Nhạc sĩ Giáng Son tiết lộ những bài hát không thể quên về thầy cô, mái trường

GD&TĐ - Với kinh nghiệm nhiều năm với âm nhạc, nhạc sĩ Giáng Son vẫn không thể quên được những bài hát viết về thầy cô và mái trường.

Nhạc sĩ Giáng Son.
Nhạc sĩ Giáng Son.

Nữ nhạc sĩ chia sẻ, cô như được sống lại một thời tuổi thơ đẹp đẽ với những thần tượng về thầy cô giáo và người cha của mình.

Ý nghĩa tốt đẹp của một cuộc thi

Nhạc sĩ Giáng Son sinh năm 1975 tại Hà Nội. Cô lớn lên trong gia đình có truyền thống biểu diễn và nghiên cứu chèo, nhưng từ nhỏ Giáng Son đã được hướng theo âm nhạc Tây Phương. Chính những giai điệu mang âm hưởng dân tộc của Giấc mơ trưa, Chút nắng vàng bay,… đã mang lại tên tuổi cho cô kể từ Bài hát Việt 2005 với giải Nhạc sĩ ấn tượng.

Nhiều năm liền cống hiến cho âm nhạc và đắm mình trong những ca từ của các bài hát, cũng là giám khảo chấm nhiều cuộc thi về sáng tác, thế nhưng khi nói đến “cuộc thi sáng tác ca khúc viết về thầy cô và mái trường”, nhạc sĩ Giáng Son xúc động: “Trong mỗi người chúng ta đều được lớn lên bằng tình yêu thương của các thầy cô từ lúc tấm bé cho đến lúc trưởng thành. Chúng ta đáp lại công ơn của thầy cô bằng sự biết ơn và trân trọng mang theo suốt cuộc đời. Tôi nghĩ đó là ý nghĩa rất tốt đẹp của cuộc thi này”.

Giáng Son là nhạc sĩ, cựu thành viên nhóm nhạc Năm dòng kẻ. Những sáng tác của nữ nhạc sĩ có sự kết hợp giữa tính hiện đại và âm nhạc dân tộc, vừa có chất lượng vừa có định hướng thẩm mỹ dành cho giới trẻ.

Trước đây, khi Năm dòng kẻ đã có chỗ đứng nhất định trong lòng công chúng, Giáng Son nói lời chia tay nhóm trở về Hà Nội giảng dạy tại trường Đại học Sân khấu Điện ảnh và tập trung sáng tác.

Nhạc sĩ Giáng Son sở hữu khá nhiều tác phẩm và giải thưởng như: Tác giả trẻ xuất sắc nhất liên hoan các ban nhạc sinh viên lần 1 (năm 1998), sáng tác hơn 70 bài hát, phát hành tuyển tập 30 tình khúc "Cỏ và mưa" (năm 2005), phát hành CD Em cùng Năm Dòng Kẻ nhưng phải kể đến sự thành công của "Giấc mơ trưa" đã đưa Giáng Son đến gần hơn với công chúng.

Hiện tại, cô là Hội viên Hội nhạc sĩ Việt Nam, thành viên Hội nhạc sĩ thế giới và là Ban giám khảo của nhiều cuộc thi âm nhạc nổi tiếng.

Nhận định về việc thể loại âm nhạc nào sẽ phù hợp với những sáng tác về thầy cô và mái trường, nhạc sĩ Giáng Son cho biết: “Tôi thấy không nên phân biệt dòng âm nhạc nào sẽ phù hợp với chủ đề này vì cuối cùng là bài hát đó có hay hay không, có độ phủ sóng rộng rãi và đến với trái tim người nghe hay không mà thôi”.

Thầy cô chính là thần tượng

Nhạc sĩ Giáng Son tiết lộ những bài hát không thể quên về thầy cô, mái trường ảnh 1

Giáng Son sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật. Bố chị là nghệ sĩ Hoàng Kiều - một nhà nghiên cứu về chèo, giảng viên trường Đại học Sân khấu Điện ảnh.

Chính nghệ sĩ Hoàng Kiều đã đặt tên chị là Giáng Son - nốt son giáng rất hiếm gặp trong các bản nhạc.

Giáng Son được gia đình cho học Piano khi mới 5 tuổi, sau đó học sơ cấp 7 năm rồi chuyển sang học sáng tác nhạc. Năm 10 tuổi, Giáng Son sáng tác tác phẩm đầu tiên dành tặng cha. Tuổi thơ gắn bó với hình ảnh của người cha, người thầy nên chị đã luôn sống cùng với những kí ức đẹp đẽ đó.

Nhạc sĩ “Giấc mơ trưa” chia sẻ: “Hồi nhỏ tôi rất thần tượng các thầy cô. Tôi nhìn thầy cô với ánh mắt ngưỡng mộ và tự hỏi sao thầy cô giỏi thế nhỉ? Tôi bị ảnh hưởng bởi một số tác phong và thậm chí là chữ viết của một số thầy cô đến tận bây giờ. Và bố mẹ tôi chính là tấm gương đạo đức nhà giáo chân chính mẫu mực nhất mà tôi biết”.

Cũng từ tình cảm đó, nữ nhạc sĩ cho biết thêm: “Từ nhỏ, tôi rất thích nghe các bài hát về thầy cô, bởi đây chính là những người tôi thần tượng. Trong số đó, tôi thích nhất bài Bụi phấn! Một bài hát hoàn hảo về giai điệu, ca từ và rất tình cảm; một bài hát có giai điệu hay dễ thuộc nhưng lại làm học sinh nhỏ tuổi chúng tôi hiểu được những công lao to lớn mà các thầy cô trong công việc trồng người và răn dạy bao thế hệ học sinh luôn ghi nhớ công ơn ấy”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.