Nhân 90 năm phong trào Thơ mới (1932 - 1945): Ngòi bút Nam Trân - Nét chấm phá mộc mạc trên thi đàn

GD&TĐ - Thi sĩ Nam Trân (15/2/1907 – 21/12/1967), tên thật là Nguyễn Học Sỹ, sinh tại làng Phú Thứ Thượng, xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nam Trân thuộc số những tác gia thơ mới có vốn tri thức cao, được đào tạo bài bản và sớm được xã hội trọng dụng.

Ngay từ nhỏ ông đã học chữ Hán, sau vào học Trường Quốc học (Huế), Trường Trung học Bảo hộ - Lycée du Protectorat (Hà Nội). Sau khi đỗ Tú tài, ông nhận chức Tham tá Tòa Khâm sứ Huế, đến năm 1944 được thăng Thị lang Bộ Lại.

Đương thời Nam Trân đã đăng thơ trên các báo và tạp chí: Sông Hương, Nam Phong tạp chí, Văn học tạp chí, An Nam tạp chí, Phong hóa, Tràng An, Tân tiến... và xuất bản Huế, Đẹp và Thơ (Trung Bắc tân văn, H., 1939)…

Trong sinh quyển phong trào Thơ mới, Nam Trân đã tạo được dư luận, cuốn hút sự quan tâm của nhiều cây bút thực sự uy tín đương thời như Ngọa Du Nhân (Phan Khôi), Vương Tử, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, K. (?), Trần Đằng, Ứng Sơn, L. (Lưu Trọng Lư), Từ Lâm (Nguyễn Xuân Nghị), Tố Hữu, Hoài Thanh - Hoài Chân, Hoàng Thiếu Sơn, Vũ Ngọc Phan...

Thi sĩ Nam Trân.

 Thi sĩ Nam Trân.

Vào đầu năm 1935, khi Nam Trân vừa xuất hiện trên báo Tràng An đã liền trở thành hiện tượng làm rung động thi đàn xứ Huế.

Hãy xem tòa báo quảng bá liên tục trong nhiều số: “Sau này bản báo sẽ mở một cuộc thi lớn mà trong đó có một đầu đề thi quan hệ về thơ Nam Trân. Vậy, ai muốn dự cuộc thi ấy nên cắt bài thơ Nam Trân trong mỗi số mà giữ lại, phòng khi sẽ phải gửi những mảnh báo có thơ Nam Trân ấy cho bản báo mới được dự cuộc thi ấy chăng”.

Kèm theo thông tin trên, ba số báo đều in thơ Nam Trân, lần lượt là các bài: Cảnh quê (số 10), Huế mưa dầm (số 11), Sóng bạc tình (số 13); riêng số 12, ra ngày 9/4/1935 chỉ in bài hát nói: Mời bạn vào Huế chơi (Tặng Hán Thu)...

Trên tuần báo Sông Hương (số 2, ra ngày 8/8/1936), nhà thơ Nam Trân in bài Bỏ quách lối thơ xưa thể hiện như một tuyên ngôn đoạn tuyệt với lối thơ xưa cũ với bốn câu mở đầu: Bỏ quách lối thơ xưa,/ Vì nó chẳng hợp thời./ Luật Đường xin gói lại,/ Đem trả chú Con Trời!... Qua bài thơ, Nam Trân tỏ ý phê phán, đối nghịch với tất cả mọi lối thơ chịu ảnh hưởng phương Bắc, kể từ nguồn cảm xúc, thể thơ, ngôn ngữ, vần luật đến hệ thống chủ đề, nội dung hiện thực, điển tích, điển cố.

Trên tất cả, thi sĩ cảm nhận và hướng đến khẳng định dòng chảy Thơ mới giàu sự sống, giàu màu sắc thực tại và được thể hiện bằng “Lắm điệu hay và lạ”…

Vừa khi Nam Trân trình làng những bài thơ ban đầu mới chỉ in báo thì ông đã được xếp hạng “thi nhân”. Ngọa Du Nhân Phan Khôi, nhà khảo cứu và phê bình cựu trào đã trân trọng giới thiệu với nhiều hy vọng và tiếc nuối về sự ra mắt của Nam Trân trong bài Thơ của Nam Trân (Sông Hương, số 3, ra ngày 15/8/1936): “Đầu năm 1935, báo Tràng An ra đời; năm bảy kỳ đầu tiên đó người ta thấy những bài thơ dưới ký tên Nam Trân.

Nhiều bạn làng văn ở Huế tin rằng, Nam Trân sẽ từ nay nổi tiếng như phao trên thi đàn và thơ của Nam Trân sẽ được gặp luôn luôn trên tờ báo mới ấy. Không ngờ, trải qua một thời gian chẳng phải vắn vỏi gì mà cái điều sở nguyện của người ta vẫn chưa thấy toại; rồi thơ Nam Trân từ đó cũng tuyệt tích trên báo Tràng An”...

Đề cao thơ Nam Trân nhưng Ngọa Du Nhân cũng công bằng và thẳng thắn chỉ ra những bài, những câu theo ông là chưa đạt: “Tôi khen Nam Trân hạ chữ ngộ nghĩnh, không phải là tôi không thấy ông ta dùng chữ còn chỗ sống sượng đâu.

Như câu “Như luồng khói nhẹ lên lên mãi”, câu thì hay, mà phải chữ nhẹ để vào đó có hơi ngớ ngẩn. Phải có thứ khói nào nặng thì mới nói như thế được chớ? Tôi muốn đổi lại là “Nhẹ như luồng khói...” mà tôi cho là dễ nghe hơn”...

Rồi Ngọa Du Nhân Phan Khôi bộc lộ rõ tính cách của mình khi bày tỏ thái độ trước câu chuyện thơ và đời Nam Trân: “Dù thế nào, trên con đường thơ mai sau, tôi có hy vọng ở Nam Trân lắm lắm. Một thi nhân đáng biểu dương như thế ai nỡ để cho mai một đi trong hoạn trường là chỗ để mai một cái thiên tài của người ta!”...

Tập thơ nổi tiếng của thi sĩ Nam Trân.

Tập thơ nổi tiếng của thi sĩ Nam Trân.

Chừng ba năm sau khi Ngọa Du Nhân Phan Khôi giới thiệu chân dung Nam Trân qua những bài thơ in báo rồi mới thấy ông xuất bản thi tập Huế, Đẹp và Thơ. Ngay sau khi tập thơ ra mắt bạn đọc được một tháng và được Nam Trân gửi tặng, vào ngày 23/3/1939, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu đã hoàn thành bài phê bình thực sự ấn tượng.

Với sự nhạy cảm của người làm thơ và sự tinh tế của người thưởng thức thơ, Tản Đà đề cao thơ Nam Trân, song lại nêu rõ chủ kiến của mình về thơ và nhẹ nhàng nhận xét mặt hạn chế ở thơ Nam Trân trong cách dùng chữ, phối âm, phối vần: “Thơ là thứ đứng đầu trong vận văn, cho nên đã là văn nhân, nhiều người thích thơ. Thơ đã đứng đầu trong vận văn, cho nên thơ quý nhất ở vần; thứ hai đến âm điệu, ấy là phần lời; còn như ý vẫn là trọng, nhưng ở thơ, thời đứng địa vị thứ ba vậy.

Thơ của ông Nam Trân đây, nhận ra, ý rất hay, lời cũng thật đẹp. Tiếc vì đến vần chưa dụng công” (Theo Trần Đằng: Hai ông Nguyễn Khắc Hiếu và Phan Khôi đã gặp nhau trong “Huế, Đẹp và Thơ”. Tràng An, số ra ngày 31/3/1939)... Xin được lưu ý ba điều. Thứ nhất, chưa đầy ba tháng sau khi viết bài bình luận thơ Nam Trân, Tản Đà từ bỏ cõi đời (7/6/1939).

Thứ hai, Nam Trân đã có ý kiến phản hồi và biện luận cho quan niệm và lối thơ của mình. Thứ ba, Nam Trân đã hoàn thành sự nghiệp sáng tác thơ ca ở Huế, Đẹp và Thơ, sau này chủ yếu ông có thêm những đóng góp xuất sắc về dịch thuật.

Với một bút danh ký tắt bằng chữ L., nhà thơ thành danh Lưu Trọng Lư khi ấy đã nhiệt thành giới thiệu Huế, Đẹp và Thơ, chỉ rõ đặc điểm sự giao thoa mới - cũ và đặc biệt nhấn mạnh cảnh Huế, tình Huế, người Huế, chất Huế của tập thơ: “Quyển sách có cái đề mới và ngộ ấy là một tập thơ đầu của một thi sĩ Huế: Ông Nam Trân Nguyễn Học Sỹ.

Một tài năng còn lưỡng lự bâng khuâng trước hai lối thơ cũ và mới (…). Người ta không còn thể “Huế” hơn như thế được. Và với những bài thơ rất ngộ ấy của Nam Trân, Huế không còn là xứ sở của các quan ở trong Bộ, của các nàng “Thu Nương”, của các cô gái mơ màng không bao giờ rời khỏi buồng kín. Huế, nếu không trẻ đẹp hơn thì cũng dí dỏm, hóm hỉnh hơn” (Huế, Đẹp và Thơ. Tao đàn, số 3, ra ngày 1/4/1939)…

Cách nửa năm sau khi tập thơ ra mắt bạn đọc, với tư cách một người bạn, người trong cuộc được đề tặng thơ, Từ Lâm (Nguyễn Xuân Nghị) với tất cả sự đồng cảm riêng chung đã viết bài điểm sách, bình luận Huế, Đẹp và Thơ (Tràng An, số ra ngày 25/7/1939)...

Sau khi phân tích bài Khiêu vũ in đậm chất tả thực, Từ Lâm tiếp tục bình bài Chôn Hoa và chỉ rõ mối quan hệ tương đồng - tiếp thu, tiếp nhận so với bài A une fleur séchée dans un album của Lamartine (1790 -1869).

Những trang viết này cho thấy bình giả Từ Lâm đã đặt thơ Nam Trân trong tương quan so sánh, tiếp nhận văn hóa - văn học với thơ Đường (Mạnh Hạo Nhiên) và thơ hiện đại Pháp (Lamartine). Lại thêm một chứng dẫn cho việc xác định quá trình hiện đại hóa nền thơ Việt Nam qua phong trào Thơ mới.

Đặt trong tương quan giữa các trào lưu thi ca, bài thơ Dửng dưng của Tố Hữu viết tại Huế vào tháng 5/1938 với lời tựa đề “Tặng tác giả Huế, Đẹp và Thơ” khiến không ít người lược quy thành cuộc đấu tranh “vị nghệ thuật” - “vị nhân sinh” lại mở ra những cách tiếp nhận khác biệt, có ý nghĩa thời sự và tác động lâu dài.

Đến công trình tổng thành Thi nhân Việt Nam (1942), Hoài Thanh và Hoài Chân khi điểm danh 45 nhà Thơ mới đã tuyển của Nam Trân 7 bài thơ, đứng tốp mười nhà thơ có số lượng bài cao nhất (đồng hạng với Thế Lữ, Hàn Mạc Tử).

Điều quan trọng hơn, hai ông bước đầu nhấn mạnh tinh thần “vị nhân sinh” của thơ Nam Trân, coi những dòng thơ vượt lên vẻ bình lặng, êm dịu mơ màng của xứ Huế chính là sự khác lạ và đưa đến một sức sống mới trong tâm thức sáng tạo: “Nhưng tả cảnh Huế chưa ai bằng Nam Trân.

Nam Trân không rơi vào khuôn sáo là vì người không mơ màng cũng không buồn vơ vẩn (…). Về âm điệu, thơ Nam Trân thực dồi dào. Thi nhân không theo điệu nào nhất định. Trước mỗi cảnh, mỗi tình, người lại cố tạo ra một điệu thơ cho thích hợp. Câu thơ luôn luôn biến hóa: Số chữ thay đổi từ một đến mười (…).

Cho nên muốn thưởng thức thơ Nam Trân ta cũng phải luyện lấy tâm trí cho bình thản. Hãy xếp thơ Nam Trân lại những lúc lòng ta có chuyện xôn xao. Lối thơ tả chân vốn xưa ta không có. Đây đó rải rác cũng nhặt được đôi câu, nhưng đến Nam Trân mới biệt thành một lối.

Nam Trân đã tìm ra một khoảnh đất mới và ở đó người đã dựng lên - ý chừng để sáp nhập làng thơ Việt - cái cảnh núi Ngự sông Hương. Thiết tưởng vị tình láng giềng đất Quảng Nam không thể gửi ra xứ Huế món quà nào quý hơn nữa: Lần thứ nhất những vẻ đẹp xứ này được diễn ra thơ”...

Sau biết bao những biến thiên của lịch sử, bản thân tập Huế, Đẹp và Thơ từng bị đánh giá thiên lệch, cấm xuất bản, phổ biến đã dần được nhìn nhận trở lại, được khôi phục, khẳng định những giá trị như nó vốn có.

Trong vận hội đổi mới, việc tìm về những ý kiến người đương thời Thơ mới bàn về tập Huế, Đẹp và Thơ không chỉ nhằm khẳng định, tôn vinh giá trị thơ Nam Trân trong sinh quyển phong trào Thơ mới, mà còn góp phần nhận diện đời sống phê bình thi ca giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám, trong đó tinh thần dân chủ, bản lĩnh và tư cách nhà phê bình được đặc biệt coi trọng…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ