội hải quân xuất hiện ở cửa sổ lớp học với bó hoa trên tay. Trái tim Thái như bật khỏi lồng ngực, cô cố ngăn nhưng nước mắt cứ chảy. Niềm hạnh phúc đến với cô thật quá bất ngờ và ngoài sức tưởng tượng.

Sau phút trấn tĩnh, Thái tiếp tục phần bài học còn dang dở. Thì ra đơn vị biết hoàn cảnh của vợ chồng Thái nên đã tạo điều kiện để chồng Thái từ Trường Sa lớn về thăm gia đình và động viên vợ trong kì thi.

Anh không về quê mà lần hỏi và tìm đến đúng trường Mầm non Ba Đình Thành phố Thanh Hóa nơi Thái đang tham gia hội thi.

Sau khi tìm hiểu và biết chuyện chuyện gia đình Thái, Ban tổ chức hội thi, Ban Giám hiệu trường Mầm non Ba Đình đã linh động cho chàng hải quân được vào điểm thi để động viên vợ, họ còn giúp anh mua một bó hoa thật đẹp để chúc mừng Thái bởi vì quá hồi hộp nên anh cũng chưa chuẩn bị quà chúc mừng Thái.

Niềm vui như được nhân lên gấp bội khi cô là 1 trong 10 gương mặt tiêu biểu của Hội thi được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tặng giấy khen.

Nói đến Thái người ta hay nghĩ đến một tấm gương nỗ lực vượt khó để vươn lên trong cuộc sống và trong công việc. Kết quả 12 năm công tác của Thái thật đáng nể: 10 năm liên tục đạt danh hiệu “Giỏi việc trường- đảm việc nhà”, 6 năm đạt giáo viên giỏi cấp huyện được Chủ tịch huyện Hà Trung tặng nhiều Giấy khen, năm học 2016 - 2017 được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa tặng giấy khen, có 4 sáng kiến kinh nghiệm cấp huyện, 5 năm là Chủ tịch công đoàn giỏi.

Cô  xứng đáng là một tấm gương điển hình vượt khó, tận tụy, hy sinh, hết lòng cống hiến cho sự nghiệp, là tấm gương sáng trong sự nghiệp trồng người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.