Bao năm qua, ông vẫn làm công việc mà mình yêu thích là sáng tác âm nhạc cho thiếu nhi và sưu tầm dân ca các dân tộc ở khu vực Đồng Nai và các tỉnh lân cận.
Đam mê sưu tầm dân ca
Bước chân vào nghề báo, tôi có thói quen tìm, liên hệ viết bài về các nhạc sĩ có sáng tác mà mình yêu thích từ lâu và nhạc sĩ Trần Viết Bính là một trong những người như thế. Nhưng tìm ông thật không dễ. Hỏi các nhạc sĩ ở Hà Nội thì đa phần họ không biết ông ở đâu và số điện thoại thế nào.
May thay! Trong cuộc phỏng vấn nhạc sĩ, NSND Nguyễn Tiến vài năm trước, tôi dò hỏi thì ra là… đúng người. Bởi tác giả “Hoa cau vườn trầu”, “Tìm em qua câu dân ca” chính là một thành viên trong đội Vàng Anh nức tiếng ở Thành Nam một thời và nhạc sĩ Trần Viết Bính là người phụ trách đội văn nghệ này.
Nói là tìm ra cũng đúng mà cũng chưa đúng. Bởi nhân vật của tôi - nhạc sĩ Trần Viết Bính đang sống ở tận Đồng Nai mà tôi lại ở Hà Nội, khoảng cách địa lý xa xôi nên tôi chưa thể gặp ông. Nhưng tôi đã có cơ hội được trò chuyện cùng ông qua điện thoại, mạng xã hội, email… Tôi thấy thật hạnh phúc khi ông luôn coi tôi là người bạn vong niên mặc dù tôi chỉ đáng tuổi cháu của ông.
Trong cuộc trò chuyện ông luôn xưng “mình” và gọi tôi là “bạn” rất gần gũi, thân thiết. Có cuốn sách mới ra hay sáng tác mới nào ông lại gửi cho tôi xem hoặc nghe, thậm chí ông còn khiêm tốn bảo: “Gửi cho để góp ý”. Phải nói rằng ở cái tuổi xấp xỉ 90 nhưng tác giả ca khúc “Hạt gạo làng ta” vẫn thật minh mẫn, khỏe mạnh và giàu cảm xúc.
Ông được nhiều người ở Đồng Nai gọi bằng cái tên: “Người bao đồng”. Bởi ở cái tuổi “gần đất xa trời” và vẫn phải chắt chiu từng đồng lương hưu ít ỏi từng tháng để thuê nhà nhưng ông lại đam mê sưu tầm dân ca các dân tộc thiểu số ở Đồng Nai, Tây Nguyên và các khu vực lân cận.
Chẳng biết nên vui hay buồn với cái tên “Người bao đồng” ấy nữa mà chỉ biết rằng ông sống hào sảng. Sinh ra ở quê lúa Thái Bình, làm nên tên tuổi ở Nam Định nhưng từ năm 1981 ông lại vào sinh sống tại mảnh đất Đồng Nai. Cuộc sống mới nơi “đất khách quê người” với bao nỗi lo “cơm, áo, gạo, tiền” không làm ông bớt say sưa với âm nhạc, nhất là âm nhạc thiếu nhi.
Dạo trước khi dịch Covid-19 căng thẳng, trò chuyện thấy ông thoáng nỗi buồn bởi bị “bó chân” dài ngày trong nhà mà đáng lẽ ra ông đang ở một bản làng dân tộc nào đó để tìm kiếm, sưu tầm dân ca. Qua những cuộc trò chuyện, tôi đều thấy ông nhắc nhiều đến công việc thú vị này bằng chất giọng hào sảng của người đàn ông từng trải.
Có những hôm tôi gửi email cho ông lúc 2 giờ sáng thì cũng ngay lập tức ông phản hồi lại. Tôi có cảm tưởng lúc ấy ông đang trăn trở trong “đống tài liệu” về dân ca thu được từ những ngày điền dã ở các vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đồng Nai. Có lần, ông bảo với tôi, ông cảm thấy bực tức vì dịch Covid-19 mà lâu lắm ông chưa có chuyến đi điền dã nào, chắc bà con dưới đó nhớ mình lắm, mong mình lắm!
Nhạc sĩ Trần Viết Bính luôn ý thức rằng, tuổi của mình ngày càng cao và tuổi của các già làng, trưởng bản, nghệ nhân dân gian cũng vậy, ai cũng như ngọn đèn dầu sắp cạn, có thể tắt bất cứ lúc nào. Với suy nghĩ ấy mà ông luôn cố sức vun vén cho những chuyến đi xa, những mong có thể gặp được nhiều nghệ nhân, sưu tầm được nhiều bài dân ca hơn.
Nhạc sĩ cho biết: “Là con người sinh ra trên đời, ai cũng phải có niềm đam mê và bằng mọi cách nuôi dưỡng niềm đam mê ấy. Từ năm 1993, khi bắt đầu sưu tầm, nghiên cứu dân ca thì tôi đã bị cuốn hút theo nó và tôi nghĩ, đó chính là phần đời còn lại của tôi - phần đời luôn được sống với niềm đam mê của chính mình”.
Gắn bó máu thịt với âm nhạc thiếu nhi
Còn nhớ chương trình phát thanh đặc biệt “Bác Hồ của chúng ta” nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh do Ban Thời sự, Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện đã gây xúc động mạnh với thính giả khi nhạc sĩ Trần Viết Bính đánh đàn và hát ca khúc “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” của nhạc sĩ Phong Nhã.
Nhạc sĩ Trần Viết Bính đã được gặp Bác Hồ và hát cho Bác nghe bài hát này vào năm 1946 nên có thể nói việc có sự xuất hiện của ông đã làm cho chương trình trở nên vô cùng hấp dẫn, sinh động. Chương trình sau đó đã được giải B giải Báo chí Quốc gia năm 2020.
Từ việc yêu ca hát ông đã trở thành nhạc sĩ với những ca khúc được yêu thích và nổi tiếng nhất là “Hạt gạo làng ta”. Đọc được bài thơ của “cậu bé” Trần Đăng Khoa khi ấy, trong lòng ông vô cùng sung sướng vì nghĩ đó sẽ là một bài hát hay nếu được phổ nhạc.
Và quả thực là sau hơn nửa thế kỷ, ca khúc vẫn được biết đến, yêu thích và được đánh giá là một trong những ca khúc hay của thiếu nhi. Có điều đặc biệt là sau gần 30 năm ca khúc này ra đời, ông mới được gặp nhà thơ Trần Đăng Khoa.
Ông kể, những kỷ niệm xung quanh ca khúc này có rất nhiều, nhưng để lại ấn tượng sâu sắc nhất là sự kiện vào khoảng cuối những năm 60 của thế kỷ trước, lúc ấy, ông đang là cán bộ Đoàn Thanh niên Lao động tỉnh Nam Định với nhiệm vụ phổ biến các bài hát mới cho thiếu nhi. “Để tránh bom nên lớp học của các em phân tán ra nhiều điểm ở trong làng.
Có một buổi trưa, đang dạy hát trong một cái miếu giữa cánh đồng làng, tôi thấy bà con nghỉ tay làm đồng đứng xem. Khi các em học sinh hát những câu: “Hạt gạo làng ta/ Có bão tháng Bảy/ Có mưa tháng Ba/ Giọt mồ hôi sa/ Những trưa tháng Sáu/ Nước như ai nấu/ Chết cả cá cờ/ Cua ngoi lên bờ/ Mẹ em xuống cấy...”, tôi thấy có người đã bật khóc. Cả đời tôi không bao giờ quên được hình ảnh những “khán giả” nông dân chân tay lấm bùn vừa nghe hát vừa đưa tay quệt nước mắt”, nhạc sĩ nhớ lại.
Ngoài ra, ông cũng là tác giả của nhiều tác phẩm cho thiếu nhi, như hợp xướng “Người bạn thiếu niên miền Nam anh hùng”, tổ khúc hợp xướng “Chúng em đã gặp chị Võ Thị Sáu”… được đội Vàng Anh thể hiện vang lên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam một thời. Ông bảo, sáng tác về thiếu nhi đã “ăn” vào máu thịt ông, nên giờ đây ông vẫn miệt mài sáng tác và dạy hát cho thiếu nhi.
Hằng năm cứ vào dịp hè, Ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh (15/5), Tết Thiếu nhi (1/6), Tết Trung thu, ông đều có sáng tác mới tặng các cháu. Ngoài ra, ông vẫn đi dạy hát cho thiếu nhi ở thành phố, huyện, xã và cả vùng sâu, vùng xa trong tỉnh Đồng Nai.
Các sáng tác về thiếu nhi của nhạc sĩ Trần Viết Bính thường nhẹ nhàng như lời khuyên của một người ông dành cho những đứa cháu của mình: “Vâng lời cô giáo, qua đường nhớ trông đèn đỏ, phải đợi đèn xanh mới qua” (bài “Nhớ lời cô dặn”), “Có con, có con mèo lười/ Không thuộc bài vì mải chơi máy tính” (bài “Ong chăm, mèo lười”). Gần đây, ông đã sáng tác 2 ca khúc “Đồng dao Trường Sa, Hoàng Sa” và “Cháu ngoan Bác Hồ”.
Nếu như “Đồng dao Trường Sa, Hoàng Sa” như một lời nhắc nhở thế hệ thiếu nhi về vấn đề lớn lao của dân tộc là chủ quyền biển đảo quốc gia thì trong ca khúc “Cháu ngoan Bác Hồ” ông đã chuyển thể 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng vào khuông nhạc một cách uyển chuyển. Ca khúc “Cháu ngoan Bác Hồ” đã giành giải thưởng cuộc thi “Sáng tác ca khúc dành cho thiếu nhi” năm 2021 do Hội đồng Đội Trung ương, Trung ương Đoàn tổ chức.
Viết sao để trẻ… không chán
Nhạc sĩ Trần Viết Bính luôn tâm niệm, sáng tác cho trẻ em có cái khó riêng, đặc biệt phải làm sao để trẻ... không chán. Muốn vậy, người viết phải nhìn, ngắm, suy nghĩ, cảm nhận thế giới qua lăng kính vừa đơn giản lại vừa tinh khôi của trẻ. “Cái khó nhất trong việc viết bài hát cho thiếu nhi là hiểu cảm quan của trẻ con với thế giới xung quanh.
Kỹ thuật chuyên môn không cần ở mức cao siêu bác học, mà chỉ cần các ca khúc ngắn nhưng được lồng một cách khéo léo, nhẹ nhàng những bài học dạy kỹ năng sống, dạy phép ứng xử cho thiếu nhi”, ông khẳng định.
Sáng tác được ca khúc đọng lại trong lòng trẻ em thì bản thân nhạc sĩ phải “vào vai” thiếu nhi để hiểu tâm tư, suy nghĩ, nỗi lòng, nguyện vọng của các em. Rõ ràng nhạc sĩ sẽ không thành công khi mang tâm hồn người lớn áp đặt vào trẻ con được. Nhạc sĩ Trần Viết Bính nhấn mạnh như thế với tôi trong nhiều cuộc trò chuyện đủ hiểu được tấm lòng, sự tha thiết, đau đáu của ông với mảng ca khúc thiếu nhi.
Với những ca khúc thiếu nhi đã thể hiện, với những ca khúc đã sáng tác, với những đóng góp to lớn với đội Vàng Anh, ông xứng đáng là người giữ lửa, người truyền lửa cho thế hệ nhạc sĩ hôm nay nói riêng với giới hoạt động văn hóa nghệ thuật nói chung.
Nghĩ về nhạc sĩ Trần Viết Bính tôi lại nghĩ về một tấm gương lao động nghệ thuật không mệt mỏi, một tấm gương bình dị mà cao quý giữa đời thường…