Nhạc sĩ Ngọc Thịnh từ công nhân điện đến nhạc sĩ tài năng

GD&TĐ - Là người con Hà Tĩnh nên trong sáng tác của nhạc sĩ Ngọc Thịnh người nghe cảm nhận được sự chắt lọc tài tình, tinh tế của dân ca xứ Nghệ.

Nhạc sĩ Ngọc Thịnh say sưa bên cây đàn. Ảnh: Ngô Khiêm.
Nhạc sĩ Ngọc Thịnh say sưa bên cây đàn. Ảnh: Ngô Khiêm.

Từ công nhân Nhà máy điện Vinh (Nghệ An) bên bờ sông Lam thơ mộng, Ngọc Thịnh đã yêu, đắm say với những giai điệu, lời ca để rồi thôi thúc ông trở thành nhạc sĩ chuyên nghiệp.

Sau mấy thập kỷ gắn bó với âm nhạc, đến nay, ông là tác giả của nhiều ca khúc được người nghe mến mộ, yêu thích, trong đó không thể không kể đến “Câu đợi, câu chờ”.

Bình dị giữa đời thường

Khoảnh khắc đời thường của nhạc sĩ Ngọc Thịnh. Ảnh: NVCC.

Khoảnh khắc đời thường của nhạc sĩ Ngọc Thịnh. Ảnh: NVCC.

Từ lâu, tôi đã rất thích nghe ca khúc “Câu đợi, câu chờ” và với tôi, bài hát ấy là một cảm nhận rất riêng về con người, mảnh đất xứ Nghệ đầy ân tình.

Bởi lẽ, ca khúc của ông chắt lọc được những hình ảnh đẹp, những chi tiết “đắt” mang tính biểu tượng và đặc biệt là được khai thác, sáng tạo trên chất liệu dân ca ví, giặm một cách nhuần nhuyễn, tài tình: “Ngày ấy bên bờ sông La/Anh nghe câu hò ví, giặm/Để một đời anh đi xa/Để ngàn lần anh nhớ mãi…”.

Chắc hẳn, ai đã nghe một lần thì sẽ muốn nghe lần thứ hai, thứ ba và mê đắm “Câu đợi, câu chờ” từ lúc nào không hay.

Cũng chính những câu hát này đã dẫn lối, đưa tôi đến gặp nhạc sĩ Ngọc Thịnh trên căn gác tầng 3, ký túc xá Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Tôi khá bất ngờ về nơi ở hiện nay của ông: Căn phòng chật hẹp, đơn sơ.

Nhưng rồi, qua cuộc trò chuyện cùng ông mới thấy được tình yêu cha con nặng sâu, thắm thiết; sự hy sinh vì con cái cũng như tinh thần vượt lên hoàn cảnh để sống, để sáng tác trong ông rất lớn.

“Khi nghỉ công tác với chức vụ Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Hà Tĩnh, tôi ra Hà Nội công tác tại Phòng Công tác hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Nói ra công tác nhưng “nhiệm vụ” chính của tôi là để có cơ hội gần gũi, nuôi nấng, chăm sóc, động viên và “truyền lửa” tình yêu âm nhạc cho cậu con trai út và cũng là con trai “độc đinh” đang theo học piano tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam”, nhạc sĩ Ngọc Thịnh kể.

Giản dị, chân thành, cởi mở, gần gũi… đó là cảm nhận của nhiều người khi tiếp xúc với Ngọc Thịnh. Tiếp khách, ông mang kẹo cu đơ cùng với nước chè đặc và ông vẫn giữ giọng Hà Tĩnh.

Trò chuyện cùng ông, tôi lại nhớ về những ca từ da diết trong ca khúc “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh” của nhạc Nguyễn Văn Tý - một ca khúc đã nói đúng, nói trúng tâm tình, nỗi lòng của người Hà Tĩnh.

Khi nghe tôi nói về tình yêu với mảnh đất xứ Nghệ, với con sông Lam, sông La qua một số ca khúc thì ông bảo “nhất định có dịp sẽ mời nhà báo vào để hiểu hơn về con người và vùng đất xứ Nghệ thân thương và đầy lưu luyến”.

Thấm đẫm dân ca xứ Nghệ

Mới đây, khi xem ca sĩ Phạm Công Thành, giảng viên Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội biểu diễn ca khúc “Tháng Giêng” của ông - giải Nhất Cuộc thi Tiếng hát Người làm báo mở rộng năm 2023 (trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023) - tôi đã thực sự bất ngờ.

Đó là bởi dù sao “Tháng Giêng” (giải A Giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2017) cũng khá mới mẻ so với nhiều ca khúc quen thuộc và nổi tiếng mà các thí sinh khác lựa chọn. Nghe và cảm nhận ca khúc này mới thấy được sự “quái” trong âm nhạc của Ngọc Thịnh. Dựa trên chất liệu dân ca xứ Nghệ, ông đã phát triển, sáng tạo để ra nét nhạc phù hợp với đời sống đương đại, có sức hút khán giả.

Không chỉ ca khúc này, nghe và cảm nhận nhiều ca khúc của ông, chúng ta đều dễ dàng thấy được điều đó. Là người con Hà Tĩnh nên trong sáng tác của nhạc sĩ Ngọc Thịnh người nghe cảm nhận được sự chắt lọc tài tình, tinh tế của dân ca xứ Nghệ.

Miền quê ấy thật đằm thắm, dung dị, luôn chan chứa yêu thương bởi tình cảm mộc mạc của con người, những câu hò, điệu ví, những núi Hồng, sông La... như dòng sữa mẹ ngọt ngào nuôi ông lớn lên.

Những gì thuộc về quê hương, xứ sở ấy luôn khắc khoải để ông viết nên những giai điệu đẹp nhất, hay nhất về một dải đất miền Trung nắng gió, kiên cường. Có thể kể đến một số ca khúc, như: “Cung đàn Thúy Kiều”, “Mẹ”, “Tình quê”, “Tình mẹ bao la”, “Cổ tích quê mình”, “Hà Tĩnh quê mình”, “Sông Lam bốn mùa”, “Lời quê”, “Khúc hát sông Hàu”…

Xuất thân là công nhân điện rồi là lính lái xe nên hơn ai hết Ngọc Thịnh thấu hiểu những gian khó, nhọc nhằn trong đời sống người lao động. Bởi thế, khi chuyển sang sáng tác âm nhạc, lời ca, giai điệu trong ca khúc của ông đã nói được tâm tư, tình cảm, nỗi lòng của những người lao động chân tay.

Đi lên từ phong trào âm nhạc quần chúng nhưng ông không “tầm thường hóa” ca khúc của mình mà luôn tìm cách hướng đến sự chuyên nghiệp để nâng nhu cầu thưởng thức âm nhạc của người nghe.

Ca từ trong những ca khúc của ông không lên gân, hoa mỹ mà giản dị, mộc mạc, chân thành như tính cách và con người Hà Tĩnh. Âm nhạc của ông dễ nghe, dễ hát, dễ cảm thụ và có sự lắng sâu, da diết. Khi sáng tác, ông không hướng đến một bộ phận khán giả nào mà luôn hướng đến đại chúng.

“Câu đợi, câu chờ” có thể coi là ca khúc tiêu biểu nhất trong sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Ngọc Thịnh và dù được viết cách đây 27 năm nhưng nó không bị “cũ” mà luôn có sức sống, sức lan tỏa rộng rãi trong đời sống người dân.

Với những người xứ Nghệ xa quê thì ca khúc như chất chứa nỗi nhớ mong, sự khắc khoải và mong muốn được trở về quê hương yêu dấu. Ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội thời kỳ làm Phó Thủ tướng Chính phủ trong chuyến công tác tại Trường Đại học Hà Tĩnh cũng đã hát ca khúc này để dành tặng lãnh đạo tỉnh, các thầy cô, sinh viên nhà trường.

Biết được thông tin thú vị này, nhạc sĩ Ngọc Thịnh vô cùng cảm động, thích thú khi một lãnh đạo cấp cao đã thuộc lòng và yêu mến ca khúc của mình.

“Câu đợi, câu chờ” có thể đã trở nên quen thuộc với nhiều người nhưng sự ra đời của nó có khi vẫn là “ẩn số” với nhiều người. Theo nhạc sĩ Ngọc Thịnh, ca khúc được ông viết chỉ khoảng 30 phút nhưng thời gian thai nghén, ấp ủ trong suốt mấy chục năm, từ khi còn là một công nhân điện rồi lính lái xe trong chiến tranh biên giới phía Bắc.

Chính sự ra đi rồi lại trở về với sự nhớ nhung da diết về miền đất bên dòng sông La trữ tình đã khiến ông “bật” ra câu hát: “Nay anh trở về bên dòng sông La/Con đò vẫn nguyên, dòng sông còn đó/Câu hò quê mình mộc mạc mà thương/Ngày xưa anh mang đi khắp nẻo đường…”. “Câu đợi, câu chờ” được người lính trẻ mang vào chiến trường ác liệt đã gieo niềm tin về ngày chiến thắng và sự trở về.

Người phụ nữ thay đổi cuộc đời

Nhạc sĩ Ngọc Thịnh đàn cho ca sĩ Thái Bảo hát. Ảnh: NVCC.
Nhạc sĩ Ngọc Thịnh đàn cho ca sĩ Thái Bảo hát. Ảnh: NVCC.

Trong cuộc trò chuyện cùng tôi, đôi mắt nhạc sĩ Ngọc Thịnh lấp lánh niềm hạnh phúc, sự tự hào khi nói về người vợ của mình - ca sĩ Thái Bảo (từng công tác tại Nhà hát nghệ thuật Truyền thống Hà Tĩnh). Có một thời cặp vợ chồng nghệ sĩ này người chơi đàn, người cầm míc đã ca hát trên khắp các sân khấu ở trong và ngoài tỉnh Hà Tĩnh.

Đời sống nghệ sĩ vốn dĩ nhiều những xô bồ nhưng dường như điều đó luôn ở ngoài cánh cửa nhà của gia đình họ. Bấy mươi năm gắn bó với nhau, họ như một “cặp trời sinh”, luôn yêu, thấu hiểu tâm tư, nỗi lòng và phong cách âm nhạc của nhau. Và, nói một cách công bằng thì nếu không có giọng hát dân ca trứ danh Thái Bảo đã không có một nhạc sĩ Ngọc Thịnh tài năng hôm nay.

Bởi trước đây ông sáng tác nhạc nhẹ nhưng rồi quen biết, yêu, kết hôn và chung sống với Thái Bảo đã khiến ông có sự yêu thích, say mê và gắn bó với sáng tác ca khúc mang âm hưởng dân ca. Ông ý thức được rằng, dân ca chính là “quả ngọt” để mỗi nhạc sĩ “bám rễ” và không ngừng phát triển, sáng tạo để phù hợp với cuộc sống đương đại.

Nhạc sĩ Ngọc Thịnh nói không với việc sử dụng mạng xã hội Facebook và chính Thái Bảo là người đứng sau truyền thông trên mạng xã hội những sáng tác mới của chồng.

Nhìn cái cách Thái Bảo chăm chút cho tác phẩm của chồng đủ thấy được “bệ đỡ” phía sau của nhạc sĩ Ngọc Thịnh cũng như tình yêu của họ lớn thế nào. Hiện, ca sĩ Thái Bảo vẫn ở thành phố Hà Tĩnh để hương khói cho tổ tiên cũng như tiện cho việc trông cháu ngoại. Vậy là “đôi uyên ương” phải tạm thời xa nhau.

Khoảng cách địa lý khiến vợ chồng không thể gặp nhau thường xuyên nhưng trong lòng Thái Bảo luôn tin vào Ngọc Thịnh cũng như tin vào con đường nghệ thuật của chồng. Con đường ca hát của Thái Bảo giờ đây đã bị hạn chế rất nhiều bởi tuổi tác, công việc gia đình nhưng Ngọc Thịnh thì vẫn phăng phăng trên hành trình sáng tạo với những cảm hứng bất tận, dồi dào.

Một điều thú vị nữa ở gia đình nhạc sĩ Ngọc Thịnh là cả 5 năm thành viên đều theo nghệ thuật. Ngoài người con trai út đang theo học piano thì con gái lớn đang dạy âm nhạc tại một trường phổ thông ở thành phố Hà Tĩnh, con gái thứ hai đang là diễn viên múa Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam.

Các con của Ngọc Thịnh - Thái Bảo luôn khát khao cháy bỏng được cống hiến cho nghệ thuật bằng tình yêu, sự đam mê như bố mẹ đã và đang trải qua. Có thể nói, tình yêu gia đình song hành cùng tình yêu nghệ thuật tạo nên gắn bó bền chặt, khăng khít; là nguồn sống, mạch máu trong mỗi thành viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Loài khỉ Jigokudani ngâm mình trong nước nóng vào mùa Đông.

Động vật tránh rét như thế nào?

GD&TĐ - Đào hang, tắm suối nước nóng, 'sống chậm' là những cách giúp các loài động vật chống chọi với cái rét khắc nghiệt trong tự nhiên.

Công ty TNHH DIGI TEXX Việt Nam ký kết Biên bản ghi nhớ với các Trung tâm GDNN - GDTX trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Ảnh: CTV

Trung tâm GDTX - GDNN: Vực dậy cách nào?

GD&TĐ - Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo… là những giải pháp căn cơ để các trung tâm GD nghề nghiệp - GD thường xuyên tồn tại và phát triển bền vững.

Hệ thống phòng không Patriot.

Nhận thêm Patriot để chặn Oreshnik?

GD&TĐ - Đức cùng Đan Mạch đã cung cấp cho Ukraine thêm 15 xe tăng Leopard, gửi một hệ thống IRIS-T SLS, một IRIS-T SLM và tăng cường Patriot.

Rashford công khai đòi rời Man Utd

Rashford công khai đòi rời Man Utd

GD&TĐ - Marcus Rashford tuyên bố "sẵn sàng cho thử thách mới" sau khi bị gạch tên khỏi trận Man Utd thắng Man City 2-1 ở vòng 16 Ngoại hạng Anh.