LTS: Đời sống văn học là cách nhìn xuyên suốt từ cung bậc sáng tác đến phê bình và hưởng thụ (văn hóa đọc). Để có cái nhìn đa chiều và cảm nhận những khía cạnh ẩn chứa những tư liệu, quan điểm, tư duy về mảng nội dung này, Báo Giáo dục & Thời đại xin giới thiệu chuyên mục Đời sống Văn học từ số báo này.
Mong nhận được phản hồi của độc giả để chuyên mục thêm phần thú vị, bổ ích.
Qua thời gian, tên tuổi nhà văn hóa Phan Khôi (6/10/1887 – 16/1/1959), còn có các bút danh Chương Dân, Thông Reo, Ngọa Du Nhân, Tú Sơn,… ngày càng trở nên sáng rõ hơn trên các tư cách nhà văn, nhà thơ, dịch giả, nhà báo, nhà khảo cứu lịch sử, tư tưởng, văn hóa, văn học, ngôn ngữ, v.v…
Ở đây chúng tôi tập trung xem xét vị thế Phan Khôi trong phong trào Thơ mới trên hai tư cách: Nhà thơ khơi mở phong trào Thơ mới, đồng thời là nhà phê bình cũng như đối tượng được phê bình, trao đổi.
Nói khác đi, Phan Khôi là hiện tượng “kép”, có cả hoạt động sáng tác và phê bình, vừa mở đường vừa là chứng nhân, vừa khai phá vừa thúc đẩy, vừa là người anh hùng vừa đi ca ngợi người anh hùng, để lại những dấu ấn sắc nét trên dặm dài lịch sử phong trào Thơ mới 1932 - 1945.
Điều cần chú ý thêm, chúng tôi chủ ý nhận diện chân dung và xác định vị thế Phan Khôi qua thực tại thơ mới giai đoạn 1932 - 1945, tức là trong đúng môi trường, không khí, cảnh quan thơ mới; truy tìm nguồn tư liệu trong đúng bối cảnh phong trào Thơ mới, tìm hiểu tiếng nói của người trong cuộc, “người đương thời thơ mới bàn về Thơ mới”.
Sau những thử nghiệm và cố gắng thoát xác Đường luật, đổi mới thơ của Tản Đà, Á Nam Trần Tuấn Khải, Lê Khánh Đồng,… phải đến Phan Khôi mới thực sự lát được viên gạch đầu tiên cho phong trào Thơ mới.
Trong bài viết Một lối “thơ mới” trình chánh giữa làng thơ in lần đầu trên báo Đông Tây ở Hà Nội (Tập văn mùa Xuân, tháng 2/1932), ngay sau đó in lại trên báo Phụ nữ tân văn ở Sài Gòn (số 122, ra ngày 10/3/1932), qua năm sau báo Phong hóa ở Hà Nội trân trọng in lại (số 31, ra ngày 24/1/1933), rồi đến Hoài Thanh – Hoài Chân đưa toàn văn bài thơ vào phần chú thích tổng luận Một thời đại trong thi ca ở sách Thi nhân Việt Nam (Nguyễn Đức Phiên xuất bản, Huế, 1942). Vũ Ngọc Phan cũng dẫn lại trong Nhà văn hiện đại, Quyển nhì (Nxb. Tân dân, Hà Nội, 1942), v.v…
Vì tầm quan trọng của Một lối “thơ mới” trình chánh giữa làng thơ nên chúng tôi in lại toàn văn bài, lấy bản in trên báo Đông Tây làm bản trục và có chú thích, khảo dị những chữ sai khác so với bản in trên Phụ nữ tân văn. Phan Khôi đã vừa giới thiệu và khẳng định sự ra đời một lối thơ mới.
“Mới đây, tôi có được gặp ông Phạm Quỳnh ở Sài Gòn. Trong khi nói chuyện, ông nhắc đến mấy bài Trúc chi từ của tôi đã làm trên sông Hương khi gặp người bạn cũ là ông Nguyễn Bá Trác ở ngoại quốc mới về; ông Phạm tỏ ý khen mấy bài đó và nói chính mình đã dịch nó ra tiếng Pháp. Sau hết, ông khuyên tôi nên giữ cái thái độ ngâm thơ như hồi đó là hơn (1).
Lời khuyên của ông Phạm đó, dầu là lời nói giỡn đi nữa, với tôi, tôi cũng phải nhìn là có ý nghĩa. Nhưng sau khi nghe lời ấy, tôi chỉ có thể gật đầu mà làm thinh, không dám vội vàng tỏ ra mình đã vui lòng lãnh giáo. Vì con người ta mà muốn thay đổi cách sinh hoạt về tinh thần, lại còn khó hơn Chánh phủ thay đổi cái chế độ giáo dục hay chế độ nấu rượu nữa, không phải việc chơi đâu mà hấp tấp.
Duy có vì nghe lời ông đó mà tôi nhớ sực (2) lại sự làm thơ. Thật, cái động cơ viết bài này là chính ở mấy lời của ông (3).
Ông Phạm bảo tôi nên lấy lại cái thái độ ngâm thơ hồi trước; trong đó tỏ ra rằng bấy lâu tôi đã bỏ mất hay là đã đổi cái thái độ ấy đi, nghĩa là bấy lâu nay tôi không ngâm thơ. Mà quả thế, gần mười năm nay, tôi không có bài thơ nào hết, thơ bằng chữ gì cũng không có.
Trước kia tôi dầu không có tên tuổi trong làng thơ như ông Nguyễn Khắc Hiếu, ông Trần Tuấn Khải, song ít ra trong một năm, tôi cũng có được dăm bảy (4) bài, hoặc bằng chữ Hán, hoặc bằng Nôm. Mà năm bảy bài của tôi, không phải nói phách, đều là dăm bảy (5) bài nghe được. Vậy mà gần mười năm nay, mót lắm chỉ được một vài bài mà thôi, kể (6) cũng như là không có.
Xin thú thật với mấy ông thợ thơ. Không có, không phải là tại tôi không muốn làm hay không thèm làm, nhưng tại tôi làm không được!
Vậy thì hiện nay, đừng nói tôi không chịu nhận lời khuyên của ông Phạm, dầu cho tôi nhận đi nữa, mà tôi không còn làm thơ được, thì ông mới xử trí cho tôi làm sao? Đó, chính cái vấn đề ở đó rồi.
Lâu nay, mỗi khi có hứng, tôi toan giở ra ngâm vịnh, thì cái hồn thơ của tôi như nó lúng túng, chẳng khác nào cái thân của tôi là lúng túng. Thơ chữ Hán ư? thì ông Lý, ông Đỗ, ông Bạch, ông Tô choáng (7) trong đầu tôi rồi. Thơ Nôm ư? thì cụ Tiên Điền, Bà Huyện Thanh Quan đè ngang ngực tôi, làm cho tôi thở không ra.
Cái ý nào mình muốn nói, lại nói ra được nữa, thì đọc đi đọc lại, nghe như họ đã nói rồi. Cái ý nào họ chưa nói, mình muốn nói ra, thì lại bị những niêm, những vận, những luật bó buộc mà nói không được. Té ra mình cứ loanh quanh lẩn quẩn trong lòng bàn tay của họ hoài, thật là (8) dễ tức!
Duy Tân đi! Cải Lương đi! À, có rồi, chứ có phải không đâu. Thì như bài thơ Dân Quạ đình công:
……………………………
Bài ấy của tôi đã đăng trong Đông Pháp thời báo, năm 1928, được nhiều người hoan nghênh, kể cũng đáng cho là một ngôi sao chổi giữa trời thơ! Cho đến ngày nay, tôi đọc lại vẫn còn nhìn là được, nhưng thích thì tôi không thích (9).
Đại phàm thơ là để tả cảnh tự tình, mà hoặc tình hoặc cảnh cũng phải quy cho chơn. Lối thơ cũ của ta, ngũ ngôn hay thất ngôn, tuyệt cú hay luật thể thì nó bị câu thúc quá. Mà dầu có phóng ra, theo lối thất cổ, như bài Dân Quạ đình công đây (10), cũng vẫn còn bị câu thúc. Hễ bị câu thúc thì nó phải mất cái chơn đi, không mất hết, cũng mất già nửa phần.
Tôi nhìn thấy trong thơ ta có một đều (11) đáng bỉ, là bài nào cũng như bài nấy. Cứ rủ nhau khen hay thì nó là hay, chứ nếu (12) lột tận xương ra mà xem, thì chẳng biết cái hay ở đâu. Như bài Dân Quạ đình công đó, chỉ nhờ có đem việc đình công là một việc mới ra mà tả, việc ấy lại là hiệp với… người đời nay, thành thử người ta ưa, chớ coi kỹ thì nó cũ quá, thiệt tình chẳng phải hay gì (13).
Bởi vậy tôi rắp toan bày ra một lối thơ mới. Vì nó chưa thành thực nên chưa có thể đặt tên kêu là lối gì được, song có thể cử cái đại ý của lối thơ mới này ra, là: Đem ý thật có trong tâm khảm mình tả ra bằng những câu có vận, mà không phải bó buộc bởi những niêm luật gì hết. Ấy là như:
TÌNH GIÀ
Hai mươi bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa,
Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ, hai cái đầu xanh, kề nhau than thở:
- “Ôi đôi ta, tình thương nhau thì vẫn nặng, mà lấy nhau hẳn đà không đặng;
“Để đến nỗi tình trước phụ sau, chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau!”
- “Hay! Nói mới bạc làm sao chớ! Buông nhau làm sao cho nỡ?
“Thương được chừng nào hay chừng nấy, chẳng qua ông Trời bắt đôi ta phải vậy!
“Ta là nhân ngãi, đâu có phải vợ chồng mà tính việc thủy chung?”
……………………………
Hai mươi bốn năm sau, tình cờ đất khách gặp nhau:
Đôi cái đầu đều bạc. Nếu chẳng quen lung, đố có nhìn ra được!
Ôn chuyện cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi, con mắt còn có đuôi!
Đó là bài thơ tôi làm trước đây vài tháng mà tôi kêu là một lối thơ mới đó. Chẳng phải là tôi hiếu sự, nhưng vì tôi hết chỗ ở trong vòng lãnh địa của thơ cũ, tôi phải đi kiếm đất mới! mà miếng đất tôi kiếm được đó chẳng biết có ở được không, nên mới đem ra mà trình chánh giữa làng thơ.
Chẳng phải tôi là người thứ nhất làm ra việc này (14). Hơn mười năm trước ở Hà Nội cũng đã có một vị thanh niên làm việc ấy mà bị thất bại.
Tôi dại gì lại đi theo cái dấu xe đã úp? Nhưng tôi tin rằng cái lối thơ của ta đã hết chỗ hay rồi, dường như một nơi (15) đế đô mà cái vượng khí đã tiêu trầm rồi, ta phải kiếm nơi khác mà đóng đô. Tôi cầm chắc việc đề xướng của tôi đây sẽ thất bại lần nữa; nhưng tôi tin rằng sau này có người sẽ làm như tôi mà thành công”.
Qua bài tự luận này có thể thấy tài năng thơ ca của Phan Khôi phát xuất từ chính tính cách cùng những chiêm nghiệm của ông về cuộc đời và chính đời sống văn học. Một mặt, ông chỉ đích danh nhiều người làm thơ đương thời chỉ là “thợ thơ” và thừa nhận mình không còn rung cảm với lối thơ xưa cũ ấy nữa: “Xin thú thật với mấy ông thợ thơ. Không có, không phải là tại tôi không muốn làm hay không thèm làm, nhưng tại tôi làm không được!”; mặt khác, trực giác mách bảo ông phải đổi mới lối cảm lối nghĩ: “Đem ý thật có trong tâm khảm mình tả ra bằng những câu có vận, mà không phải bó buộc bởi những niêm luật gì hết”…
Đặt bài thơ Tình già trong toàn cảnh Một lối “thơ mới” trình chánh giữa làng thơ có thể thấy Phan Khôi vừa là tác giả vừa là bình giả, vừa là người sáng tác vừa là nhà phê bình; vừa là nhà lập thuyết vừa là người triển khai, thực hành, hiện thực hóa.
Mặc dù còn nhiều băn khoăn, thậm chí chưa thật vững tin vào thành công của thơ mình nhưng Phan Khôi lại đầy nhiệt thành tin tưởng vào chiều hướng cái mới do ông mở đường và xu thế phát triển tất yếu của phong trào Thơ mới.
(Còn nữa)
1. PNTV: thì hơn (NHS chú).
2. PNTV: sực nhớ (NHS chú).
3. PNTV: ông vậy (NHS chú).
4. PNTV: năm bảy (NHS chú).
5. PNTV: năm bảy (NHS chú).
6. PNTV: thì kể (NHS chú).
7. PNTV: choán (NHS chú).
8. PNTV: thật đà (NHS chú).
9. PNTV: Lược bỏ đoạn: “À, có rồi,… tôi không thích” (NHS chú).
10. PNTV: Lược bỏ “như bài Dân Quạ đình công đây” (NHS chú).
11. PNTV: một điều (NHS chú).
12. PNTV: chớ nếu (NHS chú).
13. PNTV: Lược bỏ câu: “Như bài… hay gì” (NHS chú).
14. PNTV: người thứ nhứt làm ra việc nầy (NHS chú).
15. PNTV: một chỗ (NHS chú).