Đại tá, nhạc sĩ, NSƯT Nguyễn Tuấn Anh: 'Biên cương là nốt nhạc lòng tôi'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ít ai biết rằng, nhạc sĩ Nguyễn Tuấn Anh đến với sáng tác âm nhạc từ lời động viên của Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho.

Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen cho tập thể và các cá nhân có nhiều thành tích trong hoạt động biểu diễn phục vụ cán bộ chiến sĩ và nhân dân khu vực biên giới (Đại tá, nhạc sĩ, NSƯT Nguyễn Tuấn Anh ngoài cùng bên trái). Ảnh: NVCC
Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen cho tập thể và các cá nhân có nhiều thành tích trong hoạt động biểu diễn phục vụ cán bộ chiến sĩ và nhân dân khu vực biên giới (Đại tá, nhạc sĩ, NSƯT Nguyễn Tuấn Anh ngoài cùng bên trái). Ảnh: NVCC

“Sáng tác về người lính, về biên cương, hải đảo vừa là trách nhiệm, vừa là sự giục giã của con tim, khối óc và là vinh dự của người nhạc sĩ áo lính như chúng tôi. Mỗi khi nghĩ đến những cống hiến, hy sinh to lớn của đồng chí, đồng bào nơi biên giới, trong tôi cứ thế ngân rung giai điệu đầy cảm xúc yêu thương và tự hào” – Đại tá, NSƯT Nguyễn Tuấn Anh đã chia sẻ như thế về mối duyên với âm nhạc của mình.

Được lời động viên của nhạc sĩ lớn

Sinh ra và lớn lên ở thành phố Nam Định, từ nhỏ Đại tá, nhạc sĩ, NSƯT Nguyễn Tuấn Anh – Đoàn trưởng Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng được học đàn violon tại Cung thiếu nhi thành phố Nam Định dưới sự dẫn dắt của thầy giáo Bùi Đình Bảng (nguyên nhạc công Đoàn Văn công Quân khu 5).

Năm 1985, cậu bé Tuấn Anh khi đó 12 tuổi được Đoàn Văn công Quân khu 3 tuyển chọn gửi đi đào tạo âm nhạc tại Trường Nghệ thuật Quân đội (nay là Trường Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội).

Năm 1994, tốt nghiệp ra trường, anh về công tác tại Đoàn Văn công Quân khu 3 rồi duyên cớ đưa anh đến với Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng. Trải qua nhiều năm đào tạo bài bản, môi trường công tác đa dạng, càng làm tình yêu với người lính, với quê hương trong anh ngày một tha thiết, khắc sâu.

Nhưng ít ai biết rằng, nhạc sĩ Nguyễn Tuấn Anh đến với sáng tác âm nhạc từ lời động viên của Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho. Anh từng là Đội trưởng đội nhạc, nhạc công chơi đàn keyboard ở Đoàn Văn công Quân khu 3.

Cơ duyên là vào năm 1995, trong chuyến công tác tại quần đảo Trường Sa, anh được tác giả “Tiến bước dưới quân kỳ” động viên: “Trong đầu xuất hiện bất cứ melody (giai điệu) nào thì ký âm ngay vào sổ tay, sau này sẽ hữu dụng. Như trường hợp đoạn nhạc mở đầu ca khúc “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” có trước cả khi nhạc sĩ Doãn Nho đọc bài thơ về lính xe tăng của nhà thơ Hữu Thỉnh...”.

Nhạc sĩ Doãn Nho khuyên anh đọc nhiều thơ, văn, dần hình thành và phát triển các đề tài nội dung cho tác phẩm âm nhạc. Đó chính là kinh nghiệm mà người nhạc sĩ đi trước từng làm để có những tác phẩm xuất sắc sau này.

Cứ nghĩ đến điều đó làm anh phấn chấn, quyết tâm rất nhiều. Vì thế, sau khi về đất liền anh hăm hở bắt tay vào công việc sáng tác. Anh chăm chú tìm đọc những bài thơ đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội, thấy đồng điệu với bài thơ nào là bắt tay phổ nhạc ngay.

Nhận thấy niềm đam mê, năng khiếu của cấp dưới, Thiếu tá Lê Cao Long, khi ấy là Phó Đoàn trưởng, Chỉ đạo nghệ thuật Đoàn Văn công Quân khu 3 đã tạo mọi điều kiện để anh được sáng tác, dàn dựng báo cáo các tác phẩm với toàn thể đơn vị và thủ trưởng Cục Chính trị Quân khu 3.

Sau đó, anh được cử đi học sáng tác tại Trường Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội, dưới sự giảng dạy trực tiếp của nhạc sĩ Đức Trịnh, mở ra con đường sáng tác chuyên nghiệp sau này.

Nhớ lại sự kiện mang tính bước ngoặt ấy, người nhạc sĩ đất thành Nam bồi hồi cho rằng: “Từ tận đấy lòng mình, tôi trân trọng biết ơn tới các thầy Bùi Đình Bảng, người thầy dạy những nốt nhạc đầu tiên; thầy Đức Trịnh, người đã dạy tôi từ trung cấp, cao đẳng, đại học và chú Doãn Nho, chú Lê Cao Long.

Tôi nghiệm ra rằng, sáng tác là công việc vô cùng thú vị, nơi đó có thể tự do sáng tạo theo mong muốn của mình mà không bị gò bó vào bất cứ điều gì. Nhưng điều quan trọng với người nhạc sĩ quân đội là phải sáng tác hướng đến cái chung, nhân văn, nói lên tiếng nói của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân…”.

Đại tá, nhạc sĩ, NSƯT Nguyễn Tuấn Anh (thứ 3 từ trái sang) nhận Huy chương Vàng từ Ban tổ chức Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp về đề tài quốc phòng toàn dân năm 2023. Ảnh: NVCC

Đại tá, nhạc sĩ, NSƯT Nguyễn Tuấn Anh (thứ 3 từ trái sang) nhận Huy chương Vàng từ Ban tổ chức Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp về đề tài quốc phòng toàn dân năm 2023. Ảnh: NVCC

“Cặp đôi” thơ - nhạc hiếm thấy

Thấm thoắt từ chuyến tàu ra Trường Sa năm đó, đến nay Đại tá, NSƯT Nguyễn Tuấn Anh đã định danh và trở thành một trong những “thương hiệu” của nhạc sĩ quân đội.

Anh đã cho ra đời hàng trăm ca khúc quen thuộc với lực lượng quân hàm xanh, như: “Con đường thương nhớ”, “Ngày hội biên phòng - Ngày hội toàn dân”, “Tiếng hát từ cột mốc 3 biên”, “Những người trai đi trong lòng biển”, “Những ngôi sao đại dương”, “Thành phố của trùng khơi”, “Nỗi nhớ từ biển xa”… và các ca khúc thiếu nhi “Con nuôi đồn biên phòng”, “Em cùng bố chống Corona”, “Biên cương đêm hội trăng rằm”...

Đặc biệt là đề tài đối ngoại quốc phòng được tác giả viết thành công với các tác phẩm “Biên cương hữu nghị”, “Mê Kông kỷ nguyên mới”, “Việt Nam tươi đẹp chào bạn bốn phương”… Tác phẩm của anh luôn hướng và kịp thời phản ánh những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, Quân đội và Bộ đội Biên phòng, về những gì mà anh “mắt thấy tai nghe” trong những chuyến công tác khắp các vùng biên.

Đặc biệt, những giai điệu đó không khô cứng, khẩu hiệu mà nhẹ nhàng, sâu lắng, hùng tráng, mãnh liệt. Trong sáng tác của mình, anh luôn cố gắng mang những chất liệu của vùng miền nhắc đến trong bài, để công chúng ở khu vực đó hát lên thấy sự gần gũi, thấy như mình đang ở trong đó.

Chỉ riêng trong năm 2023, anh đã đạt được 4 giải thưởng lớn cấp quốc gia. Đó là Giải thưởng âm nhạc về quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2021 - 2023 do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức với ca khúc “Con nuôi đồn biên phòng”; Huy chương Vàng với ca khúc “Khước xuân”, giải Tổng đạo diễn xuất sắc nhất tại Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp về đề tài Quốc phòng toàn dân năm 2023...

Và mới nhất là giải A tại Liên hoan Âm nhạc toàn quốc đợt II - năm 2023, được tổ chức ở thành phố Hà Giang, với ca khúc “Thành phố của trùng khơi”. Tác phẩm “Thành phố của trùng khơi” được viết theo phong cách âm nhạc thính phòng, âm vực rộng trên 2 quãng 8 thể hiện sự rộng dài mênh mông trùng khơi sóng.

Khi giai điệu của bài hát vang lên, người nghe như thấy tiếng sóng, hơi thở của biển đảo được cất lên với sự hùng tráng và đầy niềm tự hào. Bài hát khẳng định về giá trị to lớn của biển đảo Việt Nam, những hòn đảo nhỏ là những thành phố nổi có sức vươn lên, là tiền đồn của cả nước.

Có một điều thú vị là nhiều ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Tuấn Anh được phổ từ thơ của Trung tá, nhà văn Phạm Vân Anh (Cục Chính trị Bộ đội Biên phòng). Cùng là người lính quân hàm xanh, giữa “cặp đôi” thơ - nhạc này có sự đồng điệu trong tâm hồn lẫn nghệ thuật.

Có lần nhạc sĩ Nguyễn Tuấn Anh tâm sự: “Chỉ cần có ý tưởng viết về một chủ đề nào đó, điện thoại cho Phạm Vân Anh là sẽ có ý thơ “đặt” vào khuông nhạc”. Còn nhà văn Phạm Vân Anh thì cho rằng: “Nguyễn Tuấn Anh đã “thổi hồn” cho những vần thơ của tôi được bay lên”.

Họ, người đưa thơ, người góp nhạc để cùng nói lên tâm tư, tình cảm, nỗi niềm của những người lính quân hàm xanh với Tổ quốc, với nhân dân. Sâu xa trong những bài hát của họ là trách nhiệm, là tình yêu, là khát vọng về một biên cương, hải đảo yên bình, phát triển, cuộc sống của nhân dân được ấm no, hạnh phúc.

Quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Nguyễn Mạnh Dũng và Thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao giải thưởng và hoa cho các tác giả đoạt giải A tại Liên hoan Âm nhạc toàn quốc đợt II - năm 2023 (Đại tá, nhạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Tuấn Anh đứng thứ 4, từ trái sang). Ảnh: NVCC

Quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Nguyễn Mạnh Dũng và Thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao giải thưởng và hoa cho các tác giả đoạt giải A tại Liên hoan Âm nhạc toàn quốc đợt II - năm 2023 (Đại tá, nhạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Tuấn Anh đứng thứ 4, từ trái sang). Ảnh: NVCC

Góp “viên gạch” cho Đoàn

Trung úy, nhạc công Nguyễn Hoàng Oanh khi anh giành giải Nhì Cuộc thi Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2023 vừa qua, tâm sự: “Trong suốt thời gian tham gia tập luyện, thi đấu, Đại tá Nguyễn Tuấn Anh đã quan tâm, sát sao, ủng hộ không những về mặt tinh thần, mà còn hỗ trợ tôi những thứ tốt nhất để đảm bảo sức khỏe, đồng chí còn chỉ đạo bộ phận hậu cần chuẩn bị từng bữa ăn giàu chất dinh dưỡng để nâng cao thể lực cho chúng tôi sau giờ tập luyện.

Ngay khi cuộc thi khai mạc tại Nha Trang, đồng chí đã nhắc nhở tôi phải bám sát, theo dõi các thí sinh của các nhà hát, đoàn biểu diễn để học hỏi thêm về chuyên môn, phong cách biểu diễn, đồng thời rút ra kinh nghiệm xử lý tình huống trên sân khấu”.

Đại tá, nhạc sĩ, NSƯT Nguyễn Tuấn Anh cùng vợ và con gái. Ảnh: NVCC

Đại tá, nhạc sĩ, NSƯT Nguyễn Tuấn Anh cùng vợ và con gái. Ảnh: NVCC

Rõ ràng trong những thành công chung của Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng luôn có dấu ấn của người “thuyền trưởng” Nguyễn Tuấn Anh. Chia sẻ về điều này, nhạc sĩ Nguyễn Tuấn Anh cho biết: “Người thủ trưởng phải biết tạo nguồn cảm hứng cho các cấp dưới của mình được cống hiến và tỏa sáng, nhất là trong môi trường nghệ thuật.

Tôi luôn cố gắng bằng trí tuệ, sức lực và tâm huyết của mình để “vun trồng”, “chăm bẵm” những tài năng trong Đoàn, để các em mang về thành tích cho cá nhân và cũng chính là mang về cho Đoàn.

Với đặc thù là lực lượng chuyên trách, nòng cốt trong bảo vệ, gìn giữ biên cương, biển đảo của Tổ quốc, người lính văn nghệ trong lực lượng ấy phải không ngừng nỗ lực, sáng tạo để mang đến những “món ăn tinh thần” bổ ích cho chiến sĩ, đồng bào các dân tộc thiểu số. Là người nghệ sĩ thì không được “giẫm vào chân mình” mà phải luôn tìm, sáng tạo, đổi mới, để khán giả không “chán” mình”.

Nhìn vào thành tích của Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng với 5 nghệ sĩ được phong danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, 20 nghệ sĩ được phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, nhạc sĩ Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, đây là nỗ lực của cả tập thể với 65 năm xây dựng, phấn đấu và trưởng thành.

“Các nghệ sĩ được phong danh hiệu chính là những “bông hoa đẹp” trong “vườn hoa” của đất nước. Họ đã và đang cống hiến cho nghệ thuật bằng tình yêu, trách nhiệm và niềm say mê nghề nghiệp.

Chúng tôi luôn tự hào có những thế hệ như: Nhạc sĩ Hoàng Long, NSƯT Lê Đóa, NSND Vi Hoa, NSND Thanh Xuân… Họ chính là những người đã khiến cho Đoàn nghệ thuật “ngôi sao xanh” tỏa sáng qua nhiều thập kỷ, tạo tiền đề cho thế hệ trẻ chúng tôi bứt phá, vươn lên trong thực hiện nhiệm vụ cũng như sáng tạo nghệ thuật”, nhạc sĩ Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ