Nhạc sĩ Phạm Việt Long, tiềm năng sáng tạo đáng nể trọng

GD&TĐ - Làm quá nhiều việc một lúc, như viết báo, viết văn, viết nhạc mà lĩnh vực nào Tiến sĩ Phạm Việt Long cũng ghi được dấu ấn.

Nhạc sĩ Phạm Việt Long (thứ 3 từ phải sang) giải Ba Cuộc thi sáng tác ca khúc 'Giai điệu tự hào Dệt may Việt Nam'. Ảnh: NVCC.
Nhạc sĩ Phạm Việt Long (thứ 3 từ phải sang) giải Ba Cuộc thi sáng tác ca khúc 'Giai điệu tự hào Dệt may Việt Nam'. Ảnh: NVCC.

Khâm phục sức làm việc ấy, nhà văn Ma Văn Kháng nhận xét: “Phạm Việt Long là một tiềm năng sáng tạo đáng nể trọng”.

Con người hoài cổ mê… công nghệ

Xuân Giáp Thìn 2024 này, nhạc sĩ Phạm Việt Long đã bước vào tuổi xấp xỉ 80 nhưng ông luôn dồi dào sức sáng tạo. Đến thăm căn nhà của ông ở phố Hoàng Cầu (Hà Nội), ai cũng sẽ ngạc nhiên trước bộ sưu tập đĩa hát, băng nhạc cổ lưu giữ nhiều tác phẩm âm nhạc quý hiếm và có giá trị lịch sử.

Trong số đó, có một đĩa hát mà ông rất yêu quý và tự hào, đó là đĩa hát “Tiếng hát Việt Nam”, với 13 bản nhạc, ca khúc do các nghệ sĩ người Việt trình diễn và Trung tâm Âm nhạc Nhật Bản sản xuất năm 1978.

Đây là tác phẩm nghệ thuật độc đáo và đầy ý nghĩa, không chỉ thể hiện tinh hoa văn hóa của dân tộc Việt Nam, mà còn là một tấm gương về ngoại giao mềm dẻo, chân thành và thiện chí của Việt Nam với thế giới.

Nói về thú chơi thú vị này, nhạc sĩ Phạm Việt Long cho biết, là người hoạt động văn hóa, nghệ thuật, ông muốn “đắm mình” trong không gian văn hóa cổ xưa để lắng lại trong tâm hồn những giá trị văn hóa dân tộc.

Việc giữ thói quen vừa làm việc, vừa nghe những thanh âm qua thiết bị cổ như một cách để gợi lại trong ông trách nhiệm với việc gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa.

Đề tài luận án Tiến sĩ của ông mang tên: “Tục ngữ, ca dao về quan hệ gia đình” đã mở ra hướng nghiên cứu mới trong tiếp cận văn hóa dân gian Việt Nam. Ông hay chia sẻ với phóng viên rằng, văn hóa phải đặt lên trên hết, trước hết. Một nhà báo có văn hóa sẽ viết những bài báo thức tỉnh độc giả đến với những giá trị nhân văn, tốt đẹp.

Mê văn hóa cổ xưa nhưng nhạc sĩ Phạm Việt Long lại là người “hiện đại” khi thường xuyên cập nhật công nghệ. Ông có thể xử lý mọi việc liên quan đến văn bản, ảnh, thậm chí những kỹ thuật phức tạp trên máy vi tính một cách nhanh nhạy và thành thạo. Ông thường bảo, máy tính chính là “người bạn” của mỗi người, mỗi nhà mà chúng ta phải chinh phục, phám khá để giúp ích cho công việc một cách tốt nhất.

Nhạc sĩ Phạm Việt Long (trái) và nhà thơ Nguyễn Phan Hách. Ảnh: NVCC.

Nhạc sĩ Phạm Việt Long (trái) và nhà thơ Nguyễn Phan Hách. Ảnh: NVCC.

Nhiều nhà trong “một nhà”

Xuất thân là nhà báo chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam, Phạm Việt Long đã lần lượt đến với văn chương, âm nhạc rồi trở thành người sáng lập Tạp chí điện tử Văn hiến Việt Nam, Nhà xuất bản Dân trí.

Ngay từ năm 1968, ông đã tham gia chiến trường Trung Trung Bộ, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt nhất. Với khả năng quan sát kỹ lưỡng, tỉ mỉ, sâu sát nên khi vào chiến trường ông có thói quen ghi chép nhật ký.

Cuốn nhật ký ấy đã không chỉ ghi chép những ý kiến, suy nghĩ cá nhân của ông mà đã ghi chép những gì ông nghe được từ những tâm sự của bạn bè, đồng chí, đồng đội, và quan trọng hơn, là từ những gì thu nhận được từ cuộc sống và chiến đấu của quân và dân miền Trung Trung Bộ.

Đó là chất liệu quan trọng để sau này ông cho ra mắt cuốn sách “Bê trọc” thấm vào tâm can của nhiều độc giả. Tác phẩm này cũng đã được Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Đài Truyền hình Việt Nam (VFC) sản xuất bộ phim dài 4 tập mang tên “Nhật ký chiến trường” nói về cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước hào hùng của dân tộc.

Bén duyên với văn chương như một cái duyên khó cưỡng nhưng rồi ông lại phát hiện ra khả năng âm nhạc tiềm tàng của bản thân. Nếu như văn chương giúp ông ghi chép một cách tỉ mỉ, chi tiết sự việc, con người cụ thể thì âm nhạc giúp ông khắc họa những gì đặc trưng, tinh túy nhất để rồi trong phút tĩnh lặng của tâm hồn, ông đã “thổi hồn” vào giai điệu, lời ca.

Từ ca khúc đầu tay “Nhớ nắng” đến nay ông liên tiếp cho ra đời các CD ca nhạc: “Mơ hình bóng quê nhà”, “Những bản tình ca mới”, “Giàn thiên lý”... Trong sáng tác của mình, ông luôn trân trọng và dành sự quan tâm đặc biệt đến những ca khúc về Hà Nội, như: “Đêm thu Hà Nội” (thơ Hiền Phương), “Hà Nội ngày về” (thơ Nguyễn Đình Thi), “Nhớ Hà Nội” (thơ Văn Trọng Hùng), “Hoa sữa tình đầu” (thơ Nguyễn Phan Hách)...

Những ca khúc về Hà Nội của ông lãng mạn, bay bổng, cho thấy cái nhìn sâu sắc, lắng đọng về con người và vùng đất xưa nay vẫn được ví: “Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Âm nhạc của Phạm Việt Long sang trọng, hào hoa, mang đậm triết lý nhân sinh, giàu lòng nhân ái.

Dù làm nhiều nghề một lúc nhưng ông vẫn coi nghề báo là nghề chính, nghề là “bàn đạp”, cơ sở để ông có thể thăng hoa với các nghề khác. Quãng đời hơn nửa thế kỷ gắn bó, đắm đuối với nghề báo, ông chiêm nghiệm 2 điều, đó là tìm sự thật và dám đương đầu với mọi thử thách để nói lên sự thật.

Từ ý tứ đó, ông đã viết một mạch giai điệu: “Giữa biển đời mênh mông cuộn sóng/ Tôi vững tin vào nghề tôi sống/ Nghề tôi yêu gắn bó suốt đời/ Giản dị thôi đó là nghề báo/ Người làm báo đi khắp nhân gian tìm sự thật/ Người làm báo thu hết bão giông vào thân mình...”, cho ca khúc “Tâm sự người làm báo”.

Ca khúc được đánh giá là một trong những bài hát hay nhất về người làm báo, và thường phát sóng trên các chương trình truyền hình dịp 21/6.

Mới đây, nhạc sĩ Phạm Việt Long đã giành giải Ba Cuộc thi sáng tác ca khúc “Giai điệu tự hào Dệt may Việt Nam” (do Công đoàn Dệt may Việt Nam tổ chức) với ca khúc “Bài ca Công đoàn - Công nhân dệt may”.

Những thông điệp hay và ý nghĩa của ngành dệt may trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay đã được ông thai nghén, chắt lọc trong những ca từ giàu ý nghĩa: “Chúng tôi là đoàn viên công đoàn/ Chúng tôi là công nhân dệt may/ yêu lao động, cùng chung một niềm tin/ Viết nên dòng thời đại những bài ca của dệt may/ Bao trí tuệ, bao tài năng/ Đây những lớp người tô đẹp truyền thống, thêu gấm vóc non sông, dệt hào khí Lạc hồng/ Vươn tới khắp năm châu tỏa hào khí Lạc hồng là truyền thống của truyền dệt may Việt Nam...”.

Tác phẩm 'Bê trọc' của nhạc sĩ Phạm Việt Long. Ảnh: NVCC.

Tác phẩm 'Bê trọc' của nhạc sĩ Phạm Việt Long. Ảnh: NVCC.

Tiếng nói trách nhiệm

Là một nhà báo, ông luôn tích cực đưa ra quan điểm, cách nhìn nhận của mình trên trang Facebook về vấn đề đang nhận được sự quan tâm của công chúng. Những lý lẽ của ông sâu sắc, chặt chẽ với dẫn chứng giàu tính thuyết phục nên được nhiều người đồng tình, ủng hộ.

Như về bộ phim “Đất rừng phương Nam” gây “bão” thời gian vừa qua. Ông đã viết: “Bộ phim đã trở thành một hiện tượng văn hóa, gây ra nhiều cảm xúc và ý kiến khác nhau. Phim đặt ra nhiều vấn đề về quản lý, kiểm duyệt, và phản ánh lịch sử, văn hóa dân tộc.

Phim đã tác động đến quyết định của cơ quan Nhà nước và sự quan tâm của Quốc hội. Phim cũng đã tạo ra một sân chơi cho các nhà làm phim cùng khán giả để thể hiện sự sáng tạo và đánh giá nghệ thuật, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa của đất nước”.

Hay trong một bài viết khẳng định vai trò tiên phong của văn nghệ sĩ trong việc phát triển nền văn hóa dân tộc, nhạc sĩ Phạm Việt Long nhấn mạnh: “Sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa trong thời kỳ mới đòi hỏi cả hệ thống chính trị và toàn dân phải triển khai đồng bộ nhiều biện pháp; trong đó xây dựng môi trường văn hóa cơ sở là nền tảng hết sức quan trọng.

Vợ chồng nhạc sĩ Phạm Việt Long. Ảnh: NVCC.

Vợ chồng nhạc sĩ Phạm Việt Long. Ảnh: NVCC.

Muốn xã hội “chung tay” xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thì trước hết đội ngũ văn nghệ sĩ phải “ra tay”. Trong bối cảnh mạng xã hội trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày, tham gia mạng xã hội trở thành một công cụ mạnh mẽ cho văn nghệ sĩ lan tỏa những giá trị chân thiện mỹ và tinh thần nghệ sĩ.

Từ việc chia sẻ những tác phẩm sáng tạo cho đến những suy ngẫm về thẩm mỹ, văn nghệ sĩ có thể tiếp cận một cộng đồng rộng lớn và đa dạng trên mạng xã hội. Điều này tạo cơ hội để văn nghệ sĩ góp phần giáo dục và truyền cảm hứng cho công chúng, đồng thời khám phá và khai phá những ý tưởng mới thông qua sự tương tác và phản hồi từ cộng đồng”.

Sinh thời, nhà văn Hồ Công Thiết từng nhận xét: “Nhà báo, nhà văn, nhạc sĩ Phạm Việt Long thuộc ngưỡng U80 nhưng phong thái và sự năng động của ông lại như trai 18. Ông tham gia mạng xã hội, rành thao tác công nghệ khiến nhiều người trẻ phát “ghen”.

Ông tham gia quản trị trang mạng, góp phần làm cho trang mạng đó thêm chững chạc, đầy chất văn hóa nghệ thuật và số thành viên tham gia vượt lên TOP đầu trong các trang mạng tại Việt Nam.

Có thể nói, Phạm Việt Long là “người không phổi” trên văn đàn Việt Nam. Sức sáng tạo, năng lượng sống đã khiến Phạm Việt Long là “người đặc biệt” của văn hóa nghệ thuật Việt Nam”.

Nhạc sĩ, nhà văn Phạm Việt Long sinh năm 1946 tại Hà Giang, quê gốc ở Ninh Bình. Ông đã nhận một số giải thưởng như: Giải B về văn xuôi do Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2000 với tập sách “Bê trọc”; Giải C sách hay - Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ nhất - năm 2018 với tập sách “Bi Bi và Mặt đen”; Giải Nhất - Giải thưởng hằng năm của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2016 với tập sách “Hát mãi Trường Sa ơi”; Giải Khuyến khích - Giải thưởng hằng năm của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2019 với tập sách “Ngân vang mãi giai điệu Tổ quốc”. Tác phẩm mới nhất của ông là tập truyện “Phong lan về trời” (NXB Dân trí, 2020).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ