Nhạc sĩ của đồng quê
Trước khi mất, nhạc sĩ Phó Đức Phương vẫn lạc quan trên giường bệnh, cười nói oang oang với bạn bè để chứng minh mình vẫn ổn, để truyền sự lạc quan đến mọi người, thậm chí, ông còn nói sẽ quay trở lại.
Âm nhạc của Phó Đức Phương luôn có một cái riêng. Cái chất ấy không phải nhạc sĩ nào cũng có. Nhưng đối với nhạc của ông, khi vài ca từ được cất lên, người ta đã cảm ngay được ai là người sáng tác. Âm nhạc của ông không chỉ chắt lọc được tinh túy của văn hóa đồng bằng Bắc bộ, mà còn đầy ắp trí tuệ, dạt dào cảm xúc, đầy ắp tình yêu con người, quê hương, đất nước.
Không chỉ đưa chất liệu dân gian đương đại hiện hiện qua từng nhạc phẩm, ngay từ những ngày đầu bước chân vào công việc sáng tác nhạc sĩ Phó Đức Phương còn nhanh chóng chọn được cho mình nguồn cảm hứng về quê hương dồi dào nhưng cũng rất nên thơ tinh tế.
Từng con kênh, dòng nước, hay mặt hồ đều hiện lên trong âm nhạc của Phó Đức Phương một cách rất tự nhiên thân thuộc qua các ca khúc như: Những cô gái quan họ, Hồ trên núi, Không thể và có thể, Một thoáng Tây Hồ, Huyền thoại hồ núi Cốc, Về quê, Vũ khúc con cò...
Phó Đức Phương là nhạc sĩ luôn tìm tòi, khai thác những tinh hoa trong âm nhạc dân gian của từng vùng, miền để đưa vào tác phẩm. Ông còn viết nhạc cho hàng chục bộ phim như: Những đứa con, Trăng rằm, Lưu lạc, Giông tố... và viết nhạc cho nhiều vở sân khấu như: Hồn Trương Ba da hàng thịt, Nguồn sáng trong đời. Tôi và chúng ta, Nghêu sò ốc hến, Thầy khoá làng tôi, Rừng trúc...
Bén duyên với nghệ thuật có phần muộn so với nhiều nhạc sĩ cùng thời nhưng Phó Đức Phương lại chứng minh với giới chuyên môn cùng công chứng cho thấy sự sáng tạo dồi dào trong hầu hết chặng đường sáng tác của ông.
Năm 2001, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật cho các tác phẩm: Những cô gái quan họ, Hồ trên núi, Một thoáng Tây Hồ, Nha Trang thu, Trên đỉnh Phù Vân.
Ngoài các sáng tác nổi tiếng, Phó Đức Phương cũng được biết đến là người quyết liệt trong việc bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc cho các nhạc sĩ. "Trong suốt 18 năm hoạt động trong lĩnh vực quyền tác giả âm nhạc, tôi đã dành hết tâm huyết và trách nhiệm của mình cho việc xây dựng một tổ chức quản lý tập thể hoạt động sao cho có kết quả tốt nhất trong hoàn cảnh thực tế của đất nước cũng như những điều kiện khó khăn cụ thể của trung tâm", nhạc sĩ Phó Đức Phương từng chia sẻ.
Bất cứ ai từng hợp tác với nhạc sĩ Phó Đức Phương đều nhận xét rằng ông là người khó tính. Có lẽ vì thế mà những tác phẩm nổi tiếng ông viết khi đưa đến với công chúng được đón nhận và sống mãi với thời gian. Với những gì đã cống hiến cho nền âm nhạc nước nhà, dường như nhạc sĩ Phó Đức Phương cũng đã trở thành những miền quê, những dòng sông, con suối. Cùng với đó, “bộ tứ sông Hồng” đã khiến nhiều người ngưỡng mộ vì những tác phẩm còn mãi với thời gian.
Lương duyên định mệnh và mái ấm vẹn tròn
Vợ nhạc sĩ Phó Đức Phương trẻ hơn ông 20 tuổi, là nhà thiết kế thời trang Lê Lan Anh. Ông từng chia sẻ về mái ấm gia đình " Khi tôi và Lan Anh gặp nhau lúc đó tôi là nhạc sĩ, Lan Anh đang là sinh viên khoa thanh nhạc của nhạc viện. Đương nhiên Lan Anh biết tôi và tôi cũng biết cô ấy. Chúng tôi gặp nhau duyên cớ tình cờ.
Tất cả tôi nghĩ do phần mềm của tạo hóa viết ra cho thân phận mỗi con người. Tôi phải gặp Lan Anh năm ấy và trở thành vợ chồng do sách trời đã định chứ tôi không bỏ công sức, thời gian tìm người yêu, tìm vợ cho mình. Cái gì đến sẽ đến, tôi gặp Lan Anh không phải tiếng sét ái tình mà là phầm mềm của lập trình rồi.
Hai cô con gái đầu của tôi là Phó Vũ Thư hiện đang là giảng viên Trường Nghệ thuật Hà Nội. Còn Phó Lệ Chi làm ở Đài truyền hình Hà Nội. Hai cô con gái đã ổn định gia đình.
Cậu con trai út Phó Đức Hoàng đã tốt nghiệp Nhạc viện Boston bên Mỹ và đang học cao học ở Florida. Thực ra Phó Đức Hoàng tôi yên tâm vì cá tính của Hoàng ít nói, suốt thời gian dài đi học sáng tác cũng chỉ quan tâm đến khí nhạc, không quan tâm đến ca khúc”.
Có lẽ, mái ấm gia đình cũng chính là nguồn động viên, là nơi ông luôn đặt niềm tin để có thể yên tâm sáng tác và cũng là điểm tựa để ông “phiêu” trong mỗi tác phẩm của mình.
Sự ra đi của nhạc sĩ Phó Đức Phương cũng là một sự mất mát lớn đối với nền âm nhạc Việt Nam.