Nhân 90 năm phong trào Thơ mới (1932 - 1945): Đông Hồ - ngòi bút bình dị

GD&TĐ - Thi sĩ Đông Hồ, tên thật Lâm Tấn Phác, tiểu tự Quốc Ty, tự Trác Chi, bút hiệu Thủy Cổ Nguyệt, Nhị Liễu Tiên Sinh, Đại Ẩn Am (10/3/1906 - 25/3/1969), quê làng Mỹ Đức, Hà Tiên.

Thi sĩ Đông Hồ.
Thi sĩ Đông Hồ.

Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, được bác ruột (Lâm Hữu Lân) nuôi dạy. Trong số các nhà Thơ mới, Đông Hồ cao tuổi nhất và cùng Mộng Tuyết ở xa nhất, mãi vùng cửa bể biên viễn Hà Tiên.

Ở quê nhà, ông lập Trí Đức học xá (1926 - 1934), sớm làm thơ, viết văn, du ký, luận thuyết, phê bình, khảo cứu. Ông là nhà giáo nhiệt tình với văn hóa dân tộc, tích cực hoạt động báo chí, từng cộng tác với Nam Phong tạp chí, Trung Bắc tân văn, Phụ nữ tân văn, Đông Pháp thời báo, Việt Dân, Mai, Tri Tân tạp chí và trực tiếp chủ trương báo Sống (Sài Gòn, 1935).

Mùa thu năm 1939, Đông Hồ cùng vợ ra thăm Hà Nội nhân tác phẩm Phấn hương rừng của Mộng Tuyết được Tự lực văn đoàn khen tặng đặc biệt và gặp gỡ các danh sĩ Nguyễn Trọng Thuật, Quỳnh Dao, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Tuân…

Đương thời phong trào Thơ mới 1932 - 1945, ông cho in hai tập: Thơ Đông Hồ (Nam Ký thư quán Xb, H., 1932) và Cô gái xuân (Vị Giang văn khố Xb, Nam Định, 1935), rồi được Tản Đà, Trọng Toàn Nguyễn Văn Kiêm, Phan Văn Hùm, Nguyễn Xuân Huy, 13 chàng, Nàng Lê (Lê Tràng Kiều), Trần Thanh Mại, Hoài Thanh - Hoài Chân, Vũ Ngọc Phan, Dương Quảng Hàm, Kiều Thanh Quế, Thiếu Sơn, Vân Đài… cùng quan tâm trao đổi, luận bàn.

Có thể xác định chắc chắn trước khi đưa in tập Thơ Đông Hồ (1932), tác giả có gửi thư nhờ Tản Đà đọc thẩm định và viết tựa cho thơ mình. Tản Đà - bậc trưởng lão (sinh 1889) hơn Đông Hồ đến 18 tuổi và đã nổi tiếng trên văn đàn nước Việt - lại khiêm nhường tỏ bày sau trước cái lý do không viết được bài tựa và niềm cảm thông, trân trọng bạn thơ phương xa. Từ Hà Nội, Tản Đà thận trọng viết Một bức thư trả lời người xa in trên An Nam tạp chí (số 35, tháng 12/1931).

Trên thực tế, cũng có thể coi đây là một bài Tựa đặc biệt kiểu Tản Đà cho tập thơ của Đông Hồ với lời kết ân tình: “Nay xin Tiên sinh hãy tạm biết cho là tôi đối với bức thư của Tiên sinh thật không phải dám là vô tâm; về phần tôi cũng được yên tâm rằng thực đã có một bức thư trả lời người xa. Mây nước tuy xa, tháng ngày còn rộng; ngư nhàn lai vãng, trên văn đàn còn nhiều lúc gặp nhau. Kính chúc Tiên sinh an hảo. Nguyễn Khắc Hiếu bái phục’’...

Trong bối cảnh bản đàn thơ mới sắp sửa buông tiếng dạo đầu, Trọng Toàn trân trọng viết bài Một người có công với quốc văn: Ông Đông Hồ và đặc biệt nhấn mạnh thể thơ, chất thơ: “Ông Đông Hồ có tiếng là tài làm thơ, lố thơ thanh nhã trang nghiêm, nền nếp tinh thần thơ cổ mà hàm có giọng bóng bẩy nhẹ nhàng, tình cảm lãng mạn thơ mới” (Nam Phong tạp chí, số 173, tháng 6/1923)…

Nhà thơ Đông Hồ (thứ 2 bên trái) cùng gia đình và nhà thơ Nguyễn Bính.

Nhà thơ Đông Hồ (thứ 2 bên trái) cùng gia đình và nhà thơ Nguyễn Bính.

Thế rồi vào năm trước khi in Cô gái xuân (1935), Đông Hồ viết bài Nguồn thi cảm mới giới thiệu hai bài thơ nói là của ông Xuân Giang (kỳ thực là thơ mình) trên báo Việt Dân số ra ngày 7/4/1934. Chẳng ngờ, bình giả Phan Văn Hùm “cắn câu’’ viết bài trao đổi Thảo luận về Nguồn thi cảm mới in trên Phụ nữ tân văn (số 240, ra ngày 3/5/1934) - sau được Kiều Thanh Quế tuyển in trong Phê bình văn học (NXB Tân Việt, H., 1942) - đi sâu phân tích cả phương diện “biệt tài” cũng như chỗ “sơ lậu” ở hai bài thơ của thi sĩ Đông Hồ (Xuân Giang): “Hai bài: 1) Cái hôn lần đầu, 2) Cô gái xuân - trích tập thơ này đăng ở báo Việt dân, có cái giọng thật là mới mẻ.

Tôi không ngại gì mà không thú thật rằng khi đọc qua, ngẫm lại tôi đã buông ra lời: “In giọng Sully Prud’ home”: Nhưng mà đó là cái ý riêng của tôi, không đủ khinh trọng”... Liền sau đó, thi sĩ Đông Hồ thành thực khai báo chuyện đóng kịch của mình và viết bài Thảo luận về thơ (Đáp lời ông P.V.H) in trên Phụ nữ tân văn (số 243, ra ngày 24/5/1934), sau cũng được Kiều Thanh Quế tuyển in trong Phê bình văn học (NXB Tân Việt, H., 1942)…

Kịp đến khi Cô gái xuân chính thức ra mắt bạn đọc, Nguyễn Xuân Huy có ngay bài Phê bình quyển thơ Cô gái xuân in trên Tân Thiếu niên (số 2, tháng 2/1935), sau đó in lại trên báo Sống (Sài Gòn, số 7, ra ngày 12/3/1935), chủ yếu nhấn mạnh dòng xúc cảm yêu đương tình tứ: “Đông Hồ, tác giả thơ Đông Hồ, với Đông Hồ ngày nay thực khác xa.

Đông Hồ xưa là một người đạo mạo, nghiêm trang như một nhà triết học, tuổi trẻ mà tâm tính đã cỗi già: Những lời thơ như tiếc thương như hờn giận. Nhưng Đông Hồ ngày nay đã biến thành một người thanh niên có những cảm tình mơn mởn như một cô gái đương xuân (...). Xem Cô gái xuân ta thấy được một mối cảm xúc man mát như ngọn gió chiều xuân”...

Vào dịp cuối năm, bình giả với bút danh 13 Chàng tiếp tục có bài giới thiệu Cô gái xuân, rộng lòng xẻ chia những khúc ca êm dịu và trung thực chỉ ra những câu chữ vụng về, thô tháp: “Cái đẹp của thơ Đông Hồ là cái đẹp nhẹ nhàng thôi.

Và thơ Đông Hồ cũng chỉ có cái đẹp ấy thôi. Ta đừng đợi ở ngòi bút ông những nét mạnh mẽ, khỏe khoắn, những lời đắm đuối mê mải là những điều ông muốn ca, muốn vẽ, nhưng chưa ca, vẽ được nên. Cứ thế, ông cũng đủ cho tôi mến tài ông” (Phong hóa, số 158, ra ngày 18/10/1935)...

Tiếng thơ Đông Hồ quả tình chưa thật trong trẻo, độc đáo nhưng lại vang xa. Nàng Lê (Lê Tràng Kiều) trong bài phát biểu Tình và tứ của thi sĩ in trên Tiểu thuyết thứ Năm (số 8, ra ngày 24/11/1938) đã chứng dẫn bằng thơ của Tản Đà, Thanh Tịnh, Yến Lan, Vũ Trọng Can và cả Đông Hồ:

“Ở ái tình, thi sĩ đã khóc hộ ta, và kể lại những băn khoăn của ta với người khác… Chẳng như thi sĩ Đông Hồ lúc nào cũng sụt sùi:

Mai ơi, Mai có nhớ

anh không?

Ta nhớ Mai em não tấm lòng.

Ta nhớ Mai em ta nhớ lắm,

Mai ơi, Mai có nhớ ta không?

Nhớ, không nhớ, hay nhớ lắm, đó là chuyện khác, các thi gia hãy khóc hộ người sương phụ trong đêm lạnh này mà rỗng không tình ái”...

Nhà thơ Đông Hồ bên nữ sĩ Mộng Tuyết.
Nhà thơ Đông Hồ bên nữ sĩ Mộng Tuyết. 

Nhà phê bình Trần Thanh Mại khi viết truyện ký Hàn Mặc Tử (Huế, 1941) cũng có ý nhắc nhớ tới hiện tượng Đông Hồ đã mau chóng từ bỏ lối cảm lối nghĩ xưa cũ, hóa thân và đam mê nhập cuộc làng Thơ mới: “Ở tận góc trời Nam, ông Đông Hồ Lâm Tấn Phác, không cưỡng nổi với phong trào mới, cũng đành bỏ hồ, bỏ động của mình mà về nhập ngũ vào đạo binh cách mệnh”...

Trong bài mở đầu Một thời đại trong thi ca ở bộ sách tổng thành Thi nhân Việt Nam, 1932 - 1941 (Nguyễn Đức Phiên Xb, Huế, 1942), Hoài Thanh - Hoài Chân nhận diện Đông Hồ trong toàn cảnh nền thơ đương thời: “Chung quanh ngôi sao Thế Lữ châu tuần bao nhiêu hành tinh có tên và không tên, hầu hết các thi sĩ lớn nhỏ hồi bấy giờ (...).

Cả những vì sao vốn ở một trời khác: Vân Đài, Đông Hồ, Mộng Tuyết, cũng ghé về châu tuần một lúc... Thế mà có người say theo thì nàng (thơ cổ - NHS thêm) lại chẳng mặn mà chi, như hai thầy trò Đông Hồ, Mộng Tuyết. Đến nỗi một buổi sáng kia, hai thầy trò, chán nản, bỏ đi tìm duyên mới. Nhưng Đông Hồ, Mộng Tuyết còn may mắn hơn nhiều người khác“...

Thế rồi hai ông tuyển bốn bài đều từ tập Cô gái xuân vào Thi nhân Việt Nam (đồng hạng với Tế Hanh, Anh Thơ, Đoàn Văn Cừ, J. Leiba, Vũ Hoàng Chương), từ đó đi sâu phân tích đặc điểm thơ Đông Hồ:

“Hoàn cầu dễ ít có thứ tiếng được âu yếm, nâng niu như tiếng Nam. Âu cũng vì tiếng Nam đương ở trong cảnh khốn cùng, đương bị nhiều người rẻ rúng. Thói thường con nhà nghèo vẫn thương yêu cha mẹ hơn con nhà sang trọng. Nhưng yêu quốc văn mà đến như Đông Hồ kể cũng ít (...). Mặc dầu, sự tình cờ đã một đôi lần đưa người ra ngoài khuôn sáo.

Trong tập Thơ Đông Hồ, giữa bao nhiêu câu văn trơn tru mà tầm thường, trống rỗng, đột nhiên ta gặp đôi lời dường như trong ấy ẩn náu một linh hồn. Như những lời thuật hoài sau khi nàng Linh Phượng đã thành người thiên cổ:

Mối sầu khôn dãi cùng

trời đất;

Chén rượu đành khuây với nước non…

Ai cũng thấy Thơ Đông Hồ và Cô gái xuân khác nhau xa. Tuy vậy, nếu trong Thơ Đông Hồ ta đã thấy khơi nguồn thơ Cô gái xuân thì trong Cô gái xuân vẫn còn lai láng cái buồn những vần thơ cũ”...

Vào đúng năm 1942 này, nhà phê bình Vũ Ngọc Phan đã có bài phác thảo chân dung Lâm Tấn Phác (Hiệu Đông Hồ, tự Trác Chi) trong sách Nhà văn hiện đại (Quyển nhất. NXB Tân dân, H,. 1942), trong đó dẫn giải và phân tích chi tiết sắc thái thơ Đông Hồ: “Đông Hồ đã chịu ảnh hưởng thơ mới về đường tả thực, nhưng ông còn giữ được cái giọng thanh tao của lối thơ cũ. Đó cũng là một điều đặc sắc vậy”...

Đặc biệt hơn, việc nhà giáo, nhà biên khảo Dương Quảng Hàm giới thiệu Đông Hồ trong sách giáo khoa Việt Nam văn học sử yếu (Nha Học chính Đông Pháp Xb, H., 1943) dưới đề mục “Xét về mấy thi sĩ hiện đại và các tác phẩm của những nhà ấy, âm luật, đề mục và thi hứng của những nhà ấy” và đi sâu phân tích bốn nguồn thi hứng chủ đạo (Cảnh vật - Kỷ niệm - Tình bè bạn - Tình thầy trò) càng giúp tiếng thơ Đông Hồ vang xa trong công chúng bạn đọc.

Đông Hồ chưa phải là một hiện tượng đột xuất trong làng Thơ mới nhưng người đương thời khắp trong Nam ngoài Bắc đã tỏ lòng tri ân, trân trọng ghi nhận một tiếng thơ bình dị, chan chứa nghĩa tình.

Con đường đi từ Thơ Đông Hồ đến Cô gái xuân đã được giới phê bình đương thời đón nhận, khẳng định như một bước tiến, chứng tỏ khả năng tự vận động, đổi mới và hòa nhập của Đông Hồ với phong trào Thơ mới 1932-1945, góp phần xây dựng và nối kết vùng văn học cực Tây Nam Bộ với nền văn học Việt Nam dân tộc và hiện đại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Dù nhận thêm loạt vũ khí mới nhưng Ukraine chưa thể ngăn được đà tiến của quân đội Nga.

Đột phá Semyonovka mang đến cơ hội nào?

GD&TĐ - Bộ Quốc phòng Nga hôm 29/4 thông báo quân đội từ Trung tâm Battlegroup đã hoàn thành việc kiểm soát khu định cư Semyonovka ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk.
Một góc quần đảo Nam Du. Ảnh: TG

Dạy học nơi đầu sóng

GD&TĐ - Quần đảo Nam Du gồm hơn 20 đảo lớn, nhỏ nằm sát nhau, thuộc sự quản lý của 2 xã: An Sơn và Nam Du (Kiên Hải, Kiên Giang).