Có thật chỉ là sự cố?
Không phải tự nhiên khán giả lại khó lòng chấp nhận lời xin lỗi từ MC Nguyên Khang. Đấy là việc anh đọc nhầm tên giải Quán quân của cuộc thi Giọng hát Việt nhí là bé Chấn Quốc để sau đó cũng chính MC này công bố lại kết quả với phần thắng thuộc về Kiều Minh Tâm là một sự cố trong nghề của cá nhân MC này, không quy trách nhiệm cho ai.
Và dù rằng, lý do được MC kỳ cựu này đưa ra rất xúc động, đến ngay cả huấn luyện viên của bé Chấn Quốc – Hương Giang Idol cũng phải chia sẻ là không có gì để thắc mắc: “Vì Khang rất yêu mến Chấn Quốc…; đã ngồi nghe cậu ấy hát về mẹ và đã chạm đến cảm xúc…; một phần là sự tranh đấu giữa con tim và lý trí…”.
Tuy nhiên, nếu xem kỹ lại clip những giây phút công bố giải thì có thể thấy MC Nguyên Khang đã rất chắc chắn với công bố của mình, cả giải Quán quân lẫn giải Nhất mà không hề phải nhìn lại vào kịch bản.
Và phải 30 giây sau, MC này mới xin lỗi về sự nhầm lẫn này sau khi lật và đọc đến tờ giấy thứ 3 được cho là mới nhận từ ban tổ chức.
Thêm nữa, khi lật giở lại những bình phẩm của MC Nguyên Khang về sự cố MC Steve Harvey đọc nhầm kết quả người chiến thắng của cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ năm 2015 thì lại thấy MC này là người có nghề và luôn thận trọng.
Bởi lẽ, MC Nguyên Khang đã không chỉ bày tỏ sự “khó hiểu về cách công bố kết quả” của MC Steve Harvey mà còn chia sẻ kinh nghiệm: MC cần làm gì khi đọc kết quả, từ việc xem trước kết quả đến việc đọc qua trước khi công bố chính thức: “Khi đã bước ra sân khấu, MC sẽ đọc qua một lần nữa trước khi công bố chính thức.
Và họ cũng có rất nhiều thời gian làm cho mọi người hồi hộp… Khoảng thời gian đó đủ để họ liếc nhìn xuống tờ giấy một lần nữa” – MC Nguyên Khang từng chia sẻ. Rõ ràng, khi đã có kinh nghiệm dày dặn như thế thì thật khó có thể để xảy ra sự cố đáng tiếc đó.
Cùng với đó, cộng đồng mạng còn đưa ra bằng chứng về sự xuất hiện của hàng loạt những bài viết về quán quân Kiều Minh Tâm, ngay sau khi cô bé đăng quang. Nhất là chuyện khả nghi trên trang Facebook của huấn luyện viên Lưu Thiên Hương xuất hiện bài viết “Hành trình đến với ngôi quán quân Giọng hát Việt nhí - The Voice Kids 2019 của Kiều Minh Tâm” song lại dẫn vào một bài viết khác, đã được đăng từ trước khi công bố kết quả khá lâu.
Khi lùm xùm xảy ra thì bài viết này biến mất! Được biết, bài viết đó thuộc trang bảo trợ thông tin độc quyền của Cát Tiên Sa - đơn vị tổ chức “Giọng hát Việt nhí”. Rồi thì có kỳ cục hay không khi Gameshow này vừa có giải Quán quân lẫn giải Nhất?
Trước những nghi vấn này, ban tổ chức đã lên tiếng phủ nhận mọi chuyện và khẳng định không phải chiêu trò gì cả mà là sự cố của MC. Còn chuyện có cả giải Quán quân và giải Nhất thì do tỉ lệ bình chọn của hai bé sát nhau!
Hãy công bằng với con trẻ
Trước câu chuyện này, là người thường xuyên gắn bó với các mẫu nhí, nhà thiết kế thời trang Phương Hồ cho rằng, các sân chơi vẫn là rất cần thiết cho các bạn nhỏ. Đây là nơi phát hiện và bồi dưỡng nhân tố mới, giúp các con cố gắng nỗ lực phát triển năng khiếu của mình.
“Bản thân người làm các chương trình, nhất là chương trình cho trẻ em cần có tiêu chí rõ ràng và giữ được sự minh bạch để không gây ảnh hưởng không tốt đến các bạn nhỏ - khi mà các em còn non nớt và dễ tổn thương về mặt tâm lý. Với MC thông báo kết quả mỗi cuộc thi, game show nên cẩn thận xem và công bố, nhất là chương trình của trẻ em. Nếu để xảy ra sự cố sẽ làm tổn thương nhiều đến các bạn nhỏ” – nhà thiết kế thời trang Phương Hồ nhấn mạnh.
Trong khi đó, nhạc sĩ Bá Môn thì cho rằng, các cuộc thi nghệ thuật luôn cần sự minh bạch và công bằng, đặc biệt đối với những cuộc thi dành cho thiếu nhi. Vì theo ông, công bằng thì mới đánh giá đúng, mới phát huy được đầy đủ giá trị nghệ thuật đang có.
Không công bằng, tài năng sẽ bị thui chột, người không thực sự tài được nhận giải thưởng sẽ trở thành cái lố đối với dư luận. Cũng theo nhạc sĩ này, hiện nay các cuộc thi bị thương mại hóa rất nhiều. Vì thế, đôi khi chạy theo thương mại thì sẽ không thể có sự công bằng được.
Vốn là biên tập viên chương trình âm nhạc thiếu nhi của Đài Tiếng nói Việt Nam, nhạc sĩ Minh Dũng đánh giá các cuộc thi dành cho thiếu nhi trên truyền hình là việc tốt. Tuy nhiên, các cuộc thi đó đã thực sự phản ánh được đầy đủ lứa tuổi của các em hay chưa và có phù hợp với độ tuổi trong sáng của các em không, lại là một điều rất đáng bàn.
Thực tế cho thấy, các em đang hát những bài người lớn một cách gân guốc là rất không nên.
“Các cuộc thi có thể có định hướng nhưng còn thiếu sự giám sát cũng như các quy chế chuẩn để phục vụ đúng mục đích và có tác dụng giáo dục xã hội mạnh mẽ hơn nữa. Về chuyện giải thưởng thì có yếu tố thương mại hóa nên rất cần xem xét lại” - nhạc sĩ Minh Dũng nói.
Theo dõi chương trình “Giọng hát Việt nhí”, NSƯT Bích Việt cảm thấy các em thiếu nhi dù có tiến bộ về kỹ thuật biểu diễn song dường như bị lên sân khấu, bị đạo diễn thành những người lớn già, mới trẻ thơ mà đã hát tiếng chim khấc khơ, hát nhiều bài hát tình yêu không hợp với thế hệ trẻ.
Bên cạnh đó, cuộc thi được đưa lên sóng truyền hình như là một gia đình tổ chức theo kiểu “vừa đá bóng vừa thổi còi”, chưa mang tính chất toàn quốc.