Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn tiết lộ lý do 'tiền nhiều đến đâu cũng không thể bán đứt Tổ quốc gọi tên mình'

GD&TĐ -Năm 2011, khi tình hình ở biển Đông có những căng thẳng, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn đã sáng tác ca khúc “Tổ quốc gọi tên mình” phổ thơ của nữ sĩ Nguyễn Phan Quế Mai như lời thúc giục mỗi người hãy biết sống có trách nhiệm hơn khi Tổ quốc gặp khó khăn, trắc trở.

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn.
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn.

Hơn 10 năm qua, bài hát vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự mỗi khi đất nước bước vào những dịp kỷ niệm trọng đại.

Bài hát đã thuộc về… đất nước

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn luôn thân thiện, cởi mở, gần gũi với “cánh” báo chí. Tối 27/7 vừa qua, khi thấy trên tivi phát ca khúc “Tổ quốc gọi tên mình” của ông trong chương trình nghệ thuật đặc biệt “Khúc tráng ca hòa bình”, tôi đã nhấc máy gọi cho ông.

Và rồi, tôi và ông, hai người hai thế hệ, người ở Hà Nội, người ở TPHCM đều rưng rưng xúc động khi câu chuyện của “Tổ quốc gọi tên mình” được kể, được vang lên đầy niềm kiêu hãnh, tự hào.

Với nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, bài hát này là “món quà” đặc biệt, là lời tri ân không chỉ với đất nước, mà còn với gia đình, người thân của mình. Cha mẹ của ông đã đi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.

Mẹ của ông nhiều lần bị địch bắt, bị tra tấn dã man và ra đi khi ông mới 9 tuổi. Cha của ông bị giam cầm gần 7 năm ở “chuồng cọp” Côn Đảo. Các cậu, các chú của ông đã hy sinh cho Tổ quốc, đến giờ này vẫn chưa tìm được hài cốt.

Hiếm có bài hát nào mà mỗi khi đất nước có biến động lại được người dân hát nhiều như “Tổ quốc gọi tên mình”. Đây là bài hát mà nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn sáng tác dựa trên bài thơ của nữ sĩ Nguyễn Phan Quế Mai vào tháng 8/2011 khi tình hình biển Đông có nhiều phức tạp.

“Với sự nhạy cảm của người nghệ sĩ, tôi nghĩ sẽ viết cái gì đó về tình hình biển Đông. Đang suy nghĩ, lên mạng tìm ý tưởng thì rất may tôi thấy bài thơ “Tổ quốc gọi tên” của nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai, người đang sống ở nước ngoài.

Đêm hôm đó, ngồi bên cây đàn piano, cảm xúc tuôn trào và có thể nói, trong cuộc đời sáng tác của mình chưa bao giờ tôi sáng tác nhanh như vậy. Chỉ khoảng 20 phút thì gần như ca khúc đã hoàn chỉnh” - nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn kể.

Thời gian vừa qua, khi đại dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, khó lường gây ra bao đau thương cho dân tộc và nhất là với TPHCM - nơi nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn đang sinh sống - thì mỗi khi ca khúc “Tổ quốc gọi tên mình” vang lên lòng ông thấy lâng lâng tự hào về quê hương, đất nước.

“Thực hiện lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước, lớp lớp người từ bác sĩ, điều dưỡng, y tá, sinh viên, bộ đội, công an… đã xung phong đăng ký lên đường vào Nam chống dịch.

“Tổ quốc gọi tên mình” cùng các ca khúc ca ngợi Tổ quốc một lần nữa vang lên như lời hiệu triệu cả dân tộc cùng chung tay chống dịch để đem lại sự bình yên, hạnh phúc cho nhân dân”, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn giãi bày.

Hai câu chuyện kể dưới đây có lẽ là minh chứng rõ ràng hơn cho giá trị của “Tổ quốc gọi tên mình”. Nhân chuyến công tác ra Đà Nẵng, Lữ đoàn Phòng không - Không quân, đóng tại gần sân bay Đà Nẵng, làm tiệc mời nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn giao lưu thì có một sĩ quan cùng với vợ con đến gặp ông xin chụp chung một tấm hình làm kỷ niệm.

Sau đó, anh ôm lấy nhạc sĩ và nói: “Cứ mỗi khi anh cất cánh lên trời bay ra hải đảo và quay về đất liền đều mở bài “Tổ quốc gọi tên mình” để nghe và sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc trong bất cứ tình huống nào”. Hai người sau đó đã ôm siết nhau và nước mắt nhạc sĩ đã chảy…

Rồi có hôm ông đang họp giao ban tại TPHCM thì có một số điện thoại lạ gọi mời dùng bữa cơm trưa tại nhà hàng vì rất ái mộ ông. Khi ông đang ăn thì vị khách đó đặt vấn đề muốn “mua đứt” bài “Tổ quốc gọi tên mình” với giá 50.000 USD.

Lúc này, ông đứng người vì lần đầu tiên nghe có người đưa ra số tiền lớn như vậy đối với ca khúc của mình. Nhưng rồi suy nghĩ trong giây lát, ông thẳng thắn trả lời: “Xin lỗi rất tiếc vì bài này bây giờ không còn của tôi nữa, mà nó đã thuộc về… đất nước rồi”.

Giải thưởng không phải đích đến

Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai (phải), nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn và nhà báo Hòa Bình. Ảnh: Hà Đình Nguyên

Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai (phải), nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn và nhà báo Hòa Bình. Ảnh: Hà Đình Nguyên

Dịp này, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn là một trong những nhạc sĩ được Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật cho cụm 5 ca khúc: “Tổ quốc gọi tên mình”, “Mẹ và Tổ quốc”, “Tôi khát khao kéo sông Hàn dài mãi”, “Bà Rịa! đất níu chân người”, “Biển nghiêng”.

Với bất cứ nhạc sĩ nào thì đây là niềm vinh dự, tự hào suốt cuộc đời sáng tạo và cống hiến nghệ thuật. Lao động nghệ thuật chân chính luôn đòi hỏi có kiến thức, vốn sống đã được tích lũy, thiên phú, nhãn quan sáng tạo và tư duy về nghệ thuật… từ đó mới thai nghén cho ra đời những tác phẩm có giá trị với cuộc sống.

“Bản thân tôi cũng như các đồng nghiệp và các bậc tiền bối đi trước trong lĩnh vực nghệ thuật, khi sáng tác không bao giờ nghĩ đến việc các tác phẩm của mình ra đời sẽ được ghi nhận giải thưởng này, giải thưởng kia… chỉ mong sao nó được công chúng đón nhận, đó là niềm vui của giới văn nghệ sĩ.

Chính thời gian là thứ sàng lọc khắt khe nhất và khán giả là những vị giám khảo công tâm nhất đối với các tác phẩm nghệ thuật. Tác phẩm nào tuổi thọ càng cao, càng ở lại trong lòng công chúng thì chắc chắn được nhiều người yêu thích, mến mộ.

Đặc biệt, các tác phẩm ra đời trong hoàn cảnh đất nước có những biến cố sẽ như “liều thuốc tinh thần” động viên cả dân tộc vượt lên để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và độc lập, tự do của dân tộc”, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn bộc bạch.

Ngoài “Tổ quốc gọi tên mình” như nhiều người đã biết thì “Mẹ và Tổ quốc” như nén nhang thành kính mà ông dành riêng cho mẹ của mình cũng như cho những Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, đặc biệt là mẹ Thứ ở Quảng Nam: “…Tổ quốc trong con là dáng hình của Mẹ/ Mẹ muôn đời là Tổ quốc ở trong con…”.

Vì vậy, sau khi viết xong ca khúc này, ông đã đến Tượng đài mẹ Thứ. Lúc đó là 12 giờ trưa, ông đốt ba nén nhang xin dâng tặng ca khúc này cho mẹ. Sau đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đề nghị phát ca khúc này hằng ngày ở nơi linh thiêng này.

Ca khúc “Tôi khát khao kéo sông Hàn dài mãi” là “thành quả” trong dịp ông được mời làm Tổng đạo diễn Chương trình nghệ thuật “Nhịp cầu xuyên Á” bao gồm 5 quốc gia tham dự, do tỉnh Quảng Trị đăng cai.

Kết thúc chương trình, ông trở về Đà Nẵng chuẩn bị bay về TPHCM. Đêm hôm đó ra bờ sông Hàn, thấy ánh trăng in bóng xuống mặt nước và trôi đi trên dòng sông Hàn rất đẹp, nên thơ, nên ông nảy ra ý tưởng để viết: “Đà Nẵng yêu thương một ngày tôi đến/ Tổ quốc thăng hoa Đà Nẵng bay lên/ Sông Hàn, sông Hàn ơi/ Sông Hàn, sông Hàn ơi…”.

Ca khúc “Bà Rịa! đất níu chân người” là “món quà” ông dành tặng TP Bà Rịa xinh đẹp hay “Biển nghiêng” là bản tình ca đầy lãng mạn ông viết tại bãi biển Nha Trang thơ mộng.

Chủ đề biển đảo và Tổ quốc luôn thường trực trong các sáng tác của nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn như cách để ông thể hiện trách nhiệm của người cầm bút trước những vấn đề lớn lao của dân tộc.

Và như ông nhận định thì trong đợt dịch vừa qua, các nhạc sĩ ở mọi miền, trong đó có Hội Âm nhạc TPHCM - nơi ông đang giữ cương vị Phó Chủ tịch - đã thể hiện được trách nhiệm công dân khi sáng tác nhiều bài hát cổ vũ, động viên tinh thần của những người chiến sĩ áo trắng, áo xanh không quản ngại vất vả, hiểm nguy giành giật sự sống cho nhân dân. Rõ ràng âm nhạc là “binh chủng” quan trọng trong “cuộc chiến” này.

Nhiều việc vẫn không “quên” sáng tác

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn phiêu với từng nốt nhạc…

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn phiêu với từng nốt nhạc…

Không chỉ được biết đến là người sáng tác, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn còn gánh vác một nhiệm vụ quan trọng, đó là người kế nhiệm nhạc sĩ Phó Đức Phương trong vai trò Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC).

Ông luôn nhận thức đó là niềm vinh dự, tự hào nhưng cũng là khó khăn, thử thách. “Gần 20 năm tôi gắn bó với nhạc sĩ Phó Đức Phương trong công tác bản quyền âm nhạc, buồn có, vui có... Sau khi anh Phương ra đi, tôi tiếp tục cuộc hành trình này, mong muốn Luật Sở hữu trí tuệ ngày càng hoàn thiện để việc thực thi bản quyền âm nhạc được tốt hơn, giúp các tác giả sống được bằng chính tác phẩm của mình.

Đó cũng là trả lại sự công bằng đối với người sáng tạo nghệ thuật, để họ có nhiều tác phẩm hay phục vụ công chúng và cũng là tâm nguyện của anh Phương khi còn sống”, ông cho biết.

Cũng theo nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, biểu đồ tăng trưởng của VCPMC hằng năm đều tăng. Đây là tín hiệu vui, vì như thế thì sẽ có nhiều nhạc sĩ bớt đi nỗi lo cơm áo gạo tiền để tập trung vào việc sáng tác.

Tuy vậy, hiện còn nhiều tác giả vô cùng khó khăn, bị bệnh tật..., ông mong sao tình trạng vi phạm bản quyền sẽ giảm để tác giả được hưởng sự công bằng mà luật pháp đã quy định.

Ông cũng đang giữ cương vị quản lý văn hóa nghệ thuật tại Cơ quan đại diện Văn phòng Bộ VH,TT&DL tại TPHCM nhưng ông vẫn không “quên” sáng tác. Ông thừa nhận, chính công việc quản lý tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho việc sáng tác.

Ông luôn có điều kiện đi khắp các vùng miền của Tổ quốc và nhiều nước trên thế giới, có dịp tiếp xúc với giới văn hóa nghệ thuật, qua đó tích lũy thêm vốn sống, kiến thức, màu sắc, thanh âm, điệu thức dân gian của các vùng miền để nuôi nấng tâm hồn, giai điệu, lời ca.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên lồng ghép các trò chơi trong giờ học tiếng Anh tăng cường nhằm tăng hứng thú cho học sinh.

Còn nhiều khó khăn và thách thức

GD&TĐ - Để triển khai tốt chương trình tiếng Anh tăng cường cần phải đẩy mạnh xã hội hóa, trong đó sự đồng thuận của phụ huynh đóng vai trò quan trọng.

9 dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư vú

9 dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư vú

GD&TĐ - Ung thư vú phủ bóng đen lên cuộc sống của vô số người trên toàn cầu, ảnh hưởng đến những người mắc bệnh và gia đình của họ.